Tính riêng tư và văn hóa Việt Nam

20-03-2009 17:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong một bài báo, một ông người Pháp lập gia đình với một phụ nữ Việt và sống ở Việt Nam than phiền là xã hội Việt Nam không có khái niệm intimité.

Trong một bài báo, một ông người Pháp lập gia đình với một phụ nữ Việt và sống ở Việt Nam than phiền là xã hội Việt Nam không có khái niệm intimité.

Thực ra, từ Pháp intimité (tiếng Anh là intimacy đều gốc la-tinh là intimus  chỉ cái gì bên trong nhất, thầm kín nhất), phải dịch là riêng tư. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ định nghĩa Riêng tư: riêng của cá nhân như tình cảm, suy nghĩ riêng, như vậy phù hợp với các từ intimité và intimacy.    

Ông bạn Pháp nhận định là xã hội ta (tức văn hóa Việt Nam), trong ứng xử không có khái niệm riêng tư một cách phổ biến. Và ông đưa ra những thí dụ.

Nhiều thế hệ sống chung một mái nhà là truyền thống gia đình người Việt Nam. (ảnh chỉ có tính chất minh họa)   Ảnh: VNN 

Trong gia đình, ông không có lúc nào được sống riêng biệt, riêng tư  (tiếng Pháp và Anh là solitude, nếu dịch theo Hán Việt là cô đơn, đơn độc). Mặc dầu ông rất yêu vợ con, mến người thân, nhưng theo văn hoá phương Tây, ông muốn có những lúc mình sống một mình với mình thôi! Vì vậy, bị chăm nom, săn sóc quá cũng là mất tự do. Thí dụ sau một ngày công việc vất vả, về nhà thay quần áo, tắm rửa, muốn thoải mái một mình trong buồng ngủ đọc sách hay xem tivi, chỉ muốn yên thân một lúc mà không được! Thỉnh thoảng vợ vào hỏi mình có ăn uống gì không, có cần gì không. Con gái đột nhập, kéo đi chơi bóng, anh em chú bác nhà vợ đến hỏi thăm. Trốn vào phòng làm việc cũng không thoát. Ở các gia đình Việt, sống chung 3 thế hệ trong 50m2, con ngủ với bố mẹ đến 5, 6 tuổi, làm gì có không gian, có một chỗ cho riêng tư !

Ở nơi công cộng, ngoài phố, càng không tìm được riêng tư. Thấy ông là người da trắng, người qua đường đều nhiệt tình hỏi han ông, muốn chỉ đường cho ông, một lũ trẻ con bám theo ông. Đi trong làng, dân lại càng nhiệt tình hơn. Họ kéo ông vào nhà, mời trà. Không cả tự do ngắm cảnh!

Ở nơi làm việc, cũng không có riêng tư. Ông vào một chi nhánh ngân hàng lĩnh tiền thì thấy các nhân viên, kể cả trưởng phó phòng xúm quanh một chị để tặng hoa, quà sinh nhật. Đó là việc riêng tư ở Pháp, họ chỉ làm vào buổi tối, ở nhà riêng sau giờ làm việc. Vào tòa soạn một tờ báo, thấy họ vừa làm việc vừa bàn chuyện riêng tư. Ở cửa hàng ăn, tiệm bia, ăn nói cứ như ở nhà, khách không quen ngồi cùng bàn, cạo đầu ngay ngoài phố... Nhiều nhà văn phương Tây cũng nhận định là trong văn hóa Việt Nam truyền thống, ý thức riêng tư mờ nhạt và không coi là một giá trị đạo đức. Không thiếu gì thí dụ trong đời sống hàng ngày: con gái lấy chồng thì bố mẹ, họ hàng can thiệp vào, khách của một nhà thành khách của cả phố, mấy anh chị em cùng phòng không có tủ riêng, mặc lẫn quần áo của nhau, vợ đọc thư riêng hay nhật ký của chồng, hỏi tuổi, hỏi lương người khác. Bà chủ Việt cho Tây thuê buồng cứ tự tiện vào dọn hộ buồng cho gọn. Tất cả mọi người cho đó là chuyện bình thường. Những điều đó xa lạ với khái niệm triết học cá thể, cá nhân, do “văn minh phương Tây” đề ra cùng nhân quyền, nhấn mạnh về quyền hơn là nhiệm vụ cá nhân.  Khổng học không nói nhân quyền mà nói nhân luân, nhấn mạnh hơn về nhiệm vụ. Chữ “tôi” với ý nghĩa xã hội học và triết học ở ta xuất hiện muộn với sự du nhập của chủ nghĩa lãng mạn Pháp, điều này Hoài Thanh và Xuân Diệu đã làm sáng tỏ. Do đó mà ý thức cái riêng tư cũng đến chậm, và ngày càng mạnh hơn ở thế hệ trẻ...

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn