Tình người từ những lá đơn không nhận tiền hỗ trợ

15-05-2020 08:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau khi Nghị quyết 42/NQ-CP ra đời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19 gây ra. Đây là chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ, đối tượng hưởng lợi rất rộng.

Nhiều người khó khăn viết đơn không nhận tiền hỗ trợ

Xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có 924 trường hợp được hỗ trợ tiền do ảnh hưởng dịch COVID-19, có 18 hộ, 33 nhân khẩu đã viết đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ, coi đó như là những hành động chia sẻ với Chính phủ trong lúc khó khăn.

Vợ chồng ông Võ Hữu Tôi (57 tuổi) và bà Võ Thị Lan ở thôn Lạc Thọ, xã Cẩm Lạc là một điển hình. Vợ chồng ông Tôi, bà Lan từ nhiều năm thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Tuy nhiên, ông Tôi xin rút khỏi danh sách các hộ nhận tiền hỗ trợ. “Được Chính phủ hỗ trợ lúc khó khăn, gia đình tôi rất cảm ơn. Nay vào vụ thu hoạch lúa cũng đủ ăn nên không lo đói thiếu. Gia đình xin rút khỏi danh sách là để dành phần đó cho những gia đình khác có hoàn cảnh khó khăn hơn”, bà Võ Thị Lan cho biết. Cũng như gia đình bà Lan, bà Lê Thị Lệ, xã Cẩm Lạc thuộc hộ cận nghèo cũng viết đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ.

Lá đơn cảm động của người cựu chiến binh

Lá đơn của cụ Cao Viết Tỉnh (83 tuổi, thương binh 4/4, trú tại xóm Vinh Tiên, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Nghệ An) là một câu chuyện đẹp đã có sự lan tỏa mạnh mẽ. Đơn của ông Tỉnh có đoạn viết: “Bản thân tôi nhận thấy mình ở một mình, có lương hưu và trợ cấp hàng tháng, không bị ảnh hưởng gì do dịch bệnh nên tôi viết đơn này xin tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để san sẻ một phần nhỏ nào đó với Nhà nước”...

Tình người từ những lá đơn không nhận tiền hỗ trợBà Lê Thị Lệ, xã Cẩm Lạc thuộc hộ cận nghèo viết đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19.

Ông Bùi Văn Hưng, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đang chi hơn 295 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 255.360 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến ngày 6/5/2020, Sở đã tổng hợp đề nghị Sở Tài chính, trình UBND tỉnh (3 đợt) hỗ trợ 637.064 người, kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 610 tỷ đồng.

Có chuyện ép dân viết đơn không nhận hỗ trợ khó khăn?

2.400 người dân tại huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa tự nguyện viết đơn theo mẫu có sẵn không nhận tiền hỗ trợ đã khiến dư luận nghi ngờ cán bộ cơ sở vận động, ép dân ký đơn. Tỉnh Thanh Hóa sau đó có công điện hỏa tốc yêu cầu sở, ban ngành và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Tỉnh cũng chỉ đạo xử lý nghiêm nếu cán bộ cơ sở vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ.

Giải thích về việc có nhiều xã làm sẵn mẫu “Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ do đại dịch COVID-19” mà không phải là đơn viết tay của người dân, ông Nguyễn Ngọc Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa cho biết: Lúc đầu người dân tự tay viết đơn, nhưng có người do lâu ngày không cầm bút nên nội dung, nét chữ trong đơn khó đọc. Vì vậy, các xã đã thảo ra mẫu đơn chung rồi đánh máy, in trên một mặt giấy A4. Khi người dân nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nếu ai tự nguyện không nhận thì viết họ tên, địa chỉ và ký tên vào mẫu đơn này, sau đó lãnh đạo UBND xã ký xác nhận đơn rồi chuyển lên Phòng LĐTBXH huyện.

Ông Thức khẳng định: Việc xã thảo ra mẫu đơn này là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi họ tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ; mẫu đơn cũng là tài liệu lưu của UBND xã, Phòng LĐ-TB&XH huyện. UBND huyện Thọ Xuân khẳng định, việc người dân không nhận tiền hỗ trợ là trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc. UBND huyện, xã không vận động, khuyến khích người dân không nhận tiền hỗ trợ.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn
Tags: