Tình tiết phi lý khiến phim Việt “mất điểm”

15-07-2019 07:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không thể phủ nhận nhiều phim Việt gần đây đã tạo được sức hút bởi chất lượng được cải thiện, hình ảnh đẹp mắt...

Tuy nhiên, trong không ít tác phẩm, nhiều tình tiết vô lý, thiếu logic xuất hiện khiến khán giả phản ứng gay gắt.

Gây sốt và tạo được chú ý với khán giả truyền hình thời gian gần đây là bộ phim truyền hình Về nhà đi con (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng). Phim được khán giả yêu mến nhờ khai thác đề tài gia đình gần gũi, đem đến cho công chúng những câu chuyện giản dị có thể xảy ra trong đời sống xã hội. Bộ phim này được đánh giá cao còn bởi diễn xuất nhập vai của các vai diễn như ông Sơn (NSƯT Trung Anh), Huệ (Thu Quỳnh), Thư (Bảo Thanh), Dương (Bảo Hân), Vũ (Quốc Trường), Bảo (Quang Anh)... Thông qua nhiều câu chuyện đan cài giữa các tuyến nhân vật, phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa về hạnh phúc, tình cảm gia đình. Đặc biệt, càng đi về cuối, diễn biến phim Về nhà đi con ngả theo nhiều hướng khó lòng đoán định mà không nhiều bộ phim truyền hình làm được, qua đó tạo ra nhiều điều thú vị với khán giả.

Dẫu vậy, Về nhà đi con những tập vừa qua xuất hiện các tình tiết vô lý và phi logic khiến khán giả phản ứng và tranh cãi gay gắt. Đó là nhân vật Dương, dù mới 19 tuổi nhưng có cách cư xử hỗn láo với chị gái khi nói: “Chị Huệ ạ, tôi sợ chị rồi đấy. Sợ đến nỗi rùng mình rồi đây này... Người dối trá mà có được hạnh phúc cũng là điều bình thường”. Trong khi đó, nhân vật Bảo - bạn của Dương cũng có hành vi tương tự vì Bảo nói bố mình là “Đồ bẩn tính”. Khi đi tìm Dương ở công viên, Bảo “đốp” vào mặt bố mình và chị Huệ: “Tự gây ra hậu quả thì tìm cách khắc phục thôi”. Những tình tiết này khiến Về nhà đi con trở nên mất điểm với khán giả vì nhiều người cho rằng, các nhân vật tuổi mới lớn như Dương, Bảo có những lời nói, hành động hỗn láo sẽ ảnh hưởng đến người xem trẻ vị thành niên. Các chi tiết này cũng khiến khán giả cảm thấy nhảm chứ không phải là hướng đến sự chân thực.

Trên thực tế, nhiều bộ phim Việt cũng bộc lộ nhiều cảnh, tình tiết vô lý khiến khán giả thở dài. Đó là phim truyền hình Gạo nếp gạo tẻ, ở khoảng 3 tập cuối, bà Mai biết rõ việc Hân tự nguyện đưa 2 con gái cho Kiệt nuôi dưỡng. Tuy nhiên, bà Mai vẫn lao đến nhà Kiệt la ó, chửi mắng Phúc là người giật chồng, ngăn cản tình cảm mẹ con của Hân. Bà Mai bị sốc khi nghe Phúc nói Hân có thể ngồi tù. Ở những tập trước, gia đình bà Mai đóng tiền đền bù thiệt hại cho nguyên đơn để Hân được tại ngoại. Tại ngoại đâu có nghĩa là Hân vô tội, thoát khỏi vụ án lừa đảo hàng trăm tỷ đồng. Điều vô lý là các thành viên gia đình Hân lại vô cùng bất ngờ khi biết Hân có thể bị hầu tòa.

Trong phim Vừa đi vừa khóc, nhiều người xem vẫn không thể chấp nhận được chuyện “trai đẹp” Đông Dương có thể giấu thân phận con gái của mình suốt hơn 20 năm với tất cả mọi người, đặc biệt là với bà nội - một người luôn chăm sóc, quan tâm sát sao và sống cùng Đông Dương trong nhiều năm. Tương tự, phim Bỗng dưng muốn khóc từng làm mưa làm gió trên truyền hình song nhiều khán giả khó nuốt trôi những hạt sạn thiếu logic, đó là chi tiết cô gái bán sách không biết chữ của nhân vật Trúc. Mồ côi cha mẹ, sống trong khu nhà hoang, không biết chữ, song Trúc lại có những câu thoại rất “bác học” làm nhiều người xem không khỏi ngỡ ngàng.

Bên cạnh đó, nhân vật Quân trong phim Chạm tay vào nỗi nhớ mang mái tóc dài thượt, nhuộm màu mè được nhận vào học trong Học viện cảnh sát là tình tiết vô lý, không đúng với thực tiễn xã hội và điều này làm nhiều người bức xúc. Hoặc phim Lập trình trái tim cũng bị nhiều khán giả giỏi công nghệ cảm thấy bức xúc. Khi nữ nhân vật chính “cá sấu chúa” Vũ Vũ đi thi Miss IT đã nói: “Em đã mã hóa các thành phần giao diện để cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa dễ sử dụng”. Trong khi đó trên thực tế,  thuật ngữ “mã hoá” để chỉ cách thức mã hóa một thành phần dữ liệu này thành một dạng dữ liệu khác dưới dạng mã và giao diện thì không thể mã hoá được chứ không như lời Vũ Vũ đã nói trong phim.

Có thể thấy, khán giả Việt Nam ngày càng nhận thức cao hơn về tính nghệ thuật và giá trị trong các bộ phim. Do đó, ngoài việc thoát ra khỏi sự nhàm chán, đầu tư vào kịch bản, kỹ thuật quay dựng, chất lượng nghệ thuật... thì các nhà làm phim Việt cũng cần chú ý xây dựng đến những tình tiết, câu chuyện logic, hợp lý để đáp ứng sự mong mỏi của người xem. Nếu không lấp lỗ hổng, điểm yếu như đã nói trên thì phim Việt dù được đầu tư, quảng bá rầm rộ đến mấy cũng nhanh chóng bị quên lãng, tỉ suất người xem giảm và khán giả quay lưng.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn