Suy giảm khả năng tập luyện ở người bị tình trạng COVID-19 kéo dài
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California San Francisco và Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco (Mỹ) đã xác định được 38 nghiên cứu trước đây có sử dụng Nghiệm pháp gắng sức tim mạch - hô hấp (CPET) để đo khả năng tập luyện sau mắc COVID-19 ở người bị tình trạng COVID-19 kéo dài. Nghiệm pháp CPET được thực hiện để đo lượng oxy mà bệnh nhân sử dụng khi tập thể dục trên xe đạp cố định hoặc máy chạy bộ nhằm đánh giá mức độ hoạt động của tim và phổi.Tác giả chính, tiến sĩ Matthew Durstenfeld, chuyên gia tim mạch tại Đại học California San Francisco, cho biết: "Nếu một người nào đó trước đây chơi quần vợt nhưng sau đó bị các triệu chứng COVID-19 kéo dài thì có thể sẽ phải chuyển sang chơi môn thể thao khác có cường độ vận động thấp hơn (như chơi golf)".
"Nhưng điều quan trọng cần lưu ý rằng không phải tất cả bệnh nhân đều bị suy giảm cường độ tập luyện do COVID-19 kéo dài như nhau. Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng giảm sút đáng kể về cường độ tập luyện trong khi nhiều người khác lại ít bị suy giảm" - tiến sĩ Matthew Durstenfeld cho biết thêm.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích kết quả của 9 trong số 38 nghiên cứu, trong đó so sánh kết quả nghiệm pháp CPET của 359 người đã hồi phục sau mắc COVID-19 với 464 người có các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Độ tuổi của những người tham gia nghiên cứu từ 39 đến 56 tuổi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự suy giảm đáng kể về mặt lâm sàng (từ nhẹ đến trung bình) cường độ tập luyện của người bị tình trạng COVID-19 kéo dài so với người mắc COVID-19 mà không bị COVID-19 kéo dài.
Cần nghiên cứu thêm về cơ chế bệnh lý và các biện pháp điều trị tình trạng COVID-19 kéo dài
Các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu phân tích gộp mới này cũng có một số hạn chế, trong đó chủ yếu là do kích thước mẫu nhỏ (của các nghiên cứu gốc trước đây), mẫu gồm nhiều bệnh nhân COVID-19 nhập viện và tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau về tình trạng COVID-19 kéo dài.
Theo các chuyên gia, tình trạng suy giảm khả năng vận động, tập luyện do các triệu chứng COVID-19 kéo dài không phải là thông tin mới, nhưng việc hiểu được vai trò của nghiệm pháp CPET đối với những bệnh nhân bị COVID-19 kéo dài là quan trọng, qua đó cho thấy CPET có thể trở thành một công cụ đánh giá hữu hiệu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau mắc COVID-19.
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Priscilla Hsue, cho biết: "Nghiên cứu sâu hơn nên bao gồm các đánh giá quan sát dài hạn để hiểu rõ diễn biến tình trạng sức khỏe liên quan tới cường độ tập luyện sau mắc COVID-19. Bên cạnh đó, cần sớm thử nghiệm các liệu pháp điều trị tiềm năng, bao gồm các nghiên cứu về phục hồi chức năng để giải quyết tình trạng suy giảm chức năng, cũng như cần nghiên cứu thêm về bệnh lý rối loạn chức năng hô hấp, tổn thương hệ thần kinh thực vật của cơ thể và tình trạng mất khả năng điều chỉnh nhịp tim phù hợp trong khi tập luyện".
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Kiểm soát cận thị tiến triển cho con cần sự thức tỉnh của cha mẹ