Toàn cảnh vụ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chính thức bị bãi nhiệm

04-04-2025 17:38 | Quốc tế
google news

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã chính thức bị bãi nhiệm chức vụ sau phán quyết ngày 4/4 của Tòa án Hiến pháp nước này, chính thức khép lại chặng đường chưa đầy 3 năm trên cương vị người đứng đầu đất nước.

Toàn cảnh vụ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chính thức bị bãi nhiệm- Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Tòa án Hiến pháp ở Seoul ngày 20/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cho rằng quyết định áp dụng thiết quân luật trong thời gian ngắn của ông Yoon đã vi hiến, và điều này đã dẫn đến việc ông chính thức bị luận tội và bãi nhiệm vai trò Tổng thống Hàn Quốc. Điều này chính thức kích hoạt quy định tổ chức cuộc bầu cử mới để chọn ra vị tổng thống kế nhiệm của Hàn Quốc trong vòng 60 ngày tới.

Quá trình nhậm chức và bị miễn nhiệm của ông Yoon

Tổng thống Yoon Suk Yeol chính thức nhậm chức vào năm 2022. Theo KBS, ông Yoon đã giành chiến thắng đối thủ của đảng Dân chủ cầm quyền khi đó là ông Lee Jae Myung – người “cán đích” ở vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử. Đây được đánh giá là một thắng lợi sít sao nhất về chênh lệch số phiếu bầu trong lịch sử Hàn Quốc, kể từ khi nước này khôi phục lại chế độ bầu cử trực tiếp tổng thống vào năm 1987.

Tuy nhiên, chỉ hơn 2 năm sau, vào ngày 3/12/2024 trong một bài phát biểu được phát sóng toàn quốc, ông Yoon đã tuyên bố ban hành thiết quân luật, cho biết ông muốn "bảo vệ đất nước khỏi các thế lực chống đối nhà nước" và những người thân với Triều Tiên. Quyết định bất ngờ này được đưa ra sau hàng loạt thất bại của chính phủ thiểu số do ông đứng đầu tại quốc hội, bao gồm việc phe đối lập do đảng Dân chủ dẫn đầu gây sức ép phải cắt giảm mạnh ngân sách quốc gia.

Đây là lần đầu tiên trong gần 40 năm, kể từ khi Hàn Quốc thiết lập nền dân chủ đầy đủ, một nhà lãnh đạo tìm cách áp dụng thiết quân luật và đưa lại một hậu quả nặng nề.

Lệnh thiết quân luật dường như đã bị bác bỏ ngay lập tức bởi quyết định của toàn bộ 190 nghị sĩ có mặt trong một phiên họp khẩn cấp của Quốc hội. Sáu giờ sau khi ban hành, ông Yoon đã hủy bỏ lệnh thiết quân luật gây tranh cãi này. Ngày 14/12, ông bị Quốc hội Hàn Quốc luận tội và nhiều lần bị Cơ quan Điều tra Tham nhũng triệu tập thẩm vấn, nhưng đều từ chối hợp tác. Đến ngày 31/12, lệnh bắt giữ ông Yoon được ban hành, khởi đầu cho hai tuần hỗn loạn khi lực lượng an ninh bảo vệ tổng thống đối đầu với lực lượng cảnh sát. Đầu tháng 1, ông Yoon, bị bắt giữ trong một cuộc đột kích lúc rạng sáng tại Phủ Tổng thống và sau đó bị truy tố với cáo buộc lãnh đạo cuộc nổi loạn.

Vụ án hình sự khác gì với việc luận tội tại Tòa án Hiến pháp?

Bên cạnh phiên tòa luận tội tại Tòa án Hiến pháp, Tổng thống Yoon còn phải đối mặt với một phiên tòa khác tại tòa hình sự với cáo buộc kích động nổi loạn thông qua nỗ lực thiết quân luật của mình.

Cả hai phiên tòa đều liên quan đến việc ông Yoon tuyên bố thiết quân luật, nhưng phiên tòa luận tội chỉ mang tính chính trị nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, vụ án hình sự nhắm vào ông Yoon lại là một quy trình pháp lý riêng biệt đang được tiến hành tại Tòa án Quận Trung tâm Seoul.

Các công tố viên trong vụ án hình sự đã chuẩn bị tới 70.000 trang tài liệu làm bằng chứng cáo buộc hành vi phạm tội. Ông Yoon, sau khi được trả tự do vào tháng 3 nhờ kháng nghị thành công về tính hợp pháp của lệnh bắt giữ, đã trở thành tổng thống đầu tiên đương nhiệm của Hàn Quốc bị đưa ra xét xử hình sự.

Nếu bị kết tội, ông có thể đối mặt với mức án chung thân hoặc thậm chí tử hình. Tuy nhiên, vụ án này có thể kéo dài trong nhiều năm. Và kể cả khi ông bị kết án thì vẫn có thể được các vị Tổng thống kế nhiệm ân xá hoặc giảm án, tương tự các cựu Tổng thống khác bị kết án tại Hàn Quốc.

Ai sẽ lãnh đạo Hàn Quốc?

Theo quy định pháp luật hiện hành, Hàn Quốc sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày kể từ khi tổng thống đương nhiệm bị bãi nhiệm. Các đảng chính trị sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ trong vài tuần tới để lựa chọn ứng cử viên.

Ông Lee Jae Myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập, hiện là một trong những ứng viên hàng đầu trong cuộc đua vào ghế tổng thống Hàn Quốc. Đảng của ông Lee ủng hộ việc tăng thuế đối với tầng lớp giàu có và các tập đoàn lớn nắm giữ vai trò chi phối nền kinh tế Hàn Quốc. Ông Lee cũng theo đuổi đường lối được đánh giá là mang tính chất hòa giải hơn trong mối quan hệ với quốc gia láng giềng Triều Tiên – một quan điểm có thể phù hợp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các đối thủ nặng ký của ông Lee gồm có Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon và cựu lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền Han Dong Hoon. Cả hai nhân vật trên đều lên tiếng phản đối việc ban hành lệnh thiết quân luật của ông Yoon. Bên canh đó, ông Oh còn đượng xem là người ủng hộ việc nới lỏng quy định trong tái phát triển nhà ở và ủng hộ việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân riêng.

Người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ lập tức nhậm chức mà không cần giai đoạn chuyển giao quyền lực, và sẽ giữ chức trong một nhiệm kỳ duy nhất kéo dài 5 năm. Trong thời gian lựa chọn vị Tổng thống kế nhiệm, Thủ tướng Han Duck Soo sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước.

Những thách thức lớn đối với người kế nhiệm vai trò tổng thống Hàn Quốc

Vị Tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ phải chèo lái một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu và cán cân an ninh khu vực. Người chiến thắng phải nhanh chóng lấp đầy khoảng trống quyền lực hiện tại – điều mà đang khiến quốc gia này dễ bị tổn thương hơn cả trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Trump bắt đầu một làn sóng thương mại bảo hộ và Triều Tiên ngày càng xích lại gần hơn với Nga.

Tổng thống mới cũng cần thể hiện khả năng đàm phán với Mỹ để giảm thiểu tác động của các hàng rào thuế quan đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đồng thời đảm bảo Washington vẫn cam kết mạnh mẽ ủng hộ đồng minh trên bán đảo Triều Tiên của mình. Nhà lãnh đạo tiếp theo cũng sẽ phải thúc đẩy đoàn kết quốc gia và thúc đẩy chính sách vực dậy nền kinh tế, tránh rơi vào tình trạng bế tắc nghị trường như dưới thời ông Yoon.

Một nhà lãnh đạo xuất sắc của Hàn Quốc sẽ giúp đất nước này thoát khỏi tình trạng chia rẽ chính trị kéo dài, khôi phục tăng trưởng kinh tế và chứng minh rằng Hàn Quốc có thể vượt qua chu kỳ lãnh đạo kết thúc bằng tranh cãi, luận tội hoặc thậm chí là tù tội.


Theo Bình Thanh/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn