Quy định mức lãi suất chậm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thấp hơn mức lãi suất tiền vay ngân hàng đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) cố tình chậm đóng, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng Quỹ BHXH, BHYT và BHTN...
Vì sao gia tăng tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN?
Theo ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình trạng nợ đọng BHXH đang thực sự là một vấn đề khá nhức nhối đối với cơ quan quản lý nhà nước. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 480.000 DN có đăng ký mã số thuế, tuy nhiên, cơ quan BHXH Việt Nam mới quản lý được 199.500 DN tham gia BHXH, chiếm khoảng 42%. Trong số 199.500 đơn vị tham gia BHXH này, có tới 22.231 đơn vị nợ BHXH và không có khả năng giải quyết quyền lợi BHXH cho người lao động. Các DN này đang sử dụng 175.958 người lao động với số nợ 1.900 tỉ tiền nợ BHXH, BHYT và BHTN. Thực tế có khoảng 60% DN chưa tham gia BHXH, chủ yếu có mô hình hoạt động rất nhỏ, chỉ sử dụng từ 2-5 người lao động/DN.
Về nguyên nhân phát sinh tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN, ông Đỗ Văn Sinh cho rằng, trước hết, hiện nay chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan đầu tư khi cấp phép thành lập DN phải cung cấp thông tin của DN như địa điểm trụ sở, ngày bắt đầu hoạt động, lao động đăng ký... để cơ quan BHXH tiếp cận yêu cầu DN đăng ký tham gia BHXH, BHYT và BHTN. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng BHXH thấp, chưa đủ sức răn đe.
“Ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Nhóm DN ngoài Nhà nước đứng đầu trong việc trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng vào Quỹ BHXH, BHYT của người lao động (NLĐ). Ngoài ra, công tác phối hợp trong kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các DN còn hạn chế, không thường xuyên”, ông Sinh nêu ý kiến.
Khởi kiện DN vi phạm pháp luật BHXH trong tháng 9/2016
Trước tình trạng nợ đọng BHXH đang có chiều hướng gia tăng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ khẩn trương vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ. Theo đó, tổ chức Công đoàn sẽ đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH bắt đầu từ tháng 9/2016. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, để thực hiện khởi kiện các DN vi phạm pháp luật BHXH, trước mắt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giao một số địa phương trọng điểm như: Hà Nội, Đà Nẵng Bình Dương, Đồng Nai... chọn khởi kiện điểm, sau đó sẽ cho các tỉnh, thành phố học tập, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng.
Theo đó, trong tháng 8/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiến hành 3 đợt tập huấn cho cán bộ công đoàn tại các tỉnh, thành phố tại 3 vùng, miền, sau đó trong tháng 9/2016 sẽ tiến hành thủ tục khởi kiện. Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức chương trình tập huấn hướng dẫn Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Tuy nhiên, trong điều kiện đội ngũ cán bộ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố còn mỏng, trình độ về pháp luật còn hạn chế nên việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
“Tổ chức công đoàn không thể chần chừ hơn được nữa trước những thiệt hại về quyền lợi của NLĐ”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định.
Trước mắt, do trình độ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở còn hạn chế, lực lượng cán bộ còn mỏng nên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giao cho Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố đứng ra khởi kiện. Tuy nhiên, nếu tỉnh, thành phố nào thấy công đoàn cấp trên của địa phương mình đảm đương được nhiệm vụ thì có thể giao thực hiện...