Các đại biểu tham dự lễ tổng kết chương trình "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020"
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau 3 năm triển khai Chương trình phối hợp giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam về "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020" đã được triển khai sâu rộng, với những kết quả đáng khích lệ cả về số lượng và chất lượng.
Chương trình đã vận động được hơn 8,5 triệu gia đình hội viên ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, tập trung thực hiện cuộc vận động 3 không “không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục” và “nói không với thực phẩm bẩn”.
Đáng chú ý, chương trình đã hỗ trợ xây dựng trên 30.000 mô hình tổ hợp tác, HTX, cửa hàng kinh doanh giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn, phối hợp tổ chức giám sát trên 9.500 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Những năm qua, có những thời điểm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thiên tai lũ lụt, ngập mặn… nhưng Hội Nông dân Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam đã khẳng định được đóng góp quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp của đất nước, xây dựng nông thôn mới…
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 526, hai tổ chức chính trị xã hội đã đạt được những kết quả nổi bật, những chỉ tiêu ấn tượng trong việc tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏc cộng đồng.
Quang cảnh hội nghị.
Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Chương trình đã vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hoá chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng”… đã giảm mạnh cả về số lượng, mức độ và hiện tượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Xuân Định, Chương trình 526 vẫn còn những tồn tại, vướng mắc. Theo đó, thực phẩm giả, thực phẩm khém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Nông dân mong muốn sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, nhưng gặp khó khăn do người tiêu dùng chưa phân biệt được nông sản an toàn và không an toàn, giá bán nông sản an toàn không cao hơn nhiều…
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, liên kết sản xuất kinh doanh chưa mạnh; chế biến thực phẩm phần lớn có quy mô nhỏ, thủ công, hộ gia đình nên khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điểm lại những kết quả các cấp hội phụ nữ đã đạt được trong thời gian triển khai Chương trình, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tập trung chỉ đạo một cách toàn diện, gắn thực hiện Chương trình 526 với phong trào thi đua và các nhiệm vụ công tác Hội, đặc biệt là với Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung 3 sạch và thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.
Nguồn lực thực hiện Chương trình phối hợp 526 cũng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như Ngân sách nhà nước, Chương trình nông thôn mới, đề án 938 (tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ - trong đó có vấn đề về an toàn thực phẩm) đề án 939 (Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp), dự án quốc tế, xã hội hóa... Trong quá trình thực hiện luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, công thương... nên chất lượng hoạt động được nâng lên.
Dù trong quá trình thực hiện Chương trình 526 còn nhiều khó khăn về khách quan và chủ quan, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương khẳng định: Hội LHPN Việt Nam, sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các hoạt động "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", trong đó "An toàn thực phẩm" là một nội dung quan trọng. Đồng thời các cấp Hội cũng tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền sâu, rộng và phù hợp với từng đối tượng; nhân rộng các mô hình có hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm và tích cực tham gia giám sát về an toàn thực phẩm.
Các đại biểu thăm quan các gian hàng giới thiệu nông sản an toàn của hội viên nông dân, phụ nữ
Tại lễ tổng kết 3 năm triển khai Chương trình 526, các đại biểu đại diện Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN VIệt Nam đã trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm và tập trung thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để đáp ứng ngày càng cao của toàn xã hội, của thị trường đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước tương đương với tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu.
Cùng với đó đề nghị Chính phủ tiếp tục ký kết phối hợp với Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Chương trình đã chứng minh hiệu quả sự phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Chương trình 526 triển khai đã thôi thúc hội viên của 2 hội tự ý thức nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật, sản xuất nông sản an toàn vì sức khoẻ bản thân và cộng động, đóng góp tích cực vào áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, bền vững như VietGAP, GlobalGAP…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông trên phương diện từng đối tượng, từ đó sẽ góp phần tuyên truyền về an toàn thực phẩm tốt hơn.