Hà Nội

Toàn thân chảy mủ vì dùng thuốc không rõ nguồn gốc chữa vảy nến

19-10-2017 07:41 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Đó là trường hợp thương tâm của một bệnh nhân nam tên C. Do tin theo lời mách bảo, anh C. đã tự ý đi mua thuốc đông y không rõ nguồn gốc về uống và chỉ sau 6 thìa thuốc nhỏ, anh này đã rơi vào tình trạng chảy mủ toàn thân, da mặt và da bàn tay, bàn chân bong tróc như bóng bì.

Bệnh nhân C. nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị suy thận. Sau khi được điều trị tích cực, hiện nay tuy bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch nhưng bệnh nhân đang phải vừa điều trị vảy nến vừa phải chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần.

Đến lúc này, khi chia sẻ câu chuyện đáng buồn của mình, anh C. mới thấm thía nỗi khổ khi tự ý chữa bệnh không theo hướng dẫn của thầy thuốc. “Tôi thành thật khuyên những người bệnh vảy nến đừng vì nghe theo quảng cáo hoặc đồn thổi để chữa bệnh giống như tôi khiến bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, gây tốn kém cho gia đình, nguy hại đến sức khỏe”- anh C. nói.

Nhiều biến chứng nguy hiểm…

PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, trên thực tế có không ít bệnh nhân khi mắc bệnh vảy nến thường nghe theo lời quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh vảy nến nên đã tự ý đi điều trị gây hậu quả nặng nề rồi mới chịu đến bệnh viện.

PGS.TS Lê Hữu Doanh.

“Việc điều trị bằng các phương pháp không chính thống khiến cho bệnh không những không khỏi mà còn để lại những biến chứng đáng tiếc. Tại BV Da liễu Trung ương đã từng gặp một số trường hợp bệnh nhân đang từ thể nhẹ ổn định, bất ngờ chuyển sang thể nặng; bình thường đôi khi chỉ có 1-2 tổn thương ngoài da thôi nhưng có trường hợp mụn đỏ toàn thân, mụn mủ toàn thân, sốt cao, ngộ độc thuốc hoặc các biến chứng về khớp, gây sưng đau các khớp. Bệnh vảy nến không đơn thuần là bệnh ngoài da mà nó là bệnh hệ thống cho nên một số trường hợp nặng lên sau điều trị”- PGS. Doanh nói.

Bên cạnh đó, theo PGS. Doanh, có trường hợp biến chứng là hậu quả của việc dùng thuốc không theo chỉ định bác sĩ, trong đó hay gặp nhất là ngộ độc do kim loại nặng, rất nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị theo dân gian khiến ngộ độc asen mạn tính, hoặc các thuốc dùng không kiểm chứng, thuốc pha thêm đông y vào tây y khiến gặp các biến chứng suy thận, suy thượng thận,…

Ngoài ra, một vấn đề hay gặp phải nữa đó là các thuốc bôi. Bình thường mọi người hay nghĩ rằng thuốc bôi không ảnh hưởng gì nên dùng kéo dài, gây ra các tác dụng phụ như đỏ da mạn tính kéo dài, rạn da, xuất huyết liên tục ngoài da làm biến chứng bệnh lý ngoài da nặng nề hơn…

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân vảy nến tại BV Da liễu Trung ương.

Điều trị vảy nến ở Việt Nam đã tiếp cận với thế giới

PGS. Doanh cho hay, ước tính có khoảng 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh vảy nến.

Tại BV Da liễu Trung ương hiện đang quản lý hơn 2000 hồ sơ bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Hầu hết các trường hợp vảy nến là thể nhẹ, một số trường hợp thể vừa và thể nặng cần được dùng các thuốc toàn thân trong điều trị. “Hiện nay các phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam cũng đã tiếp cận được với thế giới, chúng tôi cũng đã có những hướng dẫn điều trị cập nhật từ 2017 các phác đồ điều trị của thế giới. Các thuốc từ đơn giản nhất như là thuốc bôi cho đến thuốc toàn thân, các phương pháp điều trị ánh sáng đến các thuốc sinh học mới nhất thì tại Việt Nam cũng đã có. Chính vì vậy việc quản lý điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam đều đáp ứng được”- PGS. Doanh cho biết thêm.

Các bác sĩ cho biết, một trong những phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh vảy nến hiện nay đó là điều trị bằng UVB dải hẹp toàn thân. Đối với kiểm soát trường hợp bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng thì UVB dải hẹp đáp ứng tốt (khoảng 80% các trường hợp được nghiên cứu là đáp ứng tốt đến rất tốt; một số trường hợp khác cần chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân). Đây là phương pháp mới, ổn định bệnh lâu dài (so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng). Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và của BV Da liễu Trung ương chỉ ra rằng khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng.

Hình ảnh bệnh nhân vảy nến điều trị tại BV Da liễu Trung ương.

Phòng bệnh vảy nến cách nào?

Các chuyên gia cho biết, hiện nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ, có thể là liên quan đến gen, yếu tố môi trường, dị nguyên, vi khuẩn vi rút… Người bệnh khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào về da thì nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Đối với vảy nến, bản thân người bệnh cần hiểu rõ, bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể được kiểm soát rất tốt. Cho nên người bệnh hãy đến cơ sở đảm bảo về mặt chuyên môn giúp điều trị tốt nhất, kiểm soát bệnh sớm.

Để hạn chế và phòng bệnh vảy nến, người dân cần tự điều chỉnh, cân bằng cuộc sống do bệnh vảy nến có liên quan đến chế độ sinh hoạt, stress, vấn đề tâm lý…  Cần tránh căng thẳng thần kinh, sinh hoạt điều độ, hạn chế chất kích thích (rượu, cà phê...). Cần có cách sinh hoạt ăn uống để hạn chế bệnh tiến triển và tái phát bằng cách: Hàng ngày cần vệ sinh thân thể, tắm sạch sẽ giúp loại bỏ các vảy và da viêm. Không nên dùng nước nóng và xà phòng có chất tẩy mạnh, vì có thể làm tăng các triệu chứng. Cần sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ hoặc có thể dùng dầu tắm riêng biệt. Sau khi tắm, thấm khô làn da sau đó dùng kem dưỡng ẩm. Trong thời gian, thời tiết khô lạnh, có thể cần phải sử dụng kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày.

Người bệnh vẩy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng nhất là những đồ ăn chứa nhiều protein và tanh như tôm, cua, ghẹ, măng, cà, lạp sườn, xúc xích, thịt gà, đồ hộp, trứng... Đồ uống có chất kích thích: rược, bia, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt... Đồ ăn có chứa nhiều chất béo như đường, sữa, mỡ, bơ, sô-cô-la, đồ ngọt tổng hợp... Ngoài ra, người bệnh vẩy nến phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm... Thận trọng khi sử dụng nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc... Cần ăn nhiều thực phẩm chứa các loại axit béo có lợi như Omega - 3 và các loại rau quả giàu vitamin B12, chất khoáng như kẽm… để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Người bệnh cũng có thể tham khảo các thầy thuốc chuyên khoa về bổ sung một số loại thảo dược để giảm ngứa và tránh tổn thương lan rộng.

Hưởng ứng ngày Vảy nến thế giới (29/10), ngày 18/10, BV Da liễu Trung ương đã tổ chức buổi thông tin báo chí "Hiểu, điều trị đúng cách bệnh vảy nến, giới thiệu kỹ thuật chiếu UVA/UVB trong điều trị vảy nến”. Ông Trần Hồng Trường, Chủ tịch Hội vảy nến Việt Nam – và cũng là bệnh nhân vảy nến đã 28 năm nay cho biết, nhiều người nghĩ rằng vảy nến chỉ là bệnh ngoài da nhưng trên thực tế đây là căn bệnh mạn tính, không lây, gây đau đớn biến dạng và làm mất khả năng, hiện chưa có cách chữa khỏi.



Ngoài việc bị đau, ngứa và chảy máu do bệnh vảy nến gây ra, nhiều cá nhân mắc bệnh vảy nến trên toàn thế giới hiện còn bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở ngoài xã hội và nơi làm việc. Những người mắc bệnh vảy nến tăng rủi ro mắc các bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, béo phì, bệnh Corhn, nhồi máu cơ tim, viêm loét đại tràng, hội chứng chuyển hóa, đột quỵ và bệnh gan.

Có tới 42% người mắc bệnh vảy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vảy nến, gây đau đớn, xơ cứng, sưng tại các khớp và có thể dẫn đến biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn. Nhiều người điều trị không đúng và thiếu chăm sóc.

Ông Trường cũng nhấn mạnh rằng, thông tin chữa dứt điểm bệnh vảy nến chỉ là tin đồn và không có cơ sở khoa học. Người dân không nên tin theo, tránh tiền mất bệnh lại nặng thêm.

Dương Hải
Ý kiến của bạn