Tình trạng sức khỏe nào cần hoãn tiêm vaccine?

15-09-2023 15:41 | Vaccine

SKĐS - Vaccine cũng là một loại thuốc, do đó khi tiêm vaccine phòng bệnh cũng có những chống chỉ định đối với từng trường hợp cụ thể. Để hạn chế mức thấp nhất tai biến, cần khám sàng lọc trước tiêm chủng...

1. Vì sao cần phải khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine?

PGS.TS.Trần Thanh Tú- Giám đốc Trung tâm quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Trong tiêm vaccine có những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối và chống chỉ định tương đối.

- Chống chỉ định tuyệt đối là bất kỳ trong trường hợp nào cũng không được tiêm vaccine.

- Chống chỉ định tương đối là các trường hợp đang dùng một số thuốc, đang mắc bệnh… cần trì hoãn tiêm vaccine.

Ví dụ, người bị nhiễm HIV không dùng những vaccine sống giảm độc lực. Hoặc những trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc miễn dịch, thuốc corticoid, thì tại thời điểm đó cũng không được tiêm vaccine, vì lúc này cơ thể đang suy giảm miễn dịch, tiêm vaccine sẽ không có lợi. Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp chống chỉ định mà phải qua khám sàng lọc trước tiêm, bác sĩ mới biết để cân nhắc giữa lợi và hại để chỉ định tiêm hoặc không tiêm vaccine.

Khi mắc bệnh gì thì không tiêm vaccine - Ảnh 1.

Cân cho trẻ khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine.

Do đó, trước khi tiêm vaccine, khách hàng hoặc người thân cần cung cấp các thông tin vào phiếu khám sàng lọc tiêm chủng để giúp các bác sĩ sàng lọc các ca chống chỉ định tuyệt đối và chống chỉ định tương đối trước khi tiêm vaccine. Để đề phòng các phản ứng, sốc phản vệ sau tiêm vaccine, nhân viên y tế cũng cần tư vấn những vấn đề có liên quan đến tiêm chủng.

2. Các trường hợp chống chỉ định tuyệt đối tiêm vaccine

Theo quy định hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em, được Bộ Y tế ban hành theo quyết định số 2470/QĐ-BYT, ngày 14/6/2019, các trường hợp sau thuộc nhóm chống chỉ định/tạm hoãn tiêm chủng:

- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần), sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.

- Chống chỉ định tiêm vaccine cho các trường hợp có tiền sử phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm 1 liều vaccine trước đó.

- Về lý thuyết, vaccine virus sống giảm độc lực có nguy cơ với thai nhi, phụ nữ có thai không nên tiêm loại vaccine này.

- Người mắc suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, mắc bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, chống chỉ định tiêm vaccine sống giảm độc lực.

- Không tiêm vaccine phòng bệnh lao cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con.

- Những người đang có tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan, suy tim

Ngoài ra, đối với từng loại vaccine, sẽ có các chống chỉ định riêng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3. Các trường hợp chống chỉ định tương đối

Chống chỉ định tương đối hay là tạm hoãn tiêm chủng đối với các trường hợp:

- Trẻ bị sốt từ 37,5°C trở lên hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).

- Trường hợp trẻ bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê... sau khi sức khỏe ổn định trở lại có thể tiêm vaccine.

- Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng, có thể tiêm vaccine sau khi sức khỏe đã ổn định.

- Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) sẽ tạm hoãn tiêm vaccinne sống giảm độc lực.

- Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥ 2mg/kg/ngày); trẻ hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng thuộc nhóm tạm hoãn tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực.

- Trẻ có cân nặng nhẹ dưới 2.500g cũng không được tiêm chủng giai đoạn này vì trẻ sẽ không có khả năng chống đỡ với mầm bệnh và trở thành nguồn bệnh. Nếu cần tiêm thì phải đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám và cân nhắc, tư vấn từng trường hợp cụ thể.

- Trẻ có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vaccine (ví dụ: lần đầu không sốt, lần sau sốt cao trên 39°C...): chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

- Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định, rối loạn chuyển hóa di truyền thì cần được bác sĩ khám kỹ và cân nhắc lợi và hại trước khi tiêm.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Khi mắc bệnh gì thì không tiêm vaccine - Ảnh 3.

Trường hợp trẻ chỉ bị ho, sổ mũi, tiêu chảy nhẹ thì không phải chống chỉ định tiêm vaccine.

Thực tế vẫn còn có những cách suy nghĩ sai về chống chỉ định tiêm vaccine, nên nhiều trẻ đã bị trì hoãn lịch tiêm chủng. Nhầm lẫn này có thể đến từ phía phụ huynh hoặc người làm dịch vụ tiêm chủng.

Nhiều người cho rằng, trẻ phải thật sự khỏe mạnh hoàn toàn thì mới tiêm chủng được dẫn đến trường hợp trẻ đã 1 tuổi mà chưa nhận được mũi tiêm vaccine nào, chỉ vì phụ huynh chờ đợi đến khi bé thật khỏe, không bị sổ mũi hay ho tí nào mới đưa đi tiêm.

Điều này dẫn đến hậu quả là lẽ ra trẻ đã được phòng bệnh nhờ tiêm chủng đúng lịch (chẳng hạn viêm phổi do phế cầu hay HIB, ho gà, bạch hầu…) nhưng do trì hoãn tiêm đã khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Trong số này tiêu chảy và viêm hô hấp nhẹ (ho, sổ mũi) là lý do thường gặp nhất khiến trẻ bị trì hoãn tiêm chủng. Trong khi thực tế là các trường hợp trẻ bị tiêu chảy, ho, sổ mũi không phải chống chỉ định tiêm phòng cho trẻ.

Mời độc giả xem thêm video:

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi

Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn