1. Nguyên nhân gây bệnh tinh trùng yếu
Tinh trùng yếu là tình trạng suy giảm chất lượng tinh trùng, bao gồm các yếu tố sau:
Số lượng tinh trùng: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) số lượng tinh trùng bình thường trong một lần xuất tinh là trên 15 triệu tinh trùng/ml. Nếu số lượng tinh trùng ít hơn 15 triệu tinh trùng/ml được coi là ít tinh trùng.
Độ di động tinh trùng: Khả năng di chuyển của tinh trùng là yếu tố quan trọng để chúng gặp được trứng. Tinh trùng yếu sẽ có tỷ lệ tinh trùng di chuyển về phía trước với vận tốc tối thiểu giảm hoặc tỷ lệ tinh trùng không di chuyển tăng cao.
Hình dạng tinh trùng: Hình dạng bất thường của tinh trùng có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và khả năng thụ tinh.
Sự suy giảm về một hoặc các yếu tố kể trên đều được coi là tình trạng tinh trùng yếu.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tinh trùng yếu ở nam giới, bao gồm:
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng của tinh trùng như: Tắm nước nóng, mặc quần chật, đặt laptop trên đùi làm việc trong thời gian dài làm cho tinh hoàn bị nóng lên… Một nghiên cứu chỉ ra rằng khi bìu nóng đến một nhiệt độ nào đó sẽ làm cho số lượng tinh trùng bị giảm đến 80%.
- Thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thức khuya và sử dụng chất gây nghiện sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh của tinh hoàn.
- Chế độ ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến chất lượng của tinh dịch.
- Các bệnh của nam giới như: Viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhiễm trùng, chấn thương… các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn làm hoại tử tinh hoàn.
- Các bệnh lý toàn thân như đau dạ dày, tăng huyết áp, đái tháo đường… đòi hỏi sử dụng thuốc kháng sinh nhiều và liên tục.
- Mất cân bằng nội tiết tố, giảm hormone sinh dục nam giới.
- Nam giới lạm dụng tình dục để thỏa mãn cũng có khả năng làm giảm chất lượng tinh trùng.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại như: Benzen, toluen, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn… cũng có thể khiến tinh trùng bị ảnh hưởng nặng nề.
- Thừa cân là một trong số các nguyên nhân tác động lên chất lượng tinh và mất cân bằng nội tiết tố.
2. Dấu hiệu tinh trùng yếu
Dấu hiệu của tinh trùng yếu có thể thấy rõ nhất là vô sinh. Tuy nhiên, vô sinh không chỉ do tinh trùng yếu mà còn có thể do người vợ hoặc cả vợ chồng. Vì vậy, để xác định chính xác tinh trùng khỏe hay yếu cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ.
Các dấu hiệu của tinh trùng yếu là:
Tinh dịch loãng và số lượng ít: Tinh dịch không có độ dính, nhớt đặc trưng mà loãng như nước vo gạo. Đây là dấu hiệu gợi ý tình trạng suy giảm bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của nam giới.
Tinh dịch vón cục: Biểu hiện là tinh dịch xuất hiện các hạt trắng nhỏ như hạt cơm và khi bóp cho cảm giác mịn như bột. Ở trạng thái này tinh dịch dễ bị chết và khó di chuyển để thụ tinh cho trứng.
Tinh dịch bị đông đặc: Ở nhiệt độ 37 độ C, tinh dịch từ trạng thái quánh sệt sẽ hóa lỏng sau khoảng thời gian chưa đến 60 phút. Tình trạng hóa lỏng không diễn ra hoặc chuyển hóa lỏng một phần là dấu hiệu tinh dịch bị đông đặc. Điều này làm cho tinh trùng khó di chuyển để gặp trứng, gây ảnh hưởng tới kết quả thụ thai.
Tinh dịch có màu sắc bất thường: Nếu tinh dịch xuất hiện các màu sắc bất thường thì cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ và điều trị kịp thời, vì màu sắc của tinh dịch là những tín hiệu cảnh báo về sức khỏe sinh sản ở nam giới.
Nếu tinh dịch có màu vàng hoặc xanh, nam giới có khả năng mắc bệnh viêm mào tinh, viêm niêm đạo...
Nếu tinh dịch có màu nâu đi kèm triệu chứng như đau bụng, đau tức dương vật… thì đây có thể là triệu chứng của bệnh liên quan đến đường tiết niệu hay cơ quan sinh dục.
3. Bệnh tinh trùng yếu có lây không?
Nguyên nhân tinh trùng yếu rất đa dạng, liên quan mật thiết đến lối sống sinh hoạt hàng ngày, chế độ dinh dưỡng và nhiều tình trạng bệnh lý khác. Vì vậy, tinh trùng yếu không phải bệnh lây nhiễm nên không lây.
4. Cách phòng ngừa tinh trùng yếu
Để giảm nguy cơ mắc bệnh thì nam giới cần xây dựng một lối sống lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây hại bằng cách:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Một số nghiên cứu cho thấy chỉ số BMI có mối liên quan với sự suy giảm chất lượng và khả năng di động của tinh trùng.
- Chế độ ăn lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp cải thiện chất lượng tinh.
- Phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia và lậu có thể gây vô sinh ở nam giới. Vì thế, hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ và tìm hiểu rõ về bạn tình của mình.
- Tránh bị stress: Khi bị căng thẳng khả năng sinh tinh của nam giới bị tác động, kèm theo đó khả năng tình dục cũng bị suy giảm.
- Sống năng động: Những hoạt động thể chất ở mức trung bình đã có thể làm tăng enzyme chống oxy hóa và bảo vệ.
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá gây ra nhiều ảnh hưởng với sức khỏe.
- Hạn chế uống thức uống có cồn: Rượu và những đồ uống có cồn sẽ làm giảm nồng độ testosterone và ảnh hưởng đến tinh binh. Vì vậy, hãy giới hạn đồ uống có cồn ở mức vừa phải.
- Hạn chế tiếp xúc với chất độc: Nam giới tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, chì, các chất độc hại, những chất này ảnh hưởng nặng nề đến tinh dịch. Nếu bắt buộc phải làm việc và tiếp xúc với hóa chất độc hại thì phải mang quần áo bảo hộ và tránh tiếp xúc hóa chất với da.
- Mặc đồ thoáng mát: Mặc quần quá chật sẽ làm tăng nhiệt độ bìu, ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh. Không mặc đồ lót chật, hạn chế ngồi lâu một chỗ, hạn chế xông hơi, tắm nước nóng, không ngồi lên các vật có bề mặt nóng
5. Cách điều trị tinh trùng yếu
Có rất nhiều cách chữa nhưng điều quan trọng đầu tiên đó là xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do lối sống không lành mạnh thì người bệnh cần bắt đầu thay đổi lối sống của mình, hạn chế tối đa các tác nhân ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp, trong đó có thể là: Thuốc kháng sinh có thể được dùng để điều trị viêm nhiễm (viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo…). Liệu pháp hormone và thuốc nội tiết được chỉ định khi bị mất cân bằng nội tiết tố.
Những trường hợp bị giãn thừng tinh hay mạch thì phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Bên cạnh đó để cải thiện tinh trùng yếu cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây giàu chất chống oxy hóa… để cải thiện sức khỏe tinh trùng. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… để tránh ảnh hưởng đến nồng độ testosterone trong cơ thể.
Thường xuyên vận động, tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý để tăng cường các enzyme chống oxy hoá, hỗ trợ bảo vệ tinh trùng hiệu quả. Tránh phơi nhiễm với các chất độc. Trong trường hợp bất khả kháng, cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ và tuân thủ các biện pháp an toàn.
Nên ưu tiên các loại quần áo thoáng mát, rộng rãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh tinh. Giữ tâm lý thoải mái, ổn định, tránh căng thẳng kéo dài không những khiến hoạt động tình dục suy giảm mà còn ảnh hưởng đến nồng độ nội tiết tố cần cho quá trình sản xuất tinh trùng.
Khi cảm thấy có dấu hiệu gì bất thường của sức khỏe hay của tinh dịch thì các đấng mày râu hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn.