Tình trạng quá tải bệnh viện đã được cải thiện!

08-07-2014 14:09 | Thời sự

SKĐS - Để giải quyết tình trạng quá tải cả khâu khám bệnh lẫn điều trị nội trú, BV Chợ Rẫy kiến nghị Bộ Y tế cho phép xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trong khuôn viên hiện có của BV để tăng bàn khám bệnh và tăng giường bệnh.

Ngày 7/7, Đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, Thống Nhất và BV Đại học Y Dược.

Đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Đề án Giảm quá tải BV, Bộ Trưởng cho biết, trong 6 tháng qua, với sự nỗ lực rất lớn của các BV, tình trạng quá tải đã được cải thiện. Cụ thể, số thời gian bệnh nhân chờ khám đã giảm, tình trạng nằm ghép giảm và số ngày điều trị cho người bệnh cũng đã được rút ngắn… Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ cần triển khai nhiều biện pháp hơn nữa.

Quá tải do…tâm lý bệnh nhân

Tới thăm khu khám bệnh ngoại trú của BV Chợ Rẫy, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã chứng kiến cảnh hàng ngàn người ngồi chờ để được khám bệnh. Bệnh nhân đông tới mức BV phải bố trí thêm ghế nhựa mà vẫn còn nhiều trường hợp ngồi bệt dưới đất, tràn ra cả lối đi. Sau khi đã trực tiếp hỏi thăm một số bệnh nhân, câu trả lời Bộ trưởng nhận được là phần lớn họ tự vượt tuyến. Lí do, vì người bệnh tin tưởng BV Chợ Rẫy, tin tưởng bệnh viện tuyến trên. “Tôi hỏi một bệnh nhân, họ đã trả lời ở Tây Ninh, đã đi xe từ khuya lên đây để khám bệnh. Mà là bệnh nhức đầu. Người dân cũng thật thà cho biết chưa hề tới khám hay điều trị tại bệnh viện địa phương. Vì tin tưởng bệnh viện Chợ Rẫy nên lên thẳng luôn. Như vậy, rõ ràng là do tâm lý bệnh nhân, không yên tâm với y tế cơ sở. Một bệnh nhân đi khám luôn luôn có ít nhất một thân nhân đi cùng. Quá tải là do ở đây!”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng kiểm tra quy trình khám bệnh của một bác sĩ.

Bộ trưởng kiểm tra quy trình khám bệnh của một bác sĩ.

Cũng theo Bộ trưởng, tình trạng quá tải ở BV Chợ Rẫy hiện cao nhất nước. Việc giảm tải ở BV này hiện nay đang là vấn đề khó nhất, khó hơn cả ở các bệnh viện ở phía Bắc. Chẳng hạn tại Hà Nội, BV Ung bướu đã giải quyết được vấn đề giảm tải, xây dựng, nâng cấp được thêm 1000 giường, hay BV Nội tiết cơ sở 2 và một số bệnh viện nữa thực hiện giảm tải rất tốt. Tuy nhiên, riêng BV Chợ Rẫy, được xây dựng từ trước 1975, quy mô chỉ 700 giường. Sau này, BV Chợ Rẫy cũng đã cố gắng nâng cấp lên thành 2000 giường nhưng điều kiện vô cùng khó khăn bởi quỹ đất chật hẹp, không còn chỗ cơi nới nữa, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết: Trung bình mỗi ngày BV đang phải khám cho khoảng 4.000 bệnh nhân, điều trị nội trú cho gần 2.500 ca bệnh. Tại 93 bàn khám bệnh đã hoạt động hết công suất nhưng không thể đáp ứng kịp vì số lượng bệnh nhân quá đông. Trong khi đó, trang thiết bị của BV hiện lại đang rất thiếu.

Bộ trưởng kiểm tra một phiếu khám bệnh của bệnh nhân.

Bộ trưởng kiểm tra một phiếu khám bệnh của bệnh nhân.

Tại BV Đại học Y Dược, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra, khi mỗi ngày tại đây tiếp nhận tới gần 5.000 bệnh nhân đến khám. Phần lớn bệnh nhân đều vượt tuyến từ các tỉnh thuộc khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc – phó giám đốc BV cho biết: Với 68 bàn khám, để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, BV phải tổ chức tiếp nhận bệnh nhân, làm thủ tục từ 4 giờ sáng. Y bác sĩ phải tăng giờ làm việc trong ngày và trong tuần.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến người bệnh dồn về BV lớn để khám bệnh là do thuốc bảo hiểm ở BV tuyến quận huyện và BV tuyến trên không giống nhau. Bộ trưởng cho rằng: bảo hiểm phải tính toán lại. Đã cùng một bệnh thì phải có cùng phác đồ, cùng loại thuốc ở các bệnh viện lớn nhỏ, tránh việc phân tuyến thuốc theo hạng BV thì mới mong người bệnh không vượt tuyến.

Nỗ lực lớn từ các bệnh viện

Sau khi đi kiểm tra và nghe các BV báo cáo, kiến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những nỗ lực của các BV trong việc giảm quá tải bệnh nhân. Cụ thể, tại các khoa điều trị của bệnh viện Chợ Rẫy, với những nỗ lực kê thêm giường, thêm băng ca tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép đã giảm so với các năm trước. Bệnh nhân cũng đã giảm thời gian chờ khám nhờ việc mở mở rộng phòng khác bằng viện BV đã tận dụng hành lang của khoa khám bệnh để cơi nới tăng thêm được 08 phòng nhỏ bổ sung vào hệ thống phòng khám. Tận dụng sảnh của BV để sửa chữa thành khu tiếp nhận với nhiều điểm tiếp nhận hơn; Tổ chức khám bệnh ngày thứ bảy cho cả bệnh nhân BHYT; Đăng ký giờ khám bệnh qua tổng đài 1080; Hợp tác với các bệnh viện để kịp thời chụp CTScaner, MRI cho bệnh nhân trong điều kiện hiện nay BV Chợ Rẫy không đáp ứng kịp nhu cầu của bệnh nhân, bệnh nhân phải chợ lâu, làm ảnh hưởng đến quá trình khám chữa bệnh của bệnh nhân. Hợp tác với điều kiện quyền lợi bệnh nhân không bị ảnh hưởng…

Đa số bệnh nhân được Bộ trưởng hỏi đều trả lời họ tự vượt tuyến.

Đa số bệnh nhân được Bộ trưởng hỏi đều trả lời họ tự vượt tuyến.

Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng quá tải cả khâu khám bệnh lẫn điều trị nội trú, BV Chợ Rẫy đang kiến nghị Bộ Y tế cho phép xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trong khuôn viên hiện có của BV để tăng bàn khám bệnh và tăng giường bệnh.

Tại BV Đại học Y Dược để giảm tình trạng quá tải, BV đã phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, bệnh án điện tử, sử dụng thẻ khám bệnh có mã vạch, tăng cường đội ngũ điều dưỡng, thư ký y khoa để hỗ trợ bác sĩ trong khám chữa bệnh.

Chỉ đạo tại chương trình làm việc, Bộ trưởng yêu cầu các BV tuyến trên phải luân chuyển cán bộ y tế. Phải giải quyết tâm lý người bệnh không tin BV tuyến dưới bằng cách luân phiên bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới, treo biển thông báo có bác sĩ giỏi về khám cho bệnh nhân biết có bác sĩ tuyến trên để dân biết. Lúc nào cũng có bác sĩ BV tuyến trên làm việc ở BV tuyến dưới. Bộ Trưởng Kim Tiến cũng đề nghị, BV Đại học Y dược nên có hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh dễ hiểu hơn. Niêm yết bảng giá khám chữa bệnh to, rõ rang hơn để bệnh nhân dễ theo dõi đối chiếu. Đồng thời BV phải ghi rõ số điện thoại đường dây nóng của BV và của Bộ Y tế cho người dân biết. Đối với BV Chợ Rẫy, cần xúc tiến nhanh việc thực hiện dự án BV Chợ Rẫy 2, Trung tâm Ung bướu…

Nguyễn Huyền

 

 


Ý kiến của bạn