Tổ chức nhiều đợt thi thử trung học phổ thông: Áp lực kép

19-05-2016 16:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, ngoài ôn luyện...

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, ngoài ôn luyện, nhiều trường THPT đã tiến hành tập dượt cho các em bằng cách liên tục tổ chức các đợt thi thử, kiểm tra. Điều này tưởng chừng sẽ giúp cho các em làm quen với kỳ thi, tuy nhiên, việc ôn và luyện thi liên tục vào giai đoạn nước rút không chỉ gây mệt mỏi về tinh thần mà dễ khiến các em bị quá tải kiến thức và đã tạo không ít lo lắng, áp lực cho học sinh.

Từ đầu năm học 2015-2016, cứ mỗi tháng, học sinh lớp 12 của không ít trường THPT lại phải trải qua kỳ thi thử THPT với 4 hoặc 5 môn cả tự chọn lẫn bắt buộc tùy theo số môn các em đã đăng ký. Những kỳ thi được tổ chức giống như một kỳ thi THPT Quốc gia bình thường về cấu trúc đề thi, cơ cấu, sắp xếp ngồi theo bảng chữ cái, số lượng giám thị, cách chấm bài thi... Trong hai tháng 5 và 6, các em sẽ được ôn luyện tại trường và tiếp tục trải qua thi thử, sau đó được nghỉ một tuần để tự ôn trước khi vào kỳ thi chính thức đầu tháng 7 tới.

Vì việc thi thử được đưa vào chương trình giảng dạy của nhà trường nên tất cả học sinh phải tham gia với việc thu lệ phí thi 50.000 đồng cho một lần thi với mỗi học sinh, riêng những lần đầu mỗi em phải đóng 120.000 đồng.

Mặc dù theo cách lý giải của nhà trường, điểm thi thử không cộng vào điểm chính khóa mà chỉ là hình thức giúp các em làm quen với kỳ thi, là căn cứ để các thầy cô định hướng cho các em chọn trường phù hợp. Tuy nhiên, không ít học sinh cảm thấy quá mệt mỏi khi sáng phải học chính khóa, chiều ôn tập các môn thi chính, tối về chuẩn bị bài cho ngày mai rồi còn dành thời gian luyện thi thử nữa. Bên cạnh đó, cho dù kết quả thi thử không ảnh hưởng đến kết quả học tập nhưng lại được công khai trên bản tin và điểm thi đó cũng được các thầy cô dùng để đánh giá năng lực, nhận xét nên tác động không nhỏ đến tâm lý học sinh.

Đồng ý việc thi thử sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi, cách thi, biết năng lực của mình đến đâu nhưng một học kỳ mà thi thử nhiều lần liên tiếp khiến các em rất căng thẳng. Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực trong kỳ thi cũng có mặt tích cực của nó - khích lệ cho các em dồn tâm trí, thời gian và sức khỏe của mình để ưu tiên cho việc học và kết quả kỳ thi tốt hơn. Tuy nhiên, áp lực này sẽ có mặt trái nếu như các em không vững vàng. Tốt nhất, trong quá trình ôn thi, phụ huynh nên tạo không khí thoải mái, thời gian thư giãn, động viên và chia sẻ với con. Các em cần học một cách thoải mái và có hệ thống chứ đừng dồn ép quá hoặc rời rạc từng chút, cần tạo được sự cân bằng trong tinh thần mới bước vào một kỳ thi một cách tốt nhất. Điều quan trọng nhất là giáo viên phải trang bị tốt cho các em kiến thức nền, có kế hoạch ôn tập tốt cho từng đối tượng học sinh theo nguyện vọng và năng lực của các em. Tuy nhiên, lựa chọn cách thức nào thì nhà trường cần thông qua và có sự đồng thuận của phụ huynh. Tùy theo điều kiện thực tế và khả năng của học sinh để chọn giải pháp phù hợp để học sinh thấy hứng thú học tập và không bị áp lực để các em bước vào kỳ thi một cách tốt nhất.


Trường Giang
Ý kiến của bạn