Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế năm 2006 và duy trì trong suốt 15 năm qua. Năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70% dân số.
Tuy nhiên, dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua nhưng lại đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Hiện nay, cả nước có 33 tỉnh có mức sinh cao, 21 tỉnh có mức sinh thấp và 9 tỉnh đạt mức sinh thay thế.
Trong đó, đáng chú ý, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, thậm chí một số tỉnh, mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung... Trong khi đó, tại những nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển, mức sinh lại rất cao, có nơi trên 2,5 con/phụ nữ.
Theo các chuyên gia, duy trì mức sinh thay thế trên bình diện chung, điều chỉnh mức sinh phù hợp là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay, góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.
Xuất phát từ thực tế trên, nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về thực trạng mức sinh, các giải pháp điều chỉnh mức sinh phù hợp và những cơ hội – thách thức xung quanh vấn đề này ở nước ta hiện nay, Báo Sức khoẻ & Đời sống phối hợp Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức chương trình Toạ đàm với chủ đề: "Điều chỉnh mức sinh phù hợp – Cơ hội và thách thức".
Toạ đàm: "Điều chỉnh mức sinh phù hợp – Cơ hội và thách thức".