Tình trạng khiếm thính gia tăng toàn thế giới

11-03-2021 16:06 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cảnh báo: Gần 2,5 tỷ người trên toàn thế giới (hoặc cứ 4 người thì có 1 người) sẽ sống với tình trạng khiếm thính ở một mức độ nào đó vào năm 2050.

Ít nhất 700 triệu người trong số này cần phải tiếp cận với dịch vụ chăm sóc tai, thính giác và các dịch vụ phục hồi chức năng khác...

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: Mất thính lực không được điều trị có thể có tác động nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp, học tập và lao động kiếm sống của con người. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và khả năng duy trì các mối quan hệ của họ. Báo cáo mới này phác thảo quy mô của vấn đề và đưa ra các giải pháp dưới dạng can thiệp dựa trên bằng chứng để khuyến khích tất cả các quốc gia tích hợp vào hệ thống y tế của mình như một phần trong hành trình hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân.

Báo cáo được đưa ra trước Ngày Thính giác Thế giới 3/3, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nhanh chóng các nỗ lực nhằm ngăn ngừa và giải quyết tình trạng mất thính lực bằng cách đầu tư và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tai và thính giác. Đầu tư vào chăm sóc tai và thính giác đã được chứng minh là có hiệu quả về mặt chi phí: WHO tính toán rằng các chính phủ có thể mong lợi nhuận gần 16 đô-la Mỹ cho mỗi 1 đô-la Mỹ đầu tư.

Cần tầm soát để phát hiện sớm tình trạng khiếm thính ở trẻ.

Cần tầm soát để phát hiện sớm tình trạng khiếm thính ở trẻ.

Thực trạng…

Thiếu thông tin chính xác và thái độ kỳ thị đối với các bệnh về tai và suy giảm thính lực thường hạn chế mọi người tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc các bệnh lý này. Ngay cả trong số các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thường thiếu kiến thức về phòng ngừa, xác định sớm và quản lý mất thính lực và các bệnh về tai, cản trở khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu của người bệnh.

Ở hầu hết các quốc gia, chăm sóc tai và thính giác vẫn chưa được tích hợp vào hệ thống y tế quốc gia và việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc là một thách thức đối với những người bị bệnh tai và mất thính lực. Hơn nữa, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc tai và thính giác còn ít được đo lường và ghi chép lại và thiếu các chỉ số liên quan trong hệ thống thông tin y tế.

Nhưng khoảng cách rõ ràng nhất về năng lực của hệ thống y tế là ở nguồn nhân lực. Trong số các nước có thu nhập thấp, khoảng 78% có ít hơn một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (ENT) trên một triệu dân số; 93% có ít hơn một nhà thính học trên một triệu người; chỉ 17% có 1 hoặc nhiều nhà trị liệu ngôn ngữ trên 1 triệu người; và 50% có một hoặc nhiều giáo viên cho một triệu người điếc. Khoảng cách này có thể được thu hẹp thông qua việc lồng ghép chăm sóc tai và thính giác vào chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua các chiến lược như chia sẻ nhiệm vụ và đào tạo, được nêu trong báo cáo.

Kể cả ở các quốc gia có tỉ lệ chuyên gia chăm sóc thính giác cao, các chuyên gia này cũng được phân bố một cách không đồng đều. Điều này không những gây khó khăn cho các bệnh nhân cần chăm sóc thính giác mà còn đè nặng áp lực lên các bác sĩ chăm sóc họ.

Và những giải pháp

Ở trẻ em, gần 60% trường hợp mất thính lực có thể được ngăn ngừa thông qua các biện pháp như tiêm chủng ngừa Rubella và viêm màng não, cải thiện chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, tầm soát và xử trí sớm bệnh viêm tai giữa.

Ở người lớn, kiểm soát tiếng ồn, nghe an toàn và giám sát các loại thuốc gây độc cho tai cùng với vệ sinh tai tốt có thể giúp duy trì thính lực tốt và giảm nguy cơ mất thính lực.

Nhận biết là bước đầu tiên để giải quyết tình trạng mất thính lực và các bệnh về tai liên quan. Tầm soát lâm sàng tại các thời điểm chiến lược trong cuộc đời đảm bảo rằng bất kỳ sự mất thính lực nào và các bệnh về tai có thể được xác định càng sớm càng tốt.

Tiếp cận dịch vụ chăm sóc kịp thời và thích hợp là rất quan trọng. Một khi đã được chẩn đoán, bệnh nhân cần được can thiệp sớm. Các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật có thể chữa khỏi hầu hết các bệnh lý về tai, có khả năng đảo ngược sự mất thính giác đi kèm. Tuy nhiên, ở các trường hợp khiếm thính không thể đảo ngược được, các biện pháp phục hồi có thể giúp người bệnh tránh được các tác động không mong muốn của khiếm thính. Hiện nay có rất nhiều lựa chọn điều trị cho bệnh nhân.

Các công nghệ trợ thính, như máy trợ thính và cấy ghép ốc tai, kèm với các dịch vụ hỗ trợ và liệu pháp phục hồi phù hợp, là các lựa chọn rất phù hợp với giá thành phải chăng, có thể giúp ích cho cả bệnh nhân nhi và người trưởng thành.

Báo cáo cũng lưu ý rằng việc sử dụng ngôn ngữ kí hiệu và các phương pháp giao tiếp thay thế khác như đọc khẩu hình miệng là các lựa chọn rất quan trọng cho nhiều người khiếm thính; các công nghệ và dịch vụ trợ thính như phụ đề và dịch ngôn ngữ kí hiệu có thể cải thiện sự tiếp cận với giao tiếp và giáo dục cho những người khiếm thính.

Tiến sĩ Bente Mikkelsen, Giám đốc bộ phận Các bệnh không lây nhiễm của WHO cho biết: Để đảm bảo rằng lợi ích của những tiến bộ công nghệ và giải pháp này có thể tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người, các quốc gia phải áp dụng phương pháp tiếp cận tích hợp lấy con người làm trung tâm. Lồng ghép các can thiệp chăm sóc tai và thính giác trong các kế hoạch y tế quốc gia và cung cấp các can thiệp này thông qua các hệ thống y tế, như một phần của bảo hiểm y tế toàn dân, là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu của những người có nguy cơ hoặc sống chung với khiếm thính.


BS. Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn