Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.
Khuyến khích nhà trường, cơ sở giáo dục tăng cường xã hội hóa, phối hợp với gia đình học sinh tổ chức dạy bơi cho học sinh trong và ngoài nhà trường.
Vào mỗi dịp học sinh nghỉ hè, tỷ lệ đuối nước của trẻ em thường gia tăng. Ở khu vực nông thôn, tai nạn đuối nước cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Xảy ra chủ yếu tại cộng đồng, chiếm 77,6% (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng); 15,8% tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.
Để giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em, thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về tăng cường giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh, thời gian qua, các sở GD&ĐT đã tích cực phối hợp với sở, ban, ngành liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, tổ chức dạy bơi cho học sinh tiểu học trên cả nước.
Việc thực hiện kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và học sinh, trẻ em những kiến thức, kỹ năng để chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước khi tham gia sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, khi tiếp xúc với môi trường nước. Tạo sự lan tỏa, hình thành thói quen, kỹ năng đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước và phong trào tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân trước tai nạn đuối nước.
Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ xây dựng Chương trình hành động của ngành giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2030 theo Chương trình của Chính phủ. Tổ chức phát động phong trào tập luyện môn bơi, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.
Xây dựng các sản phẩm truyền thông và tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phối hợp, triển khai các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ chuẩn hóa hệ thống tài liệu hướng dẫn kỹ năng bơi an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; tài liệu dạy bơi an toàn trong các trường phổ thông và tổ chức hướng dẫn sử dụng tài liệu trong các cơ sở giáo dục. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường mầm non, phổ thông.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng, hình thành cho học sinh tự ý thức, chủ động phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước. Chỉ đạo cơ sở thường xuyên rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, vui chơi, sinh hoạt: phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can, khu vui chơi… trong khuôn viên nhà trường; kịp thời sửa chữa, thay thế, khắc phục đảm bảo các tiêu chí trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
Chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trong các hoạt động giáo dục, các giờ học thể dục, các tiết học cuối trước khi tan trường. Khuyến khích nhà trường, cơ sở giáo dục tăng cường xã hội hóa, phối hợp với gia đình học sinh tổ chức dạy bơi cho học sinh trong và ngoài nhà trường.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho học sinh. Đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi trong các nhà trường, cơ sở giáo dục.