không mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng hay tranh chấp.
Tổ chức hội thảo trái phép, cung cấp thông tin gian dối
Thông tin từ Cục CT&BVNTD cho biết, vừa qua đã liên tiếp nhận được thông tin về tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global có hoạt động hội thảo, bán hàng theo phương thức KDĐC nhưng chưa từng xin giấy phép từ Bộ Công Thương. Cụ thể, Cục nhận được thông tin phản ánh về việc một số cá nhân thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp hoặc qua các ứng dụng điện thoại có tên Dự án Nền tảng Thương mại Điện tử - Mạng xã hội hay Nhà cung cấp nền tảng KD “chìa khóa trao tay” để giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia các gói KD được hưởng giá trị hoa hồng rất cao theo phương thức đa cấp của tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global. Tuy nhiên tính đến nay, Cục CT&BVNTD chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) cho doanh nghiệp (DN), tổ chức nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động KD theo phương thức đa cấp.
Một hoạt động hội nghị tuyên truyền kinh doanh của tổ chức Jeunesse.
Do đó, các tổ chức cá nhân trên có dấu hiệu KD theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC và có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217 - BLHS 2015 sửa đổi năm 2017). Cục CT&BVNTD cảnh báo người dân không nên tham gia các hoạt động có dấu hiệu KD theo phương thức đa cấp trái phép nêu trên để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý. Đồng thời, không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Jeunesse hay Jeunesse Global có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp liên quan khác.
Trước đó, qua đợt thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, Cục CT&BVNTD đã phát hiện 10 vi phạm của Công ty TNHH Morinda Việt Nam (địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội; bán hàng đa cấp sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm) qua đợt thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch. Tính đến thời điểm thanh tra, tổng số người ký kết hợp đồng tham gia BHĐC với công ty là 4.562 người, doanh thu đạt trên 49 tỷ đồng. Theo Cục CT&BVNTD, công ty này đã vi phạm quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về trách nhiệm thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa KD theo phương thức đa cấp; về vận hành và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin về DN và hoạt động của DN; vi phạm quy định về trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, công ty vi phạm quy định về lưu hành hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không có đầy đủ thông tin cơ bản. Công ty cũng vi phạm quy định trách nhiệm thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký; về cấm duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng... Đặc biệt, công ty này đã cung cấp thông tin gian dối trong hồ sơ đăng ký hoạt động BHĐC. Với các vi phạm trên, Cục CT&BVNTD đã xử phạt công ty này 605 triệu đồng và quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Ngăn chặn trục lợi, biến tướng
TBộ Công Thương nhận thấy, công tác quản lý hoạt động BHĐC vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, pháp lý, thực tiễn và nguồn nhân lực, trong đó nổi lên các vấn đề lợi dụng mô hình BHĐC để lừa đảo, trục lợi thông qua hình thức đầu tư với đối tượng không phải là hàng hóa như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, khóa học, ví điện tử không thuộc phạm vi quản lý của Nghị định 40/2018/NĐ-CP nên khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép (không đăng ký hoạt động chính thống) cũng có xu hướng phát triển, đặc biệt là các hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động tài chính sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp trong khi Bộ Công Thương không có thẩm quyền quản lý các đối tượng này... Hiện Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo sát tiến độ xây dựng các Nghị định có nội dung liên quan đến xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC để hoàn thiện các quy định, đảm bảo hạn chế tối đa khoảng trống pháp lý điều chỉnh đối với các hành vi BHĐC bất chính.