Hà Nội

'Tổ canh bào thai' ở xã biên giới

28-11-2023 15:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Từng là điểm nóng về mua bán bào thai vài năm trước, 2 bản Đỉnh Sơn và Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được chính quyền quan tâm một cách đặc biệt, lập luôn tổ “canh bào thai” nhằm xóa bỏ vấn nạn này.

Đi "canh" phụ nữ mang bầu

Bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm nằm giữa rừng phòng hộ, nơi tập trung nhiều người Khơ Mú sinh sống bằng nghề trồng trọt và đi rừng. Năm 2018 - 2019, nhiều phụ nữ trong bản rủ nhau sang Trung Quốc bán bào thai. Chỉ trong một thời gian ngắn, theo thống kê chưa đầy đủ có gần 30 phụ nữ ở các bản này vượt biên qua Trung Quốc đẻ rồi bán con. Vụ việc gây chấn động dư luận, buộc cơ quan chức năng các cấp phải ráo riết vào cuộc.

'Tổ canh bào thai' ở xã biên giới- Ảnh 1.

Một góc bản Đỉnh Sơn 2, nơi từng là điểm nóng của nạn buôn bán bào thai.

Đầu năm 2022, Tổ công tác đặc biệt thường gọi "tổ canh bào thai" được thành lập, gồm 10 thành viên là lãnh đạo ủy ban, công an, hội phụ nữ xã, trưởng các bản. Nhiệm vụ là tuyên truyền về phòng chống mua bán người và di cư trái phép. Tổ công tác giám sát phụ nữ mang bầu, vận động gia đình ký cam kết "không bán bào thai", canh đến khi sinh con.

Theo Công an xã Hữu Kiệm, đơn vị phải thành lập các tổ để giám sát chặt chẽ 3 bản này. Gần hai năm nay, cán bộ công an không chỉ thường xuyên vận động, tuyên truyền mà còn lập danh sách những người đang mang thai. Vài ba ngày, lực lượng này tới nhà để theo dõi, tránh trường hợp người dân trốn đi Trung Quốc đẻ rồi bán con. Đồng thời, ngăn chặn những kẻ trong đường dây mua bán người tiếp cận.

Sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng chức năng, thời gian qua vấn nạn "mua bán bào thai" được ngăn chặn. Từ ngày có tổ "canh bầu", ở các bản này không xảy ra trường hợp nào đi bán bào thai. Từ năm 2022 đến nay phát hiện 2 vụ, 3 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người, giải cứu 3 nạn nhân.
Bà Vi Thị Quyên - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

Là cán bộ tiền trạm, nắm thông tin người mang thai báo lên ban chỉ đạo xã để lập danh sách giám sát. Trưởng bản Đỉnh Sơn 2, ông Cụt Văn Thuận nói đây là công việc "không ở đâu có". "Thời gian đầu vất vả lắm, dân bản hiểu sai về việc mình làm. Dân bản nói ông Thuận lo chuyện bao đồng rồi đi săm soi phụ nữ. Thấy trưởng bản tới khuyên nhủ, họ gạt phăng rồi cho rằng con cái của họ, quyền họ quyết định. Có người nói hay trưởng bản đưa về mà nuôi", ông Cụt Văn Thuận kể.

Khi thấy trưởng bản quyết tâm với công việc này, một số người dân khi vừa sinh con liền gọi điện bắt chịu trách nhiệm, yêu cầu mua sữa, quần áo cho con họ vì không có tiền. "Lắm lúc cũng nghĩ buông xuôi vì họ nói khó nghe quá. Một số người nói giờ bán bào thai mới có tiền trang trải cuộc sống nay không được bán, không có tiền, không biết sống làm sao", ông Cụt Văn Thuận kể. 

'Tổ canh bào thai' ở xã biên giới- Ảnh 2.

Ông Cụt Văn Thuận (áo đen) cùng cán bộ công an, hội phụ nữ xã Hữu Kiệm đến nhà người dân ở bản Đỉnh Sơn 2, tuyên truyền không bán bào thai.

Hơn một năm trước, nhận tin thai phụ đang đến gần biên giới gặp "đối tác" để ra nước ngoài bán bào thai, ông Thuận lái xe máy vượt hàng chục km trong đêm, tiếp cận và yêu cầu người này về bản.

Thai phụ ban đầu vùng vằng, trưởng bản phải dọa nếu không thực hiện sẽ đề nghị nhà nước cắt trợ cấp hàng tháng mỗi khẩu 5 kg gạo, lúc này họ mới miễn cưỡng nghe. Đến nay, ông Thuận ngăn được 3 thai phụ trốn đi trong đêm và từ đó ông nhận lại vô số phiền phức.

Nhiều người vượt biên bất thành nên bày chuyện vu khống cho trưởng bản là người khuyên mọi người đi bán bào thai rồi về chia tiền. Những kẻ xúi giục thai phụ bất thành, sinh hận thù, trút giận lên đàn đâu bò của gia đình trưởng bản như chặt chân, chém vào đầu. 

"Nhiều người giận nhưng đến nay đã hiểu, sinh con thành công quay lại cảm ơn. Vợ tôi lúc đầu nghe điều tiếng, thấy chồng luôn bị nói xấu cũng buồn bã. Thấy tôi làm việc chính nghĩa lo cho người dân nên dần dần ủng hộ và động viên chồng", ông Thuận kể. Gần hai năm tham gia tổ công tác, nhiều người trong bản trêu ông là "bác sĩ khoa sản" vì chỉ cần nhìn sau lưng là ông biết phụ nữ mang bầu hay không.

Nhân rộng mô hình tổ "canh bầu"

Nạn "mua bán bào thai" từng xảy ra phức tạp, gần đây giảm mạnh nhưng không dứt hẳn. Việc phát hiện các vụ việc không dễ dàng do người dân sinh sống tại địa bàn miền núi, đời sống kinh tế xã hội còn thấp, nhận thức pháp luật hạn chế. Các trường hợp mua bán chủ yếu là bán đi nước ngoài dẫn đến việc điều tra, xác minh làm rõ vấn đề thực tế rất khó khăn. Đặc biệt, việc xử lý hành vi mua bán bào thai hiện đang gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, khi chưa được quy định cụ thể trong Bộ Luật hình sự và các văn bản hướng dẫn.

Trong khi chưa có quy định cụ thể về pháp luật, tổ "canh bầu" là phương án tốt nhất để góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán bào thai, dù để thay đổi được nhận thức của người dân là cả một quá trình không hề dễ dàng.

'Tổ canh bào thai' ở xã biên giới- Ảnh 3.

Tổ "canh bầu" của xã Hữu Kiệm đang nói chuyện với người dân về các kiến thức phòng, chống mua bán người.

Đại úy Trần Danh Hòa  - Trưởng Công an xã Hữu Kiệm, Phó Ban chỉ đạo phòng chống mua bán người cho biết, trước đây khi đến tuyên truyền, nhiều phụ nữ nói rằng "ở nhà không có gì ăn, phải đi kiếm tiền". Nhiều lúc tổ công tác phải làm nghiêm hoặc đưa ra các điều kiện bất lợi họ mới dịu xuống. "Xác minh đúng trường hợp một người mang bầu, tổ ghi cụ thể tên tuổi, số tháng thai kỳ. Khi mẹ tròn con vuông, mọi người đánh dấu đưa ra khỏi danh sách giám sát. Hiện xã có 4 - 5 phụ nữ mang thai 5 - 9 tháng, nằm trong danh sách giám sát của Ban chỉ đạo", Đại úy Trần Danh Hòa cho biết.

Ngoài phối hợp với cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên, trưởng các bản, công an xã Hữu Kiệm còn cử luôn một số cán bộ là người Thái, Khơ Mú trực tiếp nằm vùng tại các bản này để nắm thông tin, hiểu tâm tư người dân. Nếu thấy người lạ nào đến bản vận động phụ nữ bán bào thai lập tức tiếp cận, yêu cầu họ ra khỏi khu vực. Mỗi tuần hai lần, tổ công tác luôn đến nhà thai phụ nắm tình hình, hỏi thăm sức khỏe.

Chị Lữ Thị Mùi (24 tuổi), đang mang thai ở tháng thứ 9, ở bản Đỉnh Sơn 2 cho hay, ban đầu khi cán bộ xã khuyên nhủ thấy phiền lắm. "Sau khi nghe cán bộ phân tích nên ai cũng hiểu con cái là máu mủ của mình, làm sao mà dứt ruột bán đi được", chị Mùi nói. Nhờ được khuyên, nhận thức về việc bán bào thai nên nhiều phụ nữ ở đây đã có cái nhìn đúng đắn. Dù trước đó, họ vẫn quan niệm "thiếu tiền thì tính trước đã, con cái có thể đẻ sau".

Bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, tổ công tác "canh bầu" ở xã Hữu Kiệm góp phần vào việc đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Tội phạm mua bán người từng gây nhức nhối tại xã nhờ đó  hạn chế đến mức thấp nhất.

"Thời gian tới, chính quyền sẽ nhân rộng mô hình tuyên truyền trên đến nhiều xã trong huyện. Ngoài bồi dưỡng tập huấn kiến thức cho cán bộ, các cấp sẽ xem xét thêm chính sách hỗ trợ nhằm động viên họ có trách nhiệm hơn...", bà Quyên nói.

Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em ở xã vùng cao Si Ma Cai, Lào CaiThúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em ở xã vùng cao Si Ma Cai, Lào Cai

SKĐS - Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lùng Thẩn (Si Ma Cai, Lào Cai) đã triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” với nhiều hoạt động thiết thực.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn