Công an nhiều địa phương đã kịp thời triệu tập, xử lý nhiều người liên quan đến việc phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, rối loạn xã hội. Trước thực trạng này, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo để không bị ảnh hưởng bởi tin giả, tin xấu, độc...
Liên tiếp phát hiện, xử lý tin giả về dịch COVID-19
Thời gian qua, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục công bố các thông tin giả mạo trên website tingia.gov.vn, trong đó số lượng công bố tin giả về “dịch bệnh” và “tài khoản giả mạo” là nhiều nhất. Điều này cho thấy, các giải pháp kỹ thuật đang hỗ trợ rất nhiều cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giảm bớt tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, khi có số lượng lớn tài khoản tương tác, cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội kiếm tiền từ quảng cáo “click ad”, hay bán hàng trực tuyến - livestream... nên đã có không ít người cố tình trở thành “anh hùng bàn phím” bằng cách chia sẻ, nhấn like... càng nhiều càng tốt. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, số lượng người học và làm việc trực tuyến cũng gia tăng, nên khi tung tin giả, tin sai sự thật càng nhiều sẽ nhận được lượng tương tác càng lớn. Đó chính là lý do mà tin giả về dịch bệnh COVID-19 hay tin giả về việc nghỉ học, giãn cách xã hội... đang gia tăng hàng ngày.
Tin giả về nguy cơ đóng cửa Sân bay Nội Bài vì nhân viên tiếp xúc ca nhiễm COVID-19.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, tình hình đăng tải, đưa thông tin xấu độc, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân diễn ra ngày càng phức tạp, với rất nhiều thủ đoạn. Đặc biệt, Cục đã phát hiện tấn công mã độc trong đó có đính kèm những tin tức giả chỉ thị về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng; đối với tổ chức sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời, Bộ Luật Hình sự năm 2015 có quy định trường hợp người có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc gây dư luận xấu thì bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
Mỗi người dân hãy là một “lá chắn” đối với tin giả
Theo cơ quan chức năng, tin giả được xác định có 2 dạng thức. Loại thứ nhất là là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó. Việc nhận diện tin giả, xác định nguyên nhân xuất hiện và tác hại của nó là cơ sở để nâng cao cảnh giác chủ động phòng, chống tin giả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả: http://tingia.gov.vn/ và đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Tại đây sẽ thực hiện việc tiếp nhận thông tin; chủ động đánh giá các thông tin có xu hướng lan tỏa lớn, thẩm định, công bố để cảnh báo. Khi có kết luận của cơ quan chức năng thì công bố, đóng dấu tin xác thực, đăng thông tin. Đối với tin do tổ chức, cá nhân phản ánh sẽ được yêu cầu cung cấp căn cứ gửi cơ quan chức năng để xác thực. Quy trình công bố tin giả là tin giả sẽ được đóng dấu tin giả, đăng nội dung công khai trên trang. Tin sai sự thật, sai một phần thì đóng dấu tin sai sự thật. Tin xác thực là tin đúng sự thật, đã được thẩm định, được cơ quan chức năng kết luận thì đóng dấu xác thực.
Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube. Để tránh chia sẻ, phát tán những thông tin giả, thông tin không đúng sự thật, mỗi người cần tỉnh táo, trở thành “người đọc thông thái”, thực hiện trách nhiệm công dân trong việc đưa tin, chia sẻ trên mạng xã hội; không nên chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Mỗi người dân hãy thật sự trở thành một “lá chắn” trước những luồng thông tin độc hại, chung sức, đồng lòng cùng các cơ quan chức năng sớm đẩy lùi dịch bệnh.