Tờ trình về Dự án Luật Dược (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc

19-11-2015 23:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 19/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về Dự án Luật Dược (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 19/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về Dự án Luật Dược (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc sửa đổi Luật Dược lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Dược năm 2005 cũng như đáp ứng với yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập.

Tăng cường quản lý nhà nước về giá thuốc

Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) có 14 chương, 100 điều, tăng 27 điều so với Luật Dược 2005. Dự thảo bổ sung 4 chương (Chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; Hành nghề dược; Dược lâm sàng và Quản lý giá thuốc), bỏ chương Quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt và đưa các nội dung của chương này vào các phần tương ứng trong dự thảo. Dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản về chính sách của Nhà nước về dược, phát triển công nghiệp dược; quản lý nhà nước về giá thuốc; phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; các quy định liên quan đến kinh doanh thuốc; các nội dung liên quan đến bảo đảm chất lượng thuốc và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Ngoài các sửa đổi, bổ sung là các thay đổi cơ bản, nhiều điều khoản khác được sửa đổi nhằm quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn hoặc “luật hóa” các quy định chi tiết của văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược 2005.

Liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về giá thuốc, Dự thảo Luật không quy định tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và không quy định công bố giá tối đa đối với thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả do việc đưa ra tiêu chí các nước có điều kiện y tế tương tự Việt Nam và xây dựng giá thuốc tối đa là không khả thi. Dự thảo Luật quy định việc quản lý giá thuốc với các biện pháp quản lý cụ thể, thống nhất với Luật Giá, Luật Đấu thầu và các văn bản khác có liên quan, trong đó điểm mới cơ bản là quy định việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật Giá đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội.

Để bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý giá thuốc và tăng cường hiệu quả của sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý giá thuốc, dự thảo vẫn khẳng định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc. Tuy nhiên, dự thảo đã quy định rõ thẩm quyền quản lý nhà nước về giá thuốc của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, đồng thời, phân công cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế và các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc.

Nhà nước chỉ can thiệp giá thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Dược (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, dự thảo quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch.

Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng các quy định về giá thuốc của Dự thảo Luật cần quan tâm thêm một số vấn đề. Đầu tiên, thuốc do quỹ BHYT chi trả (chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ khám chữa bệnh không do quỹ BHYT chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá. Do vậy, cần phải có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đề cập đến tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi. Theo đó, cần xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong Dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân. 

     Hoàng Dương - Anh Tuấn

 


Ý kiến của bạn