Thời trẻ, cách đây hơn 70 năm, tôi đã đọc Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng đăng tải trên báo (1935), cùng với những phóng sự kiểu Lục xì, Cơm thày cơm cô, Tôi kéo xe... thịnh hành những năm 30 thế kỷ trước. Gần đây, đọc lại Làm đĩ với cách nhìn lịch sử và văn học hôm nay, thấy khâm phục thêm một tài năng lúc đó mới 24 tuổi, tự học, tự kiếm sống bằng ngòi bút.
Thực ra, Làm đĩ không phải một phóng sự mà là một tiểu thuyết. Trong cuốn Từ điển Pháp ngữ, mục từ Vũ Trọng Phụng dịch Làm đĩ là Les prustituées (Những gái đĩ). Huyền là con nhà khá giả, xinh đẹp, có học, đa tình. Học tiểu học đã tò mò về tình dục, chơi vợ chồng với một bé trai. Tuổi thiếu nữ, mất trinh với anh họ là Lưu, hai người yêu nhau thắm thiết. Bố mẹ gả chồng, hai anh chị cuống quýt, bàn cách trốn đi. Ngày cưới tới, Lưu không xoay nổi tiền, tự tử chết. May chồng Huyền là phán Kim, đang bị bệnh giang mai, không phát hiện được Huyền mất trinh. Nhưng rồi cô lại ngoại tình với bạn chồng là Tân, một thanh niên giầu có du học ở Pháp về. Khi bị phát hiện, cô đành nhận cuộc sống tôi đòi để chồng khỏi đuổi về nhà. Rồi cô bỏ đi Nam tìm Tân một cách vô vọng, vì Tân sống theo "mốt" Tây, cho là đã yêu thì không nên lấy nhau, hôn nhân giết chết tình yêu. Hết tiền, Huyền đành "làm đĩ" để sống.
Cô gặp lại bạn học cũ là nhà văn (Vũ Trọng Phụng), trao cho ông tập nhật ký về cuộc đời sa ngã của mình để viết và xuất bản thành một cuốn sách răn đời.
Ngày nay đọc lại Làm đĩ, vẫn thấy hấp dẫn, hơi khó chịu vì những đoạn triết lý hoặc dạy luân lý không cần thiết của một cuốn tiểu thuyết luận đề (roman à thèse), hoặc trích dẫn tiếng Pháp và các tác giả Pháp như muốn tỏ ra có chữ nghĩa (có lẽ cũng là "mốt" của những năm đó!). Làm đĩ là một tiểu thuyết xã hội tả chân, nêu lên một số vấn đề đến nay vẫn có giá trị thời sự.
Ngày nay, giáo dục giới tính đã bắt đầu thực hiện ở các trường. Nhưng thực ra, trong tâm lý truyền thống chịu ảnh hưởng của Khổng học, không ít cha mẹ vẫn e ngại, sợ hại hơn lợi, người ta ngại bàn về tình dục. Vũ Trọng Phụng, năm 1936, đã đi trước thời đại. Hồi đó, ở Pháp mới chỉ đang thảo luận dự án giáo dục tình dục Scillier. Vũ Trọng Phụng viết Làm đĩ để khẳng định hai điều:
1- Cái dâm hiểu đúng nghĩa là điều tự nhiên của loài người. "Cái dâm thuộc về quyền sinh lý học... Tình dục cần cho xác thịt cũng như sự ăn uống!
2- Cần giáo dục tình dục để tuổi trẻ khỏi sa ngã, nhất là khi "văn minh phương Tây đang ảnh hưởng rất mạnh vào đời sống của chúng ta". Cần cho chúng biết dâm cho có luân lý, dâm cho lương thiện, dâm cho khỏi hại giống nòi... những điều cần biết mà đề phòng sa ngã".
Còn thế nào là khiêu dâm? Đó là vấn đề hóc búa (cho đến nay), nhất là đối với các cán bộ kiểm duyệt sách báo, nghệ thuật. Váy ngắn bao nhiêu là không khiêu dâm? Có nên triển lãm tranh khoả thân?
Vũ Trọng Phụng ngày ấy phải dũng cảm đương đầu với búa rìu những kẻ đạo đức giả. Đáp lại Thái Phỉ (báo Tin văn) và Nhất Chi Mai (Ngày nay)... lên án ông là "dâm uế", tả những cảnh gây "buồn nôn", ông nói mục đích của ông là tả chân, cốt gây "buồn nôn" khiến người ta xa lánh cái bẩn thỉu. "Khiêu dâm là danh từ bóng bẩy văn hoa, là sự điêu trá của văn chương... Cái nhơ bẩn không khiêu dâm. Khiêu dâm là sự nửa kín, nửa hở, là cuốn phim trưởng giả về Music hall, là những ám ảnh của Sex appeal, với cô gái nhẩy mặc áo tân thời bằng voan mỏng". (Tương Lai-tháng 3/1937).
Đứng về phía những người khốn cùng của xã hội, Vũ Trọng Phụng cùng phe tả chân (Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng...) đi ngược với khuynh hướng lãng mạn của Tự Lực văn đoàn. "Theo các ông thì nhân loại chỉ có nàng Ly Tao, Thơ Mới, những ông tham, ông đốc, con quan, gái tân thời thanh cao lương thiện cả mà thôi hay sao? Các ông quen nhìn cô gái nhẩy là một phụ nữ tân thời, hy sinh cho ái tình... Tôi chỉ thấy đó là một người đàn bà vô học, hư hỏng, bất hiếu... lại mang nhiều vi trùng... "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết... Đó là tiểu thuyết tùy thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe, là sự giả dối". (Tương lai 25/3/1937).
Trong khi ca ngợi cái nhân bản của văn hoá phương Tây, Vũ Trọng Phụng phê phán chủ nghĩa hưởng lạc vật chất và mãnh lực đồng tiền. Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng miêu tả xã hội ta những năm 30 như sau: "Xã hội này thật là khốn nạn: quan lại tham nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một số văn sĩ đầu cơ xảo quyệt, cái xa hoa chơi bời của bọn giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền bị lầm than bị bóc lột. Lạc quan cho đời là vui, là không cần cải cách, cho là cái xã hội chó đểu này là hay ho tốt đẹp, rồi ngồi mà đánh phấn bôi môi hình quả tim, đi đua ngựa chợ phiên, khiêu vũ, theo ý tôi thế là giả dối, là bị mình lừa mình và di họa cho đời, nếu không là vô liêm sỉ một cách thành thực”. (báo Tương lai 25/3/37).
Những dòng trên nói lên sự phẫn nộ bất lực của một nhà văn có tâm, muốn thay đổi xã hội.
Hữu Ngọc