Hà Nội

Tóc bết da dầu làm thế nào khắc phục?

22-01-2024 06:45 | Thẩm mỹ

SKĐS - Ngoài những vấn đề thường gặp như rụng tóc, gàu, rất nhiều người gặp phải tình trạng tóc bết dầu. Tóc bết dầu không chỉ gây khó chịu, mà còn để lại ấn tượng xấu với mọi người. Vậy tóc dầu có đặc điểm gì và làm thế nào để cải thiện?

1. Nguyên nhân gây tóc bết dầu

Trong điều kiện bình thường, da đầu sẽ tiết ra một lượng bã nhờn nhất định để cung cấp đủ độ ẩm giúp da đầu và tóc luôn khỏe mạnh. Trên thực tế, chất nhờn này được cho là cơ chế bảo vệ vùng nhạy cảm của chân tóc, nhưng khi lượng bã nhờn tiết ra quá mức sẽ khiến da đầu và tóc bết dầu. Lượng bã nhờn tiết ra thay đổi tùy theo từng người, nhưng vệ sinh không đúng cách và các yếu tố khác có thể là nguyên nhân.

Tóc bết da dầu làm thế nào khắc phục?- Ảnh 1.

Tóc bết dầu không chỉ gây khó chịu, mà còn để lại ấn tượng xấu.

Những nguyên nhân phổ biến khiến bã nhờn tiết ra quá nhiều bao gồm:

- Thay đổi nội tiết tố: Lượng dầu tiết ra từ tuyến bã nhờn bị ảnh hưởng bởi hormone giới tính ở mỗi cá nhân. Chúng ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau và sự biến động về nồng độ testosterone, estrogen hoặc progesterone có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiết bã nhờn. Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý, như hội chứng buồng trứng đa nang và suy giáp, cũng có thể gây ra tình trạng tóc bết dầu.

- Gội đầu quá nhiều: Có vẻ khó tin nhưng đây lại là nguyên nhân phổ biến nhất khiến tóc nhanh bết dầu. Gội đầu quá thường xuyên, có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên khiến da đầu sản xuất nhiều dầu hơn để bù đắp. Để loại bỏ lượng dầu bổ sung này, bạn sẽ gội nhiều hơn và một chu kỳ luẩn quẩn sẽ lặp lại. Nhưng ngược lại, gội đầu ít cũng là một vấn đề. Nếu không làm sạch da đầu, có thể dẫn đến sự tích tụ dầu trên tóc và da đầu. Nên gội đầu 2-3 lần/tuần với loại dầu gội phù hợp.

- Lạm dụng sản phẩm tạo kiểu tóc: Sử dụng quá nhiều sản phẩm tạo kiểu tóc có thể làm nặng tóc, gây ra lượng dầu dư thừa và tích tụ, khiến chân tóc bị nhờn. Dầu dưỡng tóc và dầu xả cũng chỉ nên sử dụng vừa phải, tập trung vào phần từ giữa đến ngọn tóc.

- Thường xuyên chạm tay vào tóc: Việc chạm vào tóc thường là một thói quen vô thức. Tuy nhiên, khi chúng ta chạm vào tóc, sẽ chuyển chất bẩn và dầu từ da sang tóc, khiến tóc nhờn nhanh hơn.

- Nhiệt độ và độ ẩm: Môi trường cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất dầu. Khí hậu nóng hoặc ẩm, đều có thể khiến da đầu đổ mồ hôi. Mồ hôi có thể trộn với bã nhờn trên da đầu và khiến tóc dầu hơn. Ngay cả việc tiếp xúc thường xuyên với các dụng cụ tạo kiểu tóc bằng nhiệt cũng có thể khiến da đầu tiết ra nhiều bã nhờn hơn để bảo vệ tóc khỏi bị tổn thương do nhiệt và khô.

Tóc bết da dầu làm thế nào khắc phục?- Ảnh 2.

Cần chú ý làm sạch da đầu đúng cách để giảm tình trạng tóc bết dầu.

2. Giải pháp để giảm tóc bết dầu

- Sử dụng dầu gội kiểm soát bã nhờn hoặc dầu gội có chứa thành phần kháng khuẩn: Cần chú ý làm sạch da đầu đúng cách. Trước khi gội nên chải tóc để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất bám trên tóc, sau đó dùng dầu gội làm sạch sâu để loại bỏ dầu. Người tóc bết dầu nên chọn loại dầu gội kiểm soát dầu như dầu gội có chứa bạc hà và các thành phần kháng khuẩn khác. Loại dầu gội này có thể điều tiết hiệu quả sự tiết dầu và giúp làm sạch da đầu.

Sau khi gội, cần lau khô tóc. Nếu đi ngủ khi tóc còn ẩm, vi khuẩn có thể dễ dàng sinh sôi và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây viêm da đầu. Quấn đầu bằng một chiếc khăn và ấn nhẹ để loại bỏ hết độ ẩm, sau đó vỗ nhẹ cho khô.

- Massage da đầu thúc đẩy tuần hoàn máu: Chăm sóc tóc và ngăn ngừa tóc bết dầu bằng cách massage thúc đẩy tuần hoàn máu. Massage da đầu bằng cách ấn nhẹ các đầu ngón tay. Đầu tiên, đi lên từ lông mày và xoa bóp vùng bắt đầu của đường chân tóc. Xoa theo cả hai hướng, xoa theo vòng tròn 10 lần theo một hướng, sau đó 10 lần theo hướng ngược lại. Massage vùng thái dương theo cách tương tự như trên.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tiêu thụ quá nhiều chất béo và đường sẽ khiến tóc nhờn, thậm chí dẫn đến rụng tóc do tiết bã nhờn. Ngoài ra, ăn đồ cay sẽ kích thích tiết dầu. Vì vậy, cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, tốt nhất nên ăn ít đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, cố gắng ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước hơn.

- Giảm tiếp xúc với tia cực tím: Nếu da đầu tiếp xúc với tia cực tím trong thời gian dài, lượng collagen trong da sẽ dần mất đi, giống như các bộ phận khác trên da, da đầu cũng sẽ bị khô và lão hóa nhanh hơn.

- Giảm căng thẳng: Khi tinh thần mệt mỏi và căng thẳng tích tụ, thúc đẩy tình trạng viêm da đầu và quá trình tái tạo da chậm lại. Vì vậy, luôn giữ tinh thần thoải mái, kiểm soát tốt căng thẳng và ngủ đủ giấc cũng sẽ hạn chế tóc bết dầu.

5 cách kiểm soát da và tóc nhờn5 cách kiểm soát da và tóc nhờn

SKĐS - Bạn thức dậy với làn da đầy dầu, hay bị mọc mụn, phải gội đầu mỗi ngày, đây là tình trạng quen thuộc xảy ra ở những người có da và tóc nhờn.

Mời xem thêm video được quan tâm

Rụng tóc: Khi nào cần đi khám bác sĩ | SKĐS

Diệu Ngô
Theo Healthline
Ý kiến của bạn