Tò mò cho tay vào máy ép mía bé trai 4 tuổi dập nát ngón tay

14-05-2019 14:01 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo thông tin Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành cho một bệnh nhi bị kẹt tay vào máy ép mía.

Bệnh nhi T.Q.N ( 4 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đau đớn, chảy máu nhiều, sưng nề toàn bộ bàn tay phải, da bong tróc, hoại tử, dập nát đốt tay.

Theo gia đình bệnh nhi, tai nạn hy hữu xảy ra khi bé chạy sang nhà hàng xóm chơi. Vì hiếu động, tò mò nên bé bỏ tay vào máy ép mía. Dù người bán hàng đã vội tắt máy nhưng tay bé vẫn bị cuốn vào.

Qua thăm khám, chụp X-quang cho thấy: bệnh nhi bị chấn thương phức tạp, dập nát gần đứt lìa đốt ngón giữa và xa ngón 3,4 bàn tay phải. Nhận thấy diễn biến tình trạng bệnh của bệnh nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định phẫu thuật cắt lọc hoại tử, xử lý vết thương, khâu phục hồi, kết hợp cố định xương gãy. Đồng thời, điều trị vết thương, băng bột và chăm sóc tại chỗ.

Hiện bệnh nhi được điều trị, chăm sóc tại bệnh viện.

Bệnh nhi bị tổn thương nặng ở tay do máy ép mía.

Theo TS.BS Thái Văn Bình, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng,Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tai nạn do máy ép nước mía xảy ra khá phổ biến, đặc biệt vào mùa hè. Rất nhiều nạn nhân bị kẹt tay vào máy ép nước mía đã phải cắt tay, tháo đốt ngón tay…

Những thao tác sau đây luôn luôn phải ghi nhớ để áp dụng khi tai nạn máy ép mía xảy ra:

- Phải ngắt ngay nguồn điện.

- Nhanh chóng gọi người xung quanh tới giúp đỡ.

- Không vội vàng rút tay kẹt trong máy ra.

- Dùng một vật nhỏ gì đó cho vào giữa trục ép, đóng mạnh ngược chiều cho 2 trục ép đè lên nhau, 2 trục ép tách xa nhau thì đưa bàn tay ra nhẹ nhàng tránh tổn thương nặng hơn. Nhanh chóng tháo trục quay, chứ không để yên như thế rồi quay ngược lấy tay ra.

Cầm máu và ngay lập tức đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

Theo các bác sĩ, mùa hè là dịp các em nghỉ ngơi, vui chơi nhưng cũng là khoảng thời gian các bé thường gặp tai nạn, cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Ngoài tai nạn đuối nước luôn đứng đầu danh sách, có thể kể đến các nguy cơ luôn rình rập như: rắn cắn, côn trùng đốt; uống nhầm các chai lọ có chứa thuốc diệt cỏ, trừ sâu; phỏng lửa, nước sôi; chó cắn, mèo cào; mắc dị vật đường thở; đặc biệt là điện giật thường xảy ra do sự hiếu động của các em. Các chuyên gia phân tích rằng ngoài những tai nạn do tính hiếu động, tò mò của trẻ, có nhiều vụ còn do sự lơ là, bất cẩn của người lớn, đáng nói nhất là những ca chấn thương do té ngã, tai nạn giao thông.


Việt Hà
Ý kiến của bạn