Tình ngay lý gian

02-01-2019 16:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dân gian có câu “Tình ngay lý gian”, ý là bản chất thì không phải vậy nhưng rành rành mọi chứng cứ sẽ chống lại bạn một cách ngoạn mục. Để minh họa thì tôi xin được kể 3 chuyện rất ngộ sau:

Hồi mấy năm trước, có vợ chồng cô bạn thân từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi và ở lại nhà tôi ít bữa. Hai người là cha mẹ nuôi của con gái tôi. Họ cưng con nuôi lắm, nhưng bận ấy ông ba nuôi làm tôi hơi ngạc nhiên vì từ sáng chí tối chỉ nằng nặc muốn mời cả nhà ra trung tâm thương mại để mua sắm quần áo giày dép đồ chơi cho con nuôi. Việc mua tặng con thì cũng bình thường thôi nhưng ổng sốt sắng quá đỗi, tôi bận chết được nhưng vẫn chiều ý ổng đi cùng ra trung tâm thương mại. Ba nuôi bắt đầu đòi mua đủ thứ, thậm chí rẽ vào shop hàng hiệu Scorpio để mua cho con gái mấy đôi giày. Mua cái gì tôi cũng gàn vì đồ đạc nó nhiều lắm rồi, lại sắp chuyển nhà nữa nên rất sợ thêm đồ. Nhưng ba nuôi thì cứ mua sắm vung lên. Ngày cuối cùng, bạn thân tôi bảo “Long nhà tao bảo Linh dạo này có vẻ khó khăn, em xem bạn có cần gì thì em giúp đỡ nhé. Mày có ổn thật không đấy, có gì cứ bảo tao nhé, tính mày hay im im lắm”.

Tôi kinh ngạc cực độ bảo tao có khó khăn gì đâu, còn dư tiền xây nhà nè. Bẵng đi mấy hôm, tình cờ tôi nhìn thấy cái ga giường của con gái thủng một lỗ to tướng, mà nó nghịch ngợm còn thục chân vào cho vết rách càng thê thảm hơn. Tôi mới lóe lên trong đầu, hỏi “Hôm bữa ba Long mẹ Thủy ở đây con vẫn dùng cái ga này đấy à?”. Nó vâng ạ rõ to bảo vì chị Huế bận không chịu thay cho con. Ối giời ơi, lại còn con hề này nữa. Nó có một con hề bông ôm từ hồi mới đẻ, nó nghiện đến nỗi không chịu rời ra cho ai giặt giũ gì và còn lâu mới chịu cho con bông nào thay thế, hơn 10 năm bị nó vần vò, con hề bông trông còn thảm hơn mớ giẻ làm búp bê của Cô dét. Tôi bảo thế này thì làm gì ba Long chả bảo mẹ con nhà này khó khăn. Kể lại câu chuyện ấy với con gái, nó bảo đúng rồi, ba Long cứ bảo con hề bông này cũ quá rồi, ba mua con mới cho con nhé nhưng con bảo thôi thế này cũng được rồi ạ. Nó kể thêm là hôm ấy đi ngủ nó mặc sẵn đồng phục (chả hiểu sao nó nghĩ ra trò mặc đồng phục đi ngủ để sáng dậy đi luôn cho tiện khỏi muộn học), ba Long bảo con thay đồ đi chứ, nó vẫn điệp khúc “thương tâm”: Thôi con mặc thế này cũng được rồi ạ. Hèn chi ông ba nuôi nhất quyết đòi mua cho con gái 3 bộ mặc nhà. Tôi mới đay nghiến: Cả đời người ta đến nhà mình được một lần mà mi nằm ga rách, ôm mớ giẻ bông này tha thiết, lại còn cứ như không có quần áo mặc nhà, 24/7 nhất bộ đồng phục trường phát cho, làm chi ổng chả tưởng... Thực là bêu riếu.

Chuyện thứ hai là tôi có cô bạn thân sống bên Mỹ. Thi thoảng cổ hay trách tôi không chịu đứng bếp khiến đôi bên tranh cãi kịch liệt (là lúc ý tôi chưa hiểu ý cổ). Hồi tháng trước đây thôi, cổ tiếp tục nhắc lại “Tại sao bà lại không tự nấu ăn, con Huế nó có biết nấu gì đâu mà bà để cho nó nấu thế thì ai mà ăn được”. Tôi kinh ngạc thực sự, mới bảo trên đời ăn uống dọc ngang cũng nhiều, ăn từ Đông sang Tây, nhưng chưa từng thấy ai nấu ngon như nàng Huế nhà mình, là cô cháu gái đã ở với tôi 15 năm. Ngon vì nàng ta nấu hợp khẩu vị, vì trên đời chỉ duy nhất có cô bé ấy là thuộc hết khẩu vị và thói quen của tôi, hai là sự phong phú của bữa ăn, một năm hơn 700 bữa gần như không bữa nào trùng với bữa nào và nàng ta lại có biệt tài cứ đi đâu ăn món gì chỉ cần một lần là về nấu lại đúng như thế không cần lên Google xem công thức. Không người nào chơi kha khá thân với tôi mà lại không biết cô đầu bếp siêu nhân ấy, bởi ăn món nàng nấu cũng nhiều. Bao nhiêu đại sứ và chủ tịch tập đoàn nước ngoài ngồi ăn tì tì đều một tay cô nàng nấu. Khách Ấn thì nàng cho đồ Ấn, khách Hàn cho đồ Hàn, khách Âu đồ Âu. Nàng tung chảo tự làm từ bánh bao, lạp xường, giò chả cho đến hàu nướng pho mát bỏ lò, Tom Yum, cà ri Thái, từ món đường phố cho đến món 5 sao. Tôi có được khen khéo tay đến đâu cũng chỉ đáng xách dép cho nàng Huế. Bạn tôi bĩu môi rằng thì là “Chỉ bịa đặt. Tôi đến nhà bà ăn cơm hai lần nó đều cho tôi ăn món gan rán”.

Hỡi ôi là oan tày liếp. Tôi thề sống thề chết là cả đời tôi mấy mươi năm chắc chỉ ăn gan rán 3 lần. Bao gồm một lần ăn chực nhà ai đó và hai lần ấy nữa thôi. Vì rằng là mẹ tôi cực kỳ sợ lục phủ ngũ tạng, bà bảo gan thận là thứ để lọc chất độc nên cứ ăn gan với bầu dục lắm chỉ có tích độc vào người nên không bao giờ bà làm món gì liên quan đến gan. Còn bản thân tôi cũng sợ lục phủ ngũ tạng không kém. Cô Huế kia cũng ghét đặc món gan. Không hiểu sao nó lại rước gan về rán đến 2 lần. Nhẽ là tôi gặp ai cũng hay quảng cáo nhiều quá, rằng là Huế tài năng, 700 bữa không bữa nào trùng, nên chắc nàng gặp áp lực, nghĩ nát óc hết món rồi mới nghĩ quẩn sang món gan là thứ thực phẩm chưa bao giờ làm. Mà công nhận cái sự ngẫu nhiên của toán xác suất cũng thật là tài. Nhà tôi cả đời nấu món gan rán 2 lần. Bạn tôi, người luôn kỳ thị và ghét đặc món gan, cả đời đến ăn nhà mình được 2 lần, mỗi năm 1 lần thì đều trúng luôn món gan rán. Còn lâu mới biện minh được. Cho đến giờ nàng vẫn giữ nguyên quan điểm là gia đình tôi thực số khổ, 15 năm hứng chịu một cô đầu bếp chỉ biết nấu món gan hoặc những món đại loại gan rán, toàn những người thực bất chi kỳ vị, thế mà cũng nuốt được.

Chuyện thứ ba thì là tháng trước cô bạn thân rủ tôi ra vườn hoa bên Đông Anh chụp ảnh. Tôi bảo tôi ghét chụp vườn hoa lắm, nhưng chiều bạn nên đi cùng, đã chụp hoa rồi thì mặc sến luôn thể. Tôi bèn vác đi luôn 3 cái váy màu hồng. Nhiếp ảnh gia lần đầu tiên gặp tôi, kinh ngạc lắm vì tất cả những người cậu ta từng chụp đều chọn các trang phục phong cách khác nhau hoặc chí ít cũng là màu áo khác nhau chứ đâu 3 váy hồng như thế. Tôi giải thích là để đỡ phải thay phụ kiện, giày, túi, mũ, kính, màu son cùng tone, cùng style luôn. Hôm trả ảnh, cậu khen rối rít ảnh đẹp rồi bảo chị có vẻ thích màu hường nhỉ, mà chị hợp phong cách “bánh bèo” cực, không phải ai chụp thời trang “bánh bèo” cũng hợp thế đâu. Tôi lại thề sống thề chết là mình không hề thích màu hường, rằng mình ghét nhất “bánh bèo”, rằng mình cực đa phong cách trừ thời trang bánh bèo, rằng số lượng màu hồng chỉ chiếm 1% trong tủ quần áo của tôi. Cậu bảo em khen đấy chứ có nói gì đâu, chị mặc bánh bèo đẹp mà.

Tuần trước con gái tôi mới đòi đi chụp cúc họa mi ở Nhật Tân. Tôi dẫn nàng bé đi, rồi tranh thủ chụp ké mấy kiểu. Đã chụp hoa thì phải mặc... màu hồng. Vừa bước vào vườn hoa, hai mẹ con đã chạm mặt cậu nhiếp ảnh nọ. Cậu ta tay bắt mặt mừng rồi đôi bên chào tạm biệt nhau, tất nhiên cậu lờ đi không nhắc gì đến chiếc váy hồng thứ tư mà cậu vừa nhìn thấy. Xong lúc ra về, tôi lại gặp cậu vác máy đi vào, bắt quả tang “bánh bèo” trong bộ dạng của... chiếc váy hồng thứ năm. Thôi là đời hết thanh minh từ đây. Cả đời gặp nhau được 2 lần thì trưng ra hợp tác xã toàn hồng. Giờ khéo cậu ta ăn quả hồng cũng chợt nhớ ra đống váy áo ác mộng của tôi mà buột miệng với người bên cạnh: Anh có quen cô nhà văn Di Li, cô ấy nghiện màu hồng và thời trang bánh bèo đến mức...

Trong cuộc đời ta vốn vẫn luôn có những chuyện “thấy zdậy mà hổng phải zdậy” như thế. Còn có những chuyện to lớn hơn, phải chịu tiếng oan suốt đời vì có ma nào hỏi đâu mà mình xưng. Thậm chí mình còn không biết người ta nghĩ mình như nào để mà thanh minh. Nên có những việc phô bày đủ mọi chứng cứ đủ khiến chúng ta kết luận đến 99,9% về một điều gì đó nhưng vẫn có 0,1% không phải là sự thật. Mà cái “lý” 99,9% ấy, chuyện nhỏ thì thành vui, chuyện to đôi khi cũng hóa thành bi kịch vậy.


Di Li
Ý kiến của bạn