Hà Nội

Tòa nhà cao thứ 2 Việt Nam cũng bắt chẹt khách nước ngoài

12-09-2014 21:23 | Thời sự
google news

Nạn bắt chẹt khách nước ngoài thường phổ biến ở bán rong nay diễn ra tại trung tâm thương mại Lotte mới khai trương ở Hà Nội và thể hiện trên bảng giá của đài quan sát tầng 65.

Khách Tây rỉ tai bí kíp đề phòng bị “chặt đẹp”

Câu chuyện né thành công vụ “chặt chém” giá gửi xe gấp 3 lần dân Việt của chàng ca sĩ Tây Kyo York chia sẻ trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương cách đây vài tháng đến nay vẫn được nhiều người chia sẻ lại khi nhắc tới tệ nạn “hét giá” khách nước ngoài tại Việt Nam.

Không biết từ bao giờ, một trong những thông tin chia sẻ đầu tiên của du khách quốc tế dành cho nhau trước khi tới đất Việt đăng trên các diễn đàn, website du lịch nổi tiếng lại là lời cảnh báo và những mẹo nhỏ chống thâm hụt túi tiền chỉ vì thiếu kinh nghiệm mặc cả giá dịch vụ.

Kyo York từng né thành công vụ
Kyo York từng né thành công vụ "chặt chém" khách Tây của chủ bãi gửi xe người Việt. Ảnh: FBNV.

 

Một du khách Mỹ có nick Susana than thở trên website du lịch tripadvisor.com về chuyện bị hét giá xích lô tại Hội An: “Khách Việt Nam đi xích lô có 120.000 đồng/giờ, thế mà họ thu của tôi số tiền gấp đôi. Trước khi ra khỏi khách sạn, tôi đã hỏi kỹ nhân viên lễ tân về giá cả dịch vụ ở đây và nghĩ đó là mức giá chung mà quên không mặc cả trước khi lên xe. Vậy là mất tiền không đâu!”

Chung tình trạng, khác hoàn cảnh với Susana, du khách Math F. (Sheffield, Anh) chia sẻ: “Tôi bị bắt bí giá cắt tóc. Dân địa phương tại Hội An làm chỉ mất 1,5 đôla/lần trong khi người thợ húi cua đầu tôi trong khoảng 15 phút và tính 3 đôla. Tại sao khách nước ngoài lại phải chịu giá đắt gấp đôi khách địa phương trong khi chúng tôi đã phải chi ra bao nhiêu khoản tiền khác để đến Việt Nam?”

Tòa nhà cao thứ 2 VN cũng bắt chẹt khách nước ngoài
Cùng một dịch vụ có nhiều mức giá, nếu không biết "mặc cả", du khách có thể phải trả giá đắt gấp đôi bình thường. Ảnh: Diệp Sa

 

“Khi đi taxi tại Hà Nội, các bạn nên chọn những xe có biển hãng và số điện thoại in hoặc dán bên ngoài. An toàn hơn là bạn hãy chọn một hãng taxi lớn và gọi tới tổng đài đặt xe trước. Nếu không may bắt phải taxi dù, bạn có thể phải trả giá đắt gấp nhiều lần. Nên học vài câu tiếng Việt hoặc nhờ hướng dẫn viên/ bạn bè Việt Nam mặc cả dùm trước khi bạn có ý định mua những đồ ăn đường phố tại khu phố cổ.

Nếu đi xích lô, hãy nhớ mức giá chung chỉ 5- 5,5 đôla/ giờ, các dịch vụ khác như massage, tắm hơi, bạn cũng nên hỏi kỹ lễ tân khách sạn hoặc hướng dẫn viên để tránh bị mất tiền…”, một thành viên có nick DeeDane (London, Anh) chia sẻ kinh nghiệm cho nhóm bạn chuẩn bị tới Hà Nội vào cuối năm nay.

Những bài học cảnh giác đề phòng dân bản địa “chặt chém” khách ngoại mà khách Tây rỉ tai nhau trước khi tới Việt Nam còn dài trên các diễn đàn, mạng xã hội. Thực trạng này đã được các phương tiện truyền thông đề cập nhiều, các cơ quan chức năng cũng đứng ra tuyên bố xử phạt nặng đối với những trường hợp bị du khách nước ngoài tố cáo.

Tiêu biểu, ngay từ đầu năm, Sở GTVT Hà Nội và TP.HCM đồng loạt thẳng tay xử phạt nặng các trường hợp taxi “chặt chém”, hét giá du khách đồng thời ra tuyên bố sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp tương tự. Tuy nhiên, đó dường như chưa đủ để nâng cao chất lượng dịch vụ tại Việt Nam. Và tình trạng “làm giá”, phân biệt khách Tây, Việt không chỉ diễn ra ở vỉa hè mà còn được công khai tại những nơi có tiếng kinh doanh chuyên nghiệp.

Công khai phân biệt khách Tây, Việt

Trung tâm thương mại Lotte Center Hà Nội (tòa nhà cao thứ 2 Việt Nam) mới được khai trương từ đầu tháng 9/2014 nhưng đã thu hút khá đông du khách nhờ các dịch vụ giải trí hấp dẫn, trong đó có dịch vụ thăm quan đài quan sát, ngắm toàn cảnh thủ đô Hà Nội từ tầng 65 của tòa nhà.

Giá vé lên tầng 65 được BQL tòa nhà niêm yết công khai với nhiều mức 30.000 - 230.000 đồng/vé tùy từng đối tượng: trẻ em, người già, sinh viên, khách trong nước, khách quốc tế và thời điểm ban ngày hay buổi tối. Đặc biệt, phía dưới bảng giá ghi chú rõ: “Giá ưu đãi chỉ áp dụng cho công dân Việt Nam”. Cụ thể, giá vé bán ra cho khách nội địa và khách quốc tế chênh lệch khoảng 50.000 - 80.000 đồng/vé cùng hạng.

Tòa nhà cao thứ 2 VN cũng bắt chẹt khách nước ngoài
Giá vé thăm đài quan sát tầng 65 của Lotte Center Hà Nội phân biệt khách Tây, Việt. Ảnh: Diệp Sa.

 

Trái với suy đoán của nhiều người, một số ý kiến khách hàng nội địa tỏ ra không hài lòng với sự phân biệt khách Tây, Việt của đơn vị kinh doanh. Nam Anh, học sinh lớp 11 trường THPT Amsterdam (Hà Nội) cho biết: “Thời nào rồi mà còn phân biệt khách Việt Nam với khách nước ngoài? Mình từng đi du lịch tại Thái Lan, bên đó thậm chí họ còn ưu đãi giá cho khách quốc tế hơn khách trong nước để kích cầu du lịch. Vậy mà Việt Nam mình bắt chẹt khách Tây ở mọi nơi”.

“Có mấy chục bạc mà cũng phải phân biệt khách trong hay ngoài nước. Đã mất công bỏ tiền mua vé lên đây, chất lượng dịch vụ như nhau thì giá phải ngang nhau chứ. Hay khách nội địa thu rẻ hơn, khách nước ngoài thu đắt hơn thì thái độ phục vụ cũng dựa vào đó mà phân biệt luôn?”, anh Nguyễn Duy Hoàng (nhân viên sự kiện, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra nghi ngại. Trong khi đó, trao đổi với PV, đại diện của Lotte cho biết: "Đây là chính sách ưu đãi của công ty với người trong nước".

Tòa nhà cao thứ 2 VN cũng bắt chẹt khách nước ngoài
Người nước ngoài tới Việt Nam kinh doanh trò chơi mạo hiểm Flyboard tại biển Nha Trang cũng nhập gia "tùy tục", áp dụng giá ưu đãi cho khách nội địa. Ảnh: NVCC.

 

Tại Nha Trang, trò chơi lướt ván mạo hiểm FlyBoard là một trong những dịch vụ bãi biển được du khách trẻ tuổi bình chọn là “hot” nhất hè năm nay. Theo thông tin từ đơn vị quản lý, giá vé cho 10 phút chơi trò này là 60 đôla. Tuy nhiên, chủ quản lý người nước ngoài nhấn mạnh: “Có giá riêng ưu đãi cho người địa phương và khách Việt Nam”.

Khi được hỏi vì sao lại có sự phân biệt như vậy, chủ trò FlyBoard chia sẻ lý do rất đơn giản: “Vì tôi thấy việc phân biệt giá vé cho khách Tây và khách Việt diễn ra ở mọi nơi tại Việt Nam. Nên chúng tôi cũng chỉ làm theo lệ thôi! Hơn nữa, áp dụng mức vé ưu đãi cho khách Việt, tôi hi vọng nhiều bạn trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội trải nghiệm với ván lướt nhiều hơn”.

Chia sẻ quan điểm về tình trạng kinh doanh dịch vụ phân biệt khách Tây, Việt tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, tình trạng “chặt chém”, “hét giá” khách du lịch tại nước ta không phải là mới. Đã có thời hiện tượng này bị cả xã hội lên án mạnh mẽ nhưng trên thực tế, nó vẫn diễn ra hàng ngày mà chưa có biện pháp bài trừ triệt để.

“Nguyên tắc của kinh tế thị trường là nhà cung cấp phải đưa ra mức giá bình đẳng, không phân biệt đối xử với mọi đối tượng khách hàng cùng hưởng chung một chất lượng dịch vụ. Việc đưa ra các mức giá khác nhau, phân biệt đối tượng khách hàng là hành động đi ngược lại quyền bình đẳng, gây tâm lý bất mãn ở khách. Nếu bạn là khách hàng bị phân biệt đối xử, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Chúng ta nên khuyến khích, ủng hộ xu hướng bình đẳng hóa giá thành mọi loại dịch vụ cùng cấp tại Việt Nam, trừ những trường hợp các nhà kinh doanh triển khai những dịch vụ đặc biệt hướng tới nhóm đối tượng khách hàng hạng sang thì lại thành câu chuyện khác”, ông Phong chia sẻ.

 

 


Ý kiến của bạn