Nhận được tin phải đi công tác ở Lào Cai theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, ai cũng bất ngờ, có phần choáng váng! Riêng tôi bị ho dai dẳng suốt ba tháng nên càng lo lắng hơn: sợ mình lên đó không làm được gì mà lại ốm thì khổ cả cho mình lẫn bệnh viện nơi mình đến. Thế rồi mọi sự phân vân cũng dịu xuống trước những lời động viên của các đồng nghiệp, nhất là khi nghe giám đốc nói: “Bệnh viện Lào Cai đang có những bước chuyển mình năng động trong thời kỳ đổi mới. Họ đề nghị xin 2 bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm và tiêu hóa. Bệnh viện E cần lựa chọn những bác sĩ có kinh nghiệm và có bằng cấp sau đại học để giúp bạn có hiệu quả”.
Chúng tôi ra ga đáp chuyến tàu 22 giờ. Dặn dò, chụp ảnh lưu niệm. Đoàn chúng tôi như sắp đi làm nhiệm vụ đặc biệt thời chống Mỹ. Cả một đêm trên tàu mọi người trằn trọc không ai ngủ được... Cuối cùng 9 giờ 30 phút ngày 8/9/2008 chúng tôi đến ga Lào Cai.
Dù trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng y tế vùng cao vẫn cố gắng chăm sóc sức khỏe nhân dân. |
Bệnh viện đa khoa số II của tỉnh trước đây là bệnh viện của mỏ Apatit Lào Cai mới được chuyển cho tỉnh quản lý từ năm 1999. Nằm nép bên sườn núi, bệnh viện khá yên tĩnh với các dãy nhà 1 và 2 tầng xinh xắn.
Khoa truyền nhiễm nằm ở phía cuối bệnh viện. Bệnh nhân của khoa truyền nhiễm gồm cả bệnh nhân da liễu, lao, trong đó có rất nhiều trẻ em. Cả khoa chỉ có 3 bác sĩ: 1 bác sĩ trưởng khoa lại sắp nghỉ hưu, 1 bác sĩ da liễu và 1 bác sĩ trẻ mới ở huyện Văn Bàn lên được một tháng (chưa hề có kinh nghiệm về truyền nhiễm). Tôi chợt hiểu ra rằng tại sao Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa số II lại muốn giúp đỡ về chuyên ngành truyền nhiễm đến vậy!
Lúc đầu, tôi hơi bỡ ngỡ và e dè, có phần lo lắng. Không hiểu ở đây mọi người sẽ thế nào? Họ có hợp tác với mình không? Nhưng rồi dần dần tôi được các anh chị em trong khoa quý mến, giữa chúng tôi không còn sự cách biệt nữa. Tại đây tôi đã gặp một bệnh hiếm: bệnh Leptospirose. Ở Hà Nội, chúng tôi đã từng điều trị cho một bệnh nhân Leptospirose có biểu hiện đái ít và sốt liên tục, đau các cơ hai bắp chân. Sau khi được điều trị chống suy thận, kết hợp với phác đồ mới nhất điều trị bệnh Leptospirose, bệnh nhân đã khỏi và ra viện chỉ sau một tuần. Trong khi đó, chỉ cách đây một tháng, cũng có một bệnh nhân bị Leptospirose vào Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa số II Lào Cai. Nhưng đáng tiếc là, ở đây các bác sĩ đã không thể cứu được, vì bệnh nhân đến viện quá muộn. Hồi đó Lào Cai phải hứng chịu đợt mưa bão kéo dài gây sạt lở đất, người nhà không thể đưa bệnh nhân đến viện, khi bệnh nhân vào viện đã ở vào tình trạng suy đa phủ tạng rất nặng và tử vong trong niềm day dứt của các bác sĩ nơi đây!
Rất không may là trong thời gian tôi làm việc ở Bệnh viện đa khoa số II Lào Cai máy sinh hoá của bệnh viện bị hỏng. Nhìn các đồng nghiệp làm việc trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, tôi không khỏi thán phục họ. Ở thủ đô, chúng tôi làm việc đầy đủ hơn, cần gì đã có cận lâm sàng hỗ trợ rất đắc lực, do đó về chẩn đoán và theo dõi điều trị đỡ vất vả hơn rất nhiều. Ngoài ra, chúng tôi lại có các thầy, các chuyên gia đầu ngành, hơi khó một chút đã lại được các thầy chỉ bảo cho. Điều đó thì các đồng nghiệp của tôi ở Lào Cai có nằm mơ cũng không thể có! Thiếu thốn như vậy mà họ vẫn làm tốt công việc và không hề ca thán gì mới thật đáng khâm phục. Tôi lại có dịp để ngẫm lại mình.
Thời gian ở đây, chúng tôi được thăm một số địa bàn xa xôi của tỉnh như Simacai, Mường Khương, Bắc Hà... Bệnh viện huyện Simacai là bệnh viện chuẩn quốc gia, được xây dựng trên một khu đồi cao, xung quanh có tường bao quanh, các khu nhà được thông với nhau bởi hệ thống nhà cầu liên hoàn, các phòng bệnh đều có giường inox, có khu vệ sinh liền ngay cạnh. Bệnh nhân ở đây chủ yếu là người dân tộc, họ có bảo hiểm y tế gần như 100%. Đón tiếp chúng tôi là bác sĩ Thủy - Giám đốc cùng các anh chị em các phòng ban của bệnh viện, họ còn rất trẻ nhưng vô cùng chân tình và cởi mở. Mỗi người một chuyên khoa nhưng mỗi người đều có thể làm được nhi, Xquang, siêu âm, cả sản... Chúng tôi nghe mà khiếp vì ở Hà Nội chúng tôi chỉ làm một chuyên khoa sâu, cần gì đã mời hội chẩn nên nếu tôi về đây công tác chắc chắn tôi không dám trực vì mình không có khả năng đa ngành như họ. Cuộc sống ở đây thiếu thốn mọi bề nhưng ở họ toát lên sự đoàn kết, yêu đời, vô tư trong sáng. Các anh mời chúng tôi một bữa ăn mà theo như các anh nói đùa: “Muốn cho các chị biết hương vị đặc sắc của địa phương này”. Chúng tôi đã biết thế nào là mèn mén, thắng cố, rau cải mèo... Rượu nơi đây nặng đến mức tôi uống vào cứ như cháy hết cổ họng, tê hết cả lưỡi... Tôi hỏi các anh ở đây đón giao thừa thế nào? Họ cười ầm lên và bảo: “Chúng tôi có được xem pháo hoa, cũng dắt vợ con đi chơi quanh Hồ Gươm...”. Mãi sau mới hiểu ra vì nhìn thấy cái vô tuyến nằm trên bàn ở góc phòng, tôi quay đi lén chùi giọt nước mắt vừa trào xuống má... Khi chia tay, tôi suýt bật khóc khi BS. Thủy nói: “Chúng tôi chỉ xin các chị ở đây với chúng tôi một tuần thôi để các chị chỉ bảo cho chúng tôi những kinh nghiệm, những kiến thức mới để điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi khát học lắm!”. Suốt dọc đường về chúng tôi đắm chìm trong niềm suy tư, cảm động vì mình chưa giúp gì được cho họ...
Hà Nội 2/11/2008
BS. Hoàng Hải Yến(Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện E Trung ương)