Theo văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất bổ sung Cảng hàng không Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, hiện nay địa phương này đang có sân bay quân sự cấp 2 do Trung đoàn 921, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng quản lý; thuộc địa phận các xã Nga Quán, Cường Thịnh, huyện Trấn Yên; phường Nam Cường và xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái.
Sân bay này có tổng diện tích 279,47 ha, chiều dài đường cất, hạ cánh là 2.400 m do vậy nếu được nâng cấp theo hình thức lưỡng dụng (kết hợp khai thác dân dụng và quốc phòng) sẽ rất thuận lợi.
Công suất của sân bay được đề xuất dự kiến từ 0,8 - 1 triệu hành khách/năm; hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); thời kỳ quy hoạch là 2021 - 2030.
Trước đó, ngày 10/11, Cục hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về đề xuất, bổ sung cảng hàng không sân bay Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Tương lai khi Cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) hoạt động, cần thiết lập phương thức bay bổ sung và sẽ nghiên cứu thống nhất công tác phối hợp điều hành vùng chồng lấn giữa 2 sân bay.
Trước Yên Bái, hàng loạt địa phương phía Bắc cũng đề xuất xây sân bay như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang và Hà Giang.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Nhiều địa phương khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đang gặp khó khăn, do đó muốn mở rộng phát triển sân bay, bến cảng và đường bộ với tinh thần giao thông đi trước mở đường để đánh thức nguồn lực của địa phương. Tuy nhiên, việc tạo nguồn vốn từ đất tại các dự án xung quanh cũng không phải dễ dàng".
Cũng theo GS.TS Đặng Đình Đào, đừng coi việc xã hội hoá các dự án sân bay là không tốn kém vì suất đầu tư lớn, quỹ đất lớn nếu không hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân sống trong khu vực. Do đó, cần phải tính toán thật kỹ để đảm bảo hiệu quả.