1. Thiếu vitamin B12 có thể khiến tóc bạc sớm
Theo ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo, Ủy viên Ban chấp hành Hội Da liễu Việt Nam, vitamin B12 là một trong những vi chất quan trọng để duy trì mái tóc khỏe đẹp.
Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến suy giảm sản xuất hồng cầu, gây ra tình trạng thiếu oxy và dưỡng chất cung cấp cho các nang tóc.
Ngoài ra, thiếu hụt vi chất này cũng làm giảm khả năng sản xuất melanin. Thiếu hụt melanin sẽ khiến tóc bạc sớm. Càng ít melanin, lượng tóc bạc càng nhiều.
Bạn có thể bổ sung vitamin B12 thông qua các thực phẩm bao gồm thịt, cá, trứng, và sản phẩm từ sữa... Những người ăn chay có nguy cơ cao bị thiếu vitamin B12, nên tăng cường các thực phẩm như đậu gà, củ dền, cải bó xôi, nấm hương... để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.
2. Vitamin D
Vitamin D không chỉ quan trọng đối với sức khỏe xương mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và duy trì của tóc. Vitamin D kích thích các tế bào tóc mới phát triển và giữ cho các nang tóc ở trạng thái tốt nhất. Thiếu vitamin D dẫn đến tình trạng tóc yếu, dễ gãy rụng. Nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu vi chất này cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất melanin, góp phần khiến cho tóc bị bạc sớm.
Nguồn vitamin D tự nhiên bao gồm ánh sáng mặt trời, cá béo, lòng đỏ trứng, các sản phẩm tăng cường vitamin D như sữa và ngũ cốc...
3. Vitamin E
Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ các tế bào khỏi các gốc tự do gây hại. Điều này không chỉ giúp bảo vệ các tế bào tóc mà còn giúp cải thiện lưu thông máu đến da đầu, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tóc khỏe mạnh.
Thiếu vitamin E có thể làm giảm khả năng bảo vệ tóc khỏi tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất melanin, dẫn đến tóc bạc sớm.
Các nguồn thực phẩm chứa vitamin E bao gồm hạt, dầu thực vật, rau xanh, quả bơ. Bổ sung vitamin E qua chế độ ăn uống là một cách hiệu quả để duy trì sức khỏe tóc.
4. Kẽm
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu trong việc duy trì mái tóc khỏe mạnh. Thiếu kẽm có thể làm giảm khả năng sản xuất melanin trong tóc, dẫn đến tóc bạc sớm.
Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm hạt bí ngô, hạt điều, thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa. Kẽm cũng có thể được bổ sung qua viên uống nếu cần thiết.
5. Đồng
Đồng là một yếu tố quan trọng trong việc sản xuất melanin. Thiếu đồng có thể dẫn đến giảm lượng melanin, làm cho tóc bạc sớm. Đồng còn hỗ trợ sự hình thành collagen, một protein cần thiết cho sức khỏe của da đầu và nang tóc.
Nguồn thực phẩm giàu đồng bao gồm hải sản, các loại hạt, quả khô, các loại rau xanh thẫm như cải bó xôi, cải xoăn...
6. Sắt
Sắt là một khoáng chất cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu và vận chuyển oxy đến các tế bào. Thiếu sắt có khả năng dẫn đến tình trạng tóc rụng và làm giảm chất lượng tóc. Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tóc bạc sớm nhưng thiếu sắt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tóc bạc nếu kết hợp với các yếu tố khác.
Các nguồn thực phẩm chứa sắt bao gồm thịt đỏ, gan, đậu và các loại rau xanh thẫm như cải bó xôi...
Ngoài việc tăng cường các chất dinh dưỡng cần thiết trong chế độ ăn uống, để ngăn ngừa tóc bạc sớm, bạn cần lưu ý:
- Quản lý căng thẳng: Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chịu đựng áp lực và căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tóc bạc sớm. Sau mỗi ngày bận rộn, hãy thực hành các kỹ thuật thiền, yoga, hoặc tập thể dục để giải tỏa căng thẳng.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất: Tránh sử dụng thường xuyên các loại hóa chất gây hại cho tóc như thuốc nhuộm và sản phẩm tạo kiểu chứa nhiều hóa chất. Khi nhuộm tóc, bạn nên lựa chọn các loại thuốc nhuộm ít gây tổn thương và dị ứng cho da đầu.
- Điều chỉnh lối sống: Duy trì lối sống lành mạnh, khoa học cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm. Cần tránh những thói quen gây hại bao gồm thức khuya, hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, đồ uống có cồn...
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Căng thẳng có khiến tóc bạc không? | SKĐS