Hà Nội

Tình trạng hỗn loạn lan đến các bệnh viện ở Nam Gaza

05-12-2023 07:13 | Quốc tế
google news

Sau khi các bệnh viện ở miền Bắc Gaza tê liệt vì xung đột Israel-Hamas, đến lượt các cơ sở y tế tại miền Nam dải đất này cũng đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, đặc biệt kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc.

Tình trạng hỗn loạn lan đến các bệnh viện ở Nam Gaza- Ảnh 1.

Chuyển em nhỏ bị thương trong vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 1/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên trong bệnh viện nêm chặt bệnh nhân tại phía Nam Gaza, một số hét trong đau đớn, có những người khác lại nằm im lặng, trắng bệch, thậm chí quá yếu để có thể kêu rên.

Ngày 1/12, Quân đội Israel (IDF) thông báo nối lại chiến dịch quân sự trên Dải Gaza. Thông báo này đã xóa tan mọi hy vọng lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ tiếp tục được gia hạn sau 7 ngày thực thi. Theo các nhân chứng và giới chức y tế tại Gaza, khu vực Khan Younis và Rafah ở phía Nam đã hứng chịu các vụ ném bom dữ dội kể từ khi lệnh ngừng ngắn kết thúc.

Các bệnh viện ở phía Nam Gaza cũng vào tình trạng hỗn loạn kể từ đó. Sau tám tuần xung đột, các bác sĩ đã kiệt sức. Dự trữ nhiên liệu gần như cạn kiệt do Israel phong tỏa, vì vậy các bác sĩ buộc phải lựa chọn thời điểm và địa điểm trong bệnh viện của họ để chạy máy phát điện.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), hiện không một bệnh viện nào ở phía Bắc Gaza có thể phẫu thuật cho bệnh nhân. Những trường hợp bị thương nặng nhất được chuyển hàng ngày vào miền Nam bởi đoàn xe do Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tổ chức. Nhưng LHQ cho biết, ngay cả ở miền Nam, 12 bệnh viện còn lại chỉ "hoạt động một phần".

Abdelkarim Abu Warda và cô con gái 9 tuổi Huda vừa đến Bệnh viện Deir al-Balah trên một trong những đoàn xe của ICRC. Ngày 1/12, sau khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc, ngôi nhà của họ trong trại tị nạn Jabalia đã nằm dưới cuộc tấn công của Israel. Cô bé Huda bị thương ở đầu. Cha Huda nói với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Con bé bị xuất huyết não và phải thở máy”.

“Kể từ đó, con bé không phản ứng lại với bất cứ điều gì”, Warda buồn bã chia sẻ và nâng cánh tay con gái lên. “Con bé không trả lời tôi nữa”, anh nức nở.

Vào bình minh, buổi cầu nguyện đầu tiên cho người thiệt mạng được thực hiện. Vài chục người tụ tập trước những chiếc túi đựng thi thể màu trắng xếp thành hàng trên mặt đất. Giữa hai chiếc túi lớn hơn là tấm vải liệm nhỏ của một đứa trẻ. Nhiều phụ nữ rơi nước mắt cúi xuống chạm vào khuôn mặt người thân lần cuối trước khi thi thể được cẩn thận đưa lên phía sau xe bán tải. Một phụ nữ nghẹ ngào: “Adam đã ra đi… và cả Abdullah nữa”.

Tình trạng hỗn loạn lan đến các bệnh viện ở Nam Gaza- Ảnh 2.

Nhiều người an ủi một phụ nữ đang đau đớn ôm thi thể của con gái tại bệnh viện Al-Najjar. Ảnh: AFP

Tại bệnh viện Nasser ở Khan Yunis, cơ sở y tế lớn nhất miền Nam Gaza, câu chuyện cũng tương tự. Một nhóm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến thăm và nhận thấy nơi này có tới 1.000 bệnh nhân, gấp ba lần sức chứa của nó.

Israel tuyên bố sẽ loại bỏ Hamas và cho biết hiện họ đang tập trung vào thành phố Khan Yunis ở phía Nam Gaza. Quân đội Israel thả tờ rơi cảnh báo tại các khu vực lân cận dự kiến là mục tiêu. Họ cảnh báo người dân rằng "một cuộc tấn công khủng khiếp sắp xảy ra" đồng thời ra lệnh cho họ rời đi. Mỗi ngày, những lời cảnh báo này lại đến gần bệnh viện hơn.

Với mỗi vụ nổ mới làm rung chuyển thành phố, lại có thêm nhiều trường hợp thương vong được chuyển đến các bệnh viện. Nhân viên y tế chạy ra ngoài với những chiếc cáng thường vẫn còn dính máu của bệnh nhân trước đó. Ở hành lang, các gia đình, người bị thương và nhân viên y tế chen lấn nhau.

Nhiều thành viên trong gia đình anh Ehab al-Najjar đang điều trị hoặc đã chết tại bệnh viện. Ehab al-Najjar tức giận nói: “Tôi thấy bom rơi xuống nhà mình. Phụ nữ, trẻ em thiệt mạng. Họ đã làm gì để phải chịu điều này?".

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 3/12 nói ông không thể “tìm được từ ngữ đủ mạnh” để bày tỏ quan ngại của bản thân về tình trạng ở Gaza.


Theo Hà Linh/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn