Tình nguyện chăm lo phần mộ vô danh
Từ trung tâm TP. Phan Rang, Tháp Chàm (Ninh Thuận) tới nghĩa trang Eo Ngựa, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận chừng gần 40km. Đó là nơi chôn cất nhiều người xấu số không may mất mà không tìm thấy người thân.
Tại đây chúng tôi đã gặp gỡ trò chuyện cùng bà Trần Thị Thanh Xuân (62 tuổi, trưởng thôn Lạc Tân) và ông Trần Minh Tùng (50 tuổi, trưởng thôn Thương Diêm 2) cùng xã Phước Diêm (Thuận Nam, Ninh Thuận). Họ là những người có thâm niên nhiều năm chăm lo, làm công tác quyên góp tiền để xây mộ cho những thân phận xấu số bị tử nạn trên biển, hay trong rừng sâu mà chưa xác định được danh tính.
Trong hành trình làm công việc đặc biệt của mình, với ông Trần Minh Tùng, cảm xúc trĩu nặng nhất là 2 nạn nhân chết trên biển trôi dạt vào địa phương được người dân vớt lên rồi mai táng cách đây hơn 10 năm và 1 nạn nhân xấu số tử nạn trong rừng phòng hộ thuộc xã Phước Diêm hồi tháng 4/2022.
"Đến nay tất cả các nạn nhân vẫn chưa có người thân đến nhận, vẫn còn nằm lạnh lẽo ở đất "lạ". Chúng tôi thấy trong lòng cứ rưng rưng, thế là lo chăm bẵm mộ phần cho họ như người quen của mình vậy. Mình sống có nhà, người chết cũng phải có "nhà" đàng hoàng chứ. Không cần ai nhờ thì chúng tôi vẫn cứ nhang khói cho các linh hồn vô danh này bằng cái tâm mình" - ông Tùng bộc bạch.
Còn bà Trần Thị Thanh Xuân kể: "Khi nghe tin có có nạn nhân tử nạn mà chưa có người thân đến nhận là bà con trong làng gọi điện thoại cho tôi ngay. Sau đó không ai bảo ai, khắp làng quyên góp tiền để tiến hành mai táng với mong muốn linh hồn vô chủ được sưởi ấm. Mới đây khi phát hiện bộ xương người trong rừng phòng hộ, bà con đã quyên góp được 9 triệu đồng để lo mai táng một cách tươm tất".
Theo bà Xuân thì việc xây mộ phần cho các những người chết vô danh, không có ai đến nhận không chỉ có người dân xúm tay vào mà còn có lực lượng dân quân, cán bộ xã giúp sức. Mỗi người một tay, ai khỏe thì đi bê đá, gạch, xách nước, trộn hồ… để nhanh chóng xây "nhà" tươm tất cho nạn nhân xấu số.
Nhìn vào một ngôi mộ an táng người vô danh cách đây không lâu, bà Xuân bùi ngùi: "Dù không biết người dưới mộ là ai, quê quán, người thân ở đâu, nhưng với dân làng chúng tôi thì xem họ là ông bà, anh, em của mình vậy".
Nghĩa tình ấm áp với những người xấu số vô danh
Tại nghĩa trang Eo Ngựa, các phần mộ vô chủ hiện hầu hết đã được xây mới, không còn ngôi mộ nào nằm dưới những ụ đất.
Trên hành trình đến thăm các ngôi mộ vô danh, em Nguyễn Văn Âu (dân quân tự vệ xã Phước Diêm) chia sẻ, việc tu sửa, xây mới những phần mộ không còn người thân hay chăm lo cho những ngôi mộ ấy là việc làm tử tế, ấm áp nghĩa tình của người còn sống đối với người đã khuất.
"Việc làm thiết thực này nhằm giáo dục thế hệ trẻ như chúng em nhận thức được trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, với xã hội" - em Âu bày tỏ.
Nhiều năm qua, hầu như cứ thấy nạn nhân xấu số bị tử nạn trên biển trôi dạt vào xã là bà con ngay lập tức tự nguyện góp tiền, góp sức lo an táng chu toàn. "Việc làm này trở thành thói quen trong tín ngưỡng, tâm linh đối với mỗi người dân Phước Diêm" - ông Trần Minh Tùng cho biết.
Chia sẻ thêm về nghĩa cử cao đẹp của những cư dân trong xã, ông Bạch Thuận Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Diêm cho biết, không chỉ đóng góp xây mộ, người dân Phước Diêm còn lo hương khói và nhắc nhở thế hệ con cháu mai sau tiếp tục xây dựng, chăm lo cho các phần mộ vô danh. Đây là việc làm hết sức trân quý, địa phương ghi nhận tấm lòng cao đẹp của bà con.
Mỗi ngôi mộ vô danh được ghi rõ năm an táng trên nền bê tông, nằm ngay ngắn và được dọn dẹp, hương khói thường xuyên.
Điều xúc động là từ người già cho đến trung niên trong các làng biển ở Phước Diêm luôn nhắc nhở thế hệ con cháu mai sau phải tiếp nối, ghi nhớ hành trình xây dựng những ngôi mộ vô danh bằng cả tinh thần đoàn kết xóm giềng. Từ đó mà cúng kính, hương khói cho chu toàn.