Hà Nội

Tình yêu của người Pháp

18-01-2014 09:29 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một cô gái tóc vàng, mắt mầu hạt dẻ, duyên dáng, cho đến nay vẫn ưa kín đáo. Song từ ngày 13.1 2014 Julie Gayet không còn được hưởng điều đó.

Một cô gái tóc vàng, mắt mầu hạt dẻ, duyên dáng, cho đến nay vẫn ưa kín đáo. Song từ ngày 13.1 2014 Julie Gayet không còn được hưởng điều đó.

Tên tuổi cô tràn khắp các mặt báo trong nước và quốc tế. Con gái một bác sĩ phẫu thuật danh tiếng, cha là bạn thân của Berna Kuschner, Julie ngả theo cánh tả rất sớm, cũng thành danh với đời rất nhanh.

Đến với phim ảnh từ những năm 90, lần đầu trong bộ phim "Cái hôn đầu tiên" của hãng AB - Production Julie Gayet rực rỡ ngay.

Năm 1996 cô đã được nhận đóng vai chính trong "Delphine 1" và "Yan 0" của đạo diễn Dominique Farrugia. Cũng chỉ 365 ngày sau cô nhận giải thưởng Romy Schneider trong phim "Select Hôtel" của Laurent Bouhnik. Cho đến nay Julie Gayet đã góp mặt trong gần 50 phim.

Julie gần gũi với gia đình Francois Hollande. Khi Segolen Royal đứng ra tranh chức tổng thống năm 2007, cô góp tay nhiều trong Uỷ ban vận động bầu cử. Nhiệt tình, sốc vác với Segolen và là bạn của Thomas Hollande trạc đúng bằng tuổi cô, Julie Gayet gánh một mắt xích tình cảm trong gia đình, cũng như dân biểu Julien Dray.

Cả ba đều bị Valerie Trierweiler ghét đào đất đổ đi. Mối hận trở thành thù, càng sâu thêm sau ngày 9.5.2012 - ngày trúng cử tổng thống của Fracois Hollande. Vì Julie và Julien đều muốn François hàn gắn, quay lại với Segolen.

Người chồng cũ của Julie Gayet, nhà văn, nhà viết kịch bản phim người Argentine Santiago Amigonera nhận định về cô: "trầm tĩnh, kiên định". Ông cũng có hai mặt con với Julie là Ezechiel 14 tuổi và Tadeo 13 tuổi.

 	Ba người phụ nữ của tổng thống Pháp Hollande

Ba người phụ nữ của tổng thống Pháp Hollande

Chuyện gì diễn ra sau cánh cửa căn hộ số 20 phố Cirque ở quận 8 Paris giữa François Holland và cô gái có cặp mắt to cũng đã chia ly với người tình?

Đối với đa số người Pháp họ không quan tâm. Đến 84%. Con số mạnh mẽ. Bên này thu 51 % số phiếu, ứng cử viên tổng thống khỏi phải lăn lưng vào vòng hai. Thậm chí 3% còn khẳng định những cái hôn vụng trộm tốt cho nước nhà.

Văn hoá Pháp tôn trọng tự do cá nhân. Quyền cho và nhận hay đúng hơn là chia sẻ tình cảm giữa hai người khác phái và mới đây cho cả những người cùng phái được pháp luật bảo vệ. Ở đây chẳng ai phải cao giọng "em tưởng cái đấy của em, em cho ai là quyền của em .Hoá ra không phải vậy ..."

Khác với người Mỹ ôm cứng điện thoại trong 3h thều thào với người tình. Người Pháp thích ôm nhau ở quán cà phê, gác chân lên, cùng ngắm khách bộ hành xuôi ngược.

Nếu chàng có hơi lộ liễu để mắt hơi lâu cặp mông ai đó bị gió tốc ngược sẽ bị mắng yêu "chỉ thế là giỏi" và được nhận thêm một cái hôn ngọt ngào, chát hơn nữa là một cái véo đau nheo nhéo.

Hình ảnh giản dị, nhưng cũng khó nắm bắt. Yêu là cùng nhìn về một hướng, không ngắn ngủi nụ hôn chùn chụt, mà giao thần, giao cảm, san xiu suy nghĩ, giao lưu đam mê, dắt tay trong cung trầm thời lận đận, không buông khi sắc đã tàn.

Một dân tộc biết điều và tự trân trọng bản thân. Họ biết độ mặn mà tình yêu mang lại và quỹ thời gian sống của chính mình.

Điều Steve Job gần hết lộc trời mới nhận ra: "Nhớ rằng mình sắp chết là cách hay nhất mà tôi biết để tránh được những bẫy sập bế tắc khi nghĩ rằng mình đang mất một cái gì đó. Thời gian là hữu hạn. Cho nên ta đừng hoang phí nó cho cuộc sống của người khác. Hãy tìm cho ra mình yêu thích cái gì và can đảm để đi theo con tim và trực giác".

Ấy Job còn là người Mỹ. Xứ sở khoác chiếc áo tự do. Nhưng ở Mỹ nếu không kẹp tay nhau đặt lên cuốn Kinh Thánh, hổn hển:" In God we trust. Indivisible we stand. In sickness or in health, till death do us part" thì không được coi là vợ, là chồng.

Còn bên này có chữ "concubinage" - chỉ hai người chung sống với nhau, nhưng chưa làm lễ cưới. Đứng trước pháp luật tất cả quyền lợi và nghĩa vụ bạn đều được hưởng như đã bước lên thềm nhà thờ, thề thốt trước Chúa.

Từ năm 1905 nhà thờ mất vai trò trong đời sống chính trị và được nghi thành văn bản. Cuộc cách mạng mang giá trị cao cả năm 1789 đòi tự do, bình đẳng và bác ái đã đi một chặng dài đúng 225 năm.

Cũng cần mở rộng ra một chút. Nếu độc tài quân sự muốn thanh tra bộ óc và tư duy chính trị thì độc tài tôn giáo giam giữ bộ óc, trái tim, tâm hồn và cả thể xác, nghĩa là trọn vẹn phần đời. Ở một tầm cao văn hoá nào con người mới thẩm thấu điều bình dị nhưng cao cả ấy. Và cần phải có cả can đảm và dũng khí .

Đừng cho người Pháp thiếu chiều sâu, lỏng lẻo hay buông thả trong tình cảm. Ngược lại, dám sống thật cũng có nghĩa là phải trả giá đối diện với giả dối.

Người Pháp đặt vị tổng thống đúng với giá trị nhân bản, không thần thánh, biết phê phán.

Bức tranh nổi tiếng của Delacroix ở bảo tàng Louvre

Chắc chúng ta không quên bức tranh "Tự do dẫn dắt dân tộc" của Eugène Delacroix.

Bức tranh hoành tráng khổ 325x260 cm treo trang trọng trong bảo tàng Louvre. Ta nhìn thấy như ở đây cô gái Dorine của Molie cầm quốc kỳ dẫn đầu những người dân cầm vũ khí. Họ bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên thanh khiết của tự do. Bức tranh là nội tâm nước Pháp, bản tuyên bố nhân quyền của xứ này.

Chỉ số hạnh phúc nước Pháp cao.Tuổi thọ nữ giới là 85 tuổi, còn nam giới là 75,5. Tự con số nói lên nhiều điều.

Thế giới chẳng ầm hết cả lên chuyện Tổng thống Sarkozy nài nỉ khi người tình dứt áo ra đi "Em quay lại với anh. Anh sẽ bỏ hết".

Không biết đúng sai, nhưng nếu dám quẳng vương miện vì một cánh hoa hồng thì cũng thành chuyện được đấy. Mà Cecilia, đã ly dị chồng trước, thêm một con với Sarkozy, vậy ngày chồng trèo lên ngai vàng cũng là ngày quẳng cái danh "Đệ nhất phu nhân" vào thùng rác.

Dữ dội và thật. Sập cánh cửa làm " Người đàn bà số một nước Pháp" để dang tay đón một tình yêu mới theo tiếng gọi của trái tim say. Điều đó trong Cecilia đáng giá hơn lên xe xuống ngựa, quay cuồng trong champagne giả dối, ngoại giao và những loạt 21 phát đại bác cùng những hàng tít giật đùng đùng trên các tờ báo.

"Người đẹp và người tài là báu vật ở đời" - Mà báu vật thì hiếm và cô đơn. Ở đỉnh cao quyền lực lại còn cô đơn hơn. Hãy nhìn những người đàn bà đã đan chéo con đường những vị tổng thống nước Pháp.

Đó là Anne Pigeote, người nhặt những vần thơ từ vầng trán những pho tượng đá của bảo tàng Louvre.

Một ông tổng thống tài hoa, hùng biện chỉ sau một buổi tranh luận trên truyền hình làm một khối khổng lồ cả triệu người thay đổi ý kiến 180 độ.

Ông cầm lái "triều đình của các cung phi" mà đứng đầu là Edithe Cresson. Người đời thêu dệt bà cũng là một người gối ấp, môi kề với tổng thống. Song người đời cũng chỉ biết Mazarine, con gái ông khi Mitterand muốn trao lại mầu mặt trời thực sự cho con gái.

Chuyện những bức ảnh nhảy được lên sạp báo cũng chỉ là một trò chơi khiêu khích, dụng ý của Mitterand. Y như ông vẫn đùa với Baltique, con chó mầu mực mẫn cán. Y như câu nói của ông: "Ném quyền lực như một khúc xương cho bầy chó" với giọt lệ khi chia tay Beregovoy.

Ông không tìm qua đêm với cô thực tập sinh Monica Lewinsky của Bill Clinton hay lẫy lừng nóng bỏng bề ngoài như Marylin Monroe của anh em nhà Kennedy.

Vị tổng thống mặn duyên không với bóng hồng chớp nổi.

Cựu tổng thống Valery Giscard d'Estaing ký tặng cuốn sách Công nương và Tổng thống

Mới đây ở Pháp xuất bản một quyển sách khuấy động tò mò không ít - "La Princesse et le Président" (Công nương và Tổng thống) "Một chuyện tình không thể tin nổi" của cựu tổng thống Pháp (1974 - 1981) Valery Giscard d' Estaing.

Nhiều chi tiết thật đến nỗi người ta phải đặt câu hỏi không biết đằng sau những hư cấu ấy có bao nhiêu phần trăm của sự đau khổ, tiếc nuối giữa hai bờ biển Manche?

Dù là ảo hay thật, tác phẩm văn học tự thân là nhân chứng tình yêu, là "hành vi phạm tội trong tư tưởng với một người đàn bà đã có chồng".

Lady Pat - gọi tắt của "la Princesse" vùng Cardiff xứ Wales nào có thể hiểu sai là công nương yểu mệnh Diana Spencer, người tử nạn tại Paris vào ngày cuối cùng của tháng Tám/1997 ai oán?

Khát vọng yêu, ai oán va vào đắng cay người hôn phối có bạn tình không dứt nổi, những loanh quanh ngang trái trước ngày lên xe hoa, cô đơn phũ phàng giữa xa hoa của cung điện càng tăng thêm bi kịch, như hơi thở nóng hổi, thầm thì Lady Pat "I wish that you me love".

Còn nhân vật chính thứ hai, tổng thống Pháp đương nhiệm Jacques - Henry Lamberty với cái đầu quay cuồng nóng bỏng, trái tim loạn nhịp tràn trề hạnh phúc chẳng xa lạ gì với hình ảnh Valery Giscard d'Estaing ngoài đời.

Bốn bức ảnh được tìm thấy giai đoạn ấy khi Diana mới tròn 20 và Giscard d'Estaing 55. Trên một bức ảnh Diana mắt tròn xoe nhìn không phải hướng lên sân khấu Opera mà đậm đà về phía Giscard.

Có cái gì không nhỉ? Ông tổng thống một thời năm nay 87 tuổi, Diana vĩnh viễn ở tuổi 35. Một rung động gió thoảng sẽ chẳng đơm hoa. Chỉ có một cú sét đánh thật, quật ngã phũ phàng trái tim lịch lãm và ngang bướng, bắt nó lên tiếng, rên rỉ đau đớn, hạnh phúc, nuối tiếc mới tràn ra được những con chữ ấy.

Cầu Pont Des Arts ở Paris nặng trĩu những ổ khóa tình yêu

Nước Pháp là thế. Lơ lửng và phục sức bằng mùi nước hoa.

Với Francois Hollande có phải vậy không?

Sau 3h theo dõi buổi họp báo của tổng thống François Hollande, cảm nhận ông thay đổi rất nhiều. Vững chắc, mạch lạc, kiên quyết và cũng rất Pháp - hóm hỉnh, 3 giây suy nghĩ cho một câu trả lời sắc sảo. Sức mạnh nội tâm?

Một tình cảm không "phải phép" đã trao cho François Hollande sự vững vàng trong tình huống tai biến? Một thiểu số ít ỏi 3% tinh tế nhìn ra điều đó.

Người đàn ông ngoại tình thật sự là một người đàn ông bất hạnh. Không đủ dũng cảm để phá đi, làm lại, ngập ngừng, yếu đuối. Chỉ có than thân, chạy trốn với kiếp, với duyên bẽ bàng, để thương, để nhớ, để mang tình về... và để hối hận.

"Có một lá cờ bay trên hạnh phúc và có một đóa quỳnh héo úa ngủ trong khổ đau". Có phải đi đến tận cùng của danh vọng ông mới nhận ra chót vót trên cao là phù du và cô độc?

Không còn những buổi chiều thanh thản nhìn mây trốn tìm với nắng trong, luồn tay vào ngực Segolen để nghe nàng đọc thơ, cùng dệt những ngông cuồng. Ông đã chơi điêu luyện cái trò chính trị, trò tạo ra vỏ bọc - Ông tự chui vào cái vỏ bọc ấy và trở thành nạn nhân của chính mình.

Mệt mỏi quanh gánh với nền kinh tế xoay cuồng trong khủng hoảng toàn cầu, mệt mỏi với những người dân không chịu hy sinh, quen thói rền rĩ, mệt mỏi với phiền hà vớ vẩn bé xé ra to dưới cùng một mái nhà, mệt mỏi với những cú đá ngầm trong nội bộ Đảng Xã Hội...???

Mà Francois Hollande như chính ông nói chỉ là một con người bình thường. Ông không điếc đặc với giọng nói mượt mà như nhung, không mù loà với nhan sắc và vô cảm với ngàn vạn ác ý chĩa mũi nhọn, rình rập.

Ông tìm đến với tâm hồn đồng cảm và nói: "Em có đôi mắt mầu hạt dẻ đẹp quá. Em muốn anh biến thành con sóc nhỏ của em không?"

Chàng Tartuffe sẽ nhìn cô gái Dorine trễ tràng.

Và thế là ngày mai lại ầm cả lên.

Phạm Cao Phong

Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Paris

 

 


Ý kiến của bạn