![]() |
Thôn 49B (xã Đắc Pring, Nam Giang, Quảng Nam) và bản Đắc Tà Ooc thuộc huyện Đắc Chưng (Lào). Đây là hai bản nằm giáp biên với nhau và từ lâu, đồng bào hai bên vốn có mối quan hệ khăng khít. Hai xóm thuộc 2 tỉnh, 2 quốc gia khác nhau nhưng từ bao đời nay, họ sống thân thiết, gắn bó như ruột thịt. Ngoại trừ hộ khẩu, hộ tịch phải ghi đúng theo những “phân định” hành chính, tất cả những điều khác của cuộc sống dường như chẳng có lằn ranh. Tình đoàn kết ấy đã được người làng ở đây ghép tên hai xóm thành một tên chung là xóm “tình thân”! Khác với các bản làng Cơ Tu truyền thống của vùng Tây Quảng Nam, nhân dân các bộ tộc Lào luôn chọn những vùng cao để lập bản và mật độ dân cư cũng dày hơn với từng ngôi nhà sàn lợp tranh nối nhau san sát. Đất đai canh tác của vùng này rất màu mỡ và bằng phẳng. Người Lào thường chỉ chọn những mảnh đất gần bản và khai thác quanh năm bằng các giống cây bản địa như bắp, lúa nếp, sắn và thường cho năng suất rất cao.
Cuối cung đường 14D thuộc địa phận xã Đắc Pring có một khu dân cư đông đúc. Những mái nhà sàn của khoảng 100 hộ dân tộc thiểu số Cơ Tu ghé sát nhau, bám chặt lấy con đường nhựa rộng thênh thang phẳng lỳ. Tuy là hai địa phương khác nhau, nhưng họ đều là những người Cơ Tu hiền hậu, chăm chỉ, có cùng một tập quán sinh hoạt. Bởi thế, những người dân trong ngôi làng có “hai bản” này coi nhau như anh em một nhà. Con cái họ đều đi học ở các trường học của xã Đắc Pring bên Nam Giang, dù đó là “con em” của xã Đắc Tà Ooc. Già làng Xiêng Seng Đi nói: “Đường về trung tâm xã bên này xa lắm. Nếu bà con mình đi đến xã để học phải mất gần 1 ngày đi bộ, qua hơn mười con suối, qua nhiều núi cao nên rất vất vả. Người dân không đi nổi nên chúng tôi bảo con cháu đến trường ở Đắc Pring học đấy”.
Còn chị Krinh Re (thôn 49B) kể: “Hôm ấy, mình đi rừng hái măng về bị lợn rừng húc gãy hai chân, cắn nhiều vết. Nằm giữa rừng gần một ngày trời rồi được hai thanh niên tên Lọt Khăm Choi và Ma Ha Vông đi săn thú ngang qua thấy, đưa mình về nhà chữa đấy. May nhờ chữa kịp chứ chỉ chậm vài ngày là hai chân mình phải cưa, may mà có mấy thanh niên đó chứ không mình chẳng đi lại được! Ân nghĩa đấy mình không quên đâu!”. Hay như mùa mưa năm 2010, chị Khăm Si Phăn (bản Đắc Tà Ooc) bỗng dưng trở dạ trong khi chồng đi rừng, lại vừa ra riêng ở xa nhà dân bản nên không biết làm sao. Mưa rừng thì không ngớt, chị Si Phăn chỉ biết ôm bụng trên giường kêu gào. May hôm đó, một nhóm cả đàn ông và phụ nữ thôn 49B vừa xuống núi, đi ngang nhà vào xin nước uống, phát hiện chị Si Phăn sắp sinh, mọi người quyết định
khiêng chị Si Phăn bằng cáng vượt mưa rừng, gõ cửa phòng khám Đắk Pre (huyện Nam Giang) giữa tối khuya. Khi tiếng khóc đầu tiên của đứa bé con chị Si Phăn cất lên, mọi người mới yên tâm ra về. Mấy ngày sau, chồng của Si Phăn là Hăm Nọi đến tìm từng nhà bên thôn 49B để tạ ơn bằng trâu bò, nhưng mọi người không nhận, bắt mang về để cho vợ ăn. Những câu chuyện như thế không hiếm. Điều đó làm cho tình cảm giữa hai bản làng giữa núi rừng này ngày càng thắm thiết.
Theo lời già làng Seng Đi thì người dân hai bản luôn bảo ban nhau cùng làm ăn phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn. Đặc biệt, họ luôn có ý thức trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự chung của hai bản, không gây gổ đánh nhau, không uống rượu say xỉn. “Chính quyền 2 địa phương luôn quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện để người dân của các thôn bản nơi đây giao lưu học hỏi, tham gia các hoạt động xã hội với người dân thôn 49B và ngược lại. Chính vì thế, tình đoàn kết ở hai khu dân cư ngày càng gắn bó, họ đang cùng nhau đẩy lùi cái nghèo, thi đua phát triển kinh tế!”, già Seng Đi phấn khởi nói.
Hướng tới ngày mai
Địa phận của hai bản “tình thân” sinh sống còn là nơi “cửa rừng”. Nhờ tình đoàn kết mà họ đã cùng nhau coi rừng là của chung, đẩy đuổi “lâm tặc” khai thác gỗ trái phép. Nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép đã được người dân ở đây phát hiện, báo cho cơ quan chức năng ngăn chặn. Đặc biệt, họ đã góp phần đáng kể trong công tác phát hiện, báo cáo kịp thời khi xuất hiện “vàng tặc” khai thác vàng trái phép trên địa bàn, giúp các chiến sĩ biên phòng và công an 2 huyện Đắc Chưng và Nam Giang đã cùng vào cuộc xử lý nhiều vụ việc… Trung tá Nguyễn Hữu Quyết - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang cho biết: “Do đường sá đi lại hiểm trở, cách sông cách núi nên việc tập họp nhân dân rất khó khăn để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối và pháp luật của Nhà nước. Tình hình mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, lợi dụng sự hiểu biết hạn chế của bà con dân tộc nơi đây, một số phần tử xấu vẫn lén lút đến các bản làng để truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo người dân đi làm các việc phạm pháp như gùi cõng hàng lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy, đào đãi vàng trái phép hay tổ chức di dịch cư tự do. Chính vì thế công tác vận động đoàn kết ở khu vực này luôn được trú trọng. Đặc biệt là các thôn làng có mối quan hệ mật thiết như thôn 49B và bản Đắc Tà Ooc là điểm sáng về tinh thần đoàn kết”.
Tình đoàn kết của xóm “chia sẻ” còn là điều kiện thuận lợi để giải quyết đất sản xuất, đất ở vùng giáp ranh. Với quan niệm cùng là anh em của bản mình nên chia đất cho nhau cùng trồng rừng, làm lúa nước là đúng thôi. Hầu như bao đời nay, người dân của hai bản tình thâm này chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn, gây mất trật tự trị an hay làm gì ảnh hưởng đến tình đoàn kết khu dân cư. Cảnh chiều tà, bọn trẻ của hai bên bản làng rủ nhau ra suối bơi lội, mò ốc, bắt cá. Những con cá, con ốc bắt được đều chia bằng nhau mang về nhà. Mớ rau rừng hái trên triền núi cũng được chia nhau như thế. Người già trong làng đã dạy con cháu phải cư xử với nhau đoàn kết. “Tình đoàn kết gắn bó giữa người dân hai địa phương trên đã góp phần xây dựng cuộc sống mới ở bản làng này, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Không đoàn kết thì không giúp nhau tiến bộ được. Người làng mình không thể có cái bụng xấu, phải cùng nhau đoàn kết chứ!”, ông Kring Giúp - Chủ tịch xã Đắc Pring nói.
Từ khi Cửa khẩu Đắc Óc (Nam Giang) được khai mở, cư dân ở đây càng có điều kiện để giao lưu với các bản vùng cao Nam Giang và phiên chợ sớm tại Cửa khẩu Đắc Óc là điểm giao thương buôn bán nhộn nhịp với các thổ sản như rượu, gà, thịt rừng, muối, gạo nếp... và những sắc màu thổ cẩm. Cùng với đó, theo ký kết hợp tác đầu tư của Việt Nam và Lào, trên dòng Xêkaman sẽ có nhiều công trình thủy điện bậc thang với tổng công suất lên đến 1.500MW với tổng giá trị đầu tư hơn 2,5 tỷ USD. Thủy điện Xêkaman 3 sẽ đặt nền móng cho chuỗi những công trình thủy điện có vốn đầu tư của Việt Nam sắp được triển khai trên đất Lào. Đó quả là kỳ tích. Theo ông Phạm Văn Tăng - Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện Việt - Lào (chủ đầu tư Thủy điện Xêkaman 3) cho biết: “Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện của nước ta trên đất Lào sẽ tạo ra giá trị kinh tế rất lớn, góp phần phát triển chung và phát huy hơn nữa tinh thần hữu nghị, hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia”.