Người từng nói: Nếu cần, có thể đổi cả một trung đoàn tinh nhuệ để có được một nhà báo như Ê-ren-bua. Sinh thời, Ê-ren-bua từng có một phát ngôn được rất nhiều người đánh giá cao, thậm chí coi đó như một chân lý bất biến: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von- ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nói điều này có những điểm khá tương thích với nhà thơ quê gốc Quảng Bình - Nguyễn Hữu Quý.
Tập thơ Nơi tôi gọi là Tổ quốc (*) của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý vừa được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, năm 2018, gồm 70 bài được viết dưới nhiều hình thức thể loại khác nhau: tự do, lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn,... và in trên giấy trắng gần 160 trang, bìa gấp đẹp.
Nếu tính cả thơ và trường ca, trước đấy Nguyễn Hữu Quý đã xuất bản 8 cuốn gồm: Mười nghìn khát vọng, 1997; Huệ trắng, 1999; Làng đảo, 2002; Im lặng trên cao, 2007; Những hồi chuông màu đỏ, 2009, Sinh ở cuối dòng sông, 2003; Vạn lý Trường Sơn, 2009; Hạ thủy những giấc mơ, 2013. Nơi tôi gọi là Tổ quốc là tập thơ thứ 9 của ông, chưa tính các tập văn xuôi như: ký, truyện ngắn, bình luận văn chương, những bài và sách viết cho thiếu nhi,...
Bìa cuốn Nơi tôi gọi là Tổ quốc.
Dù đấy là những bài thơ trực tiếp viết về đấng sinh thành hay những người thân yêu của mình, thì khuất sau những vần thơ ấy, người đọc vẫn không quá khó để nhận ra hình bóng quê hương xứ sở, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng nhà thơ cũng như những người thân yêu của mình. Dù cuộc sống vật chất còn đầy khó khăn, lại gặp buổi chiến tranh, thời loạn lạc nên khó khăn lại càng chồng chất hơn, nhưng tình cảm trân quý đối với những người thân yêu và quê hương xứ sở trong Nguyễn Hữu Quý lúc nào cũng đong đầy: Mạ sinh con ở Quảng Bình/ phía biển trăng lên soi từng vú cát/ tháng tư, chưa qua kỳ giáp hạt/ làng ở cuối sông tim tím hoa cà./.../ Vọng tới đầu nguồn mây trắng đèo Mụ Dạ/ tiếng oa oa lẫn vào gió quê mình/ nửa biển, nửa rừng hòa trong con bịn rịn/ một vạt mặn cay che chở suốt đời. (Mạ sinh con ở Quảng Bình).
Ôi chao, một miền quê nghèo khó đến nỗi trăng lên soi từng vú cát. Và trong tâm thức người dân nơi đây lúc nào cũng lo ngay ngáy tháng tư, chưa qua kỳ giáp hạt mà nhà thơ vẫn yêu, vẫn quý và trân trọng nó đến khôn cùng. Để có được những vần thơ đằm thắm yêu thương đến mức ấy, chắc chắn Nguyễn Hữu Quý phải có một tình yêu quê hương xứ sở nồng nàn, thống thiết đến chừng nào và thường trực như cơm ăn, nước uống và không khí để hít thở hàng ngày. Đấy chính là nguyên nhân sâu xa cắt nghĩa cho những vần thơ đậm nghĩa, nặng tình với quê hương Quảng Bình của ông. Có lẽ vì thế mà số các bài thơ viết về mảng đề tài - chủ đề này đã chiếm khoảng 10/70 dung lượng của tập sách này. Trong đó, tôi thích nhất các bài: Mạ sinh con ở Quảng Bình và Nước mắt mẹ thấm vào con. Ở đây có những câu thơ ám ảnh, mỗi khi đọc lên ta cảm thấy nao lòng: Con không về lại xóm thôn/ chiêm bao, mẹ đến Trường Sơn đi tìm/ bồ đề rớt một tiếng chim/ giữa bao bia mộ im lìm dọc ngang/.../ Mẹ ơi, sương đã mờ giăng/ mẹ về đi mẹ kẻo hoàng hôn buông/ chia ly, hai nẻo âm dương/ con ngồi dõi mẹ nẻo đường ra quê… (Nước mắt mẹ thấm vào con).
Với thể thơ lục bát truyền thống, hình bóng người mẹ Việt Nam trong mơ đi tìm đứa con thân yêu của mình đã nằm lại Trường Sơn nhưng vẫn lo cho mẹ chân cứng đá mềm trên đường về lại quê hương đã làm người đọc thực sự xúc động và cảm kích. Người ta thường nói, trên cõi đời này, tất cả đều có thể đổi thay, riêng tình mẫu - tử là duy nhất bất biến. Với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý điều này càng đúng hơn, nhất là khi ông đã phải chia xa người mẹ thương yêu của mình từ khi mới học cấp hai, năm 12 tuổi.
Ngoài những bài thơ trực tiếp viết về mẹ như: Vườn mẹ mai vàng, Mạ sinh con ở Quảng Bình, Nước mắt mẹ thấm vào con, Mẹ ru con tiếng Việt muôn đời,... trong tập này còn có những bài viết về người thân như: Viết cho các con, Ru cháu, Con gái về quê lấy chồng, Viết tặng con dâu, Tết, Tiễn cháu đi xuất khẩu lao động,... với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau dành cho họ.
Nhưng mảng thơ viết về những vùng quê mà ông từng qua trong những chuyến đi, những tâm tư trăn trở về con người, cuộc đời và thế sự trong đấy có nhiều bài thơ đọc khá thú vị như: Thấm nỗi quê nhà, Bài ca sau chiến tranh, Độc huyền cầm Hà Nội, Mênh mang biển Việt, Nơi tôi gọi là Tổ quốc, Đất Trường Sa, Khúc vĩ thanh Sa Pa, Bài học Phăng xi păng, Uống với Mù Cang Chải, Hang tám cô, Ngã ba Đồng Lộc, Lục bình phương Nam, Lời khấn cầu của các liệt sĩ,...
Trong số những bài thơ trên tôi thích nhất là bài Độc huyền cầm Hà Nội. Bài thơ là một phác họa ở chiều sâu tâm thức văn hóa của Hà Nội với nghìn năm giặc giã, nghìn năm máu xương và vượt lên trên tất cả là nghìn năm văn hiến. Bởi lẽ: nghìn năm, nghìn năm, giai nhân vẫn thế/ vận vào sương khói bay bay.../ Sương khói Hồ Gươm, sương khói Hồ Tây/ mênh mang, mênh mang, mênh mang thiên kỷ/ giọt giọt thời gian, muôn vàn thao thức/ thăng trầm bao phen tóc xanh, đầu bạc. Có thể nói một cách sòng phẳng rằng nếu không có sương khói Hồ Gươm, Hồ Tây, không có tóc xanh, đầu bạc, không có bao phen trận mạc, giặc vây bốn bề thì cũng sẽ không có một Hà Nội hôm nay. Ca trù Hà Nội chỉ là một sự thăng hoa của lịch sử Thủ đô nghìn năm tuổi. Phải là một người không chỉ am hiểu lịch sử Thủ đô Hà Nội, mà phải thấm đẫm hồn núi sông Hà Nội thì mới có thể viết được những vần thơ như thế này: Nghe như lửa reo, nghe như gió cháy/ thịnh - suy vận Nước, mờ - tỏ mệnh Trời/ đầm đìa lệ rơi, đầm đìa máu rơi/ đầm đìa núi chảy, đầm đìa sông trôi/ trống rỗng kinh thành lấp đầy bóng giặc/ một dây nức nở độc huyền cầm vỡ/ một cơn hồng thủy trôi dạt trên tay/... / Ngoảnh lại mấy phen ngựa đá lấm bùn/ bao đận binh đao gót người tứa máu/ ra đi - trở lại, hồng sắc đào xuân/ gẩy lên Trời tròn, gẩy lên Đất vuông/ bánh chưng, bánh dày xum xuê tiếng trẻ...
Lịch sử Thủ đô Hà Nội là quá trình tích tụ hàng nghìn năm, kể về nó có thể nhiều người làm được, nhưng viết thơ về nó cho hay xem ra chỉ đếm đầu ngón tay, mà Nguyễn Hữu Quý là một trong số ít người làm được việc đó. Đối với sáng tạo thi ca, viết về một đề tài cũ mà hay đã là mới lắm rồi, vì thơ muốn hay thì phải mới, nhưng mọi cái mới (cái lạ) chưa hẳn đã hay. Đấy chính là sự khác biệt giữa những người biết mình là ai, đứng ở chỗ nào trong tiến trình thơ ca dân tộc. Theo tôi, cái hay, cái mới của Nguyễn Hữu Quý là ở chỗ anh đã đem đến cho người đọc một cảm quan mới về thế giới, về Thủ đô Hà Nội, những vùng đất mà ông đã từng gắn bó nhiều năm, những người thân trong gia đình, đồng chí, đồng nghiệp. Dù rằng cái thế giới ấy cũ xưa như trái đất, nhưng dưới ngòi bút của ông người đọc vẫn luôn cảm thấy dường như thế giới ấy mới được phát hiện ra, qua khả năng khám phá lại lịch sử của nhà thơ: Hà Nội phố, Hà Nội quê/ dễ chi mua được thói lề/.../ nghìn năm mộng mơ, nghìn năm chân thực/ nghìn năm giặc giã, nghìn năm hòa bình/ nghìn năm thảo dân, nghìn năm tướng sĩ/.../ Rồng thiêng lộng lẫy một dáng vút lên!
Nguyễn Hữu Quý đã dành phần lớn thời gian và tâm sức trong sự nghiệp cầm bút của mình, cũng như phần lớn trong số 70 bài thơ trong Nơi tôi gọi là Tổ quốc để viết về bậc sinh thành, những người thân yêu cũng như quê hương, đất nước. Âm hưởng chung của tập thơ là ngợi ca những tình cảm đẹp, những tấm lòng nhân hậu bằng thứ ngôn ngữ giản dị và mộc mạc rất gần gũi với cuộc sống của tuyệt đại đa số những người lao động trên khắp mọi miền quê hương đất nước thân yêu của chúng ta. Giọng thơ trầm lắng, đầy ắp ân nghĩa, dù có lúc nhói đau nhưng rất chân tình là âm hưởng chủ đạo, quán xuyến toàn bộ tập thơ này.
Trong bối cảnh loạn thơ như hiện nay, dù sao đây cũng là tập thơ rất đáng đọc, ngoài thưởng thức cái hay, cái đẹp do thi ca mới mang lại, còn để ngẫm suy sự đời, lòng người trong thời buổi còn lắm nhiễu nhương này. Xin chúc mừng ông.
...............................................
(*) Nơi tôi gọi là Tổ quốc. Thơ Nguyễn Hữu Quý, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2018