Tỉnh nào có tỉ lệ thí sinh nhập học đại học nhiều và ít nhất?

15-03-2024 19:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Không phải Hà Nội hay TP.HCM, Bình Dương mới là địa phương có tỉ lệ thí sinh nhập học nhiều nhất năm qua.

10 địa phương có tỉ lệ nhập học đại học thấp nhất

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Bình Dương là tỉnh dẫn đầu về tỉ lệ nhập học đại học với 80,61%. Xếp sau là Đà Nẵng với tỉ lệ 72,2%. TP.HCM và Hà Nội xếp ở vị trí thứ 3 và 4 với tỉ lệ nhập học đại học đều ở mức hơn 70%. 6 tỉnh còn lại nằm trong top 10 gồm: Thừa Thiên Huế, Nam Định, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Hưng Yên và Phú Yên. Tỉ lệ dao động từ 63,18 - 80,61%.

Ở chiều ngược lại, 10 tỉnh có tỉ lệ nhập học đại học thấp nhất tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, Sơn La là địa phương có tỉ lệ nhập học đại học thấp nhất 25,79%. Xếp sau là Lai Châu 28,48%. Các tỉnh còn lại gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Bình, Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng và Tuyên Quang. Tỉ lệ dao động từ 25,79 - 35,77%.

Tỉnh nào có tỉ lệ thí sinh nhập học đại học nhiều và ít nhất?- Ảnh 1.

10 tỉnh có tỉ lệ nhập học đại học cao nhất và thấp nhất năm 2023.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ nhập học cũng tỉ lệ thuận với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Những vùng có tỉ lệ học sinh vào đại học cao đều có điều kiện kinh tế tốt hơn, như Đồng bằng Sông Hồng (64,44%) và Đông Nam Bộ (64,24%). Ngoài ra, kết quả tuyển sinh 2023 ghi nhận 203/322 cơ sở đào tạo có tỉ lệ nhập học từ 80% trở lên.

Tỉnh nào có tỉ lệ thí sinh nhập học đại học nhiều và ít nhất?- Ảnh 2.

Xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ là hai phương thức tuyển sinh chính

Hiện có nhiều phương thức xét tuyển chính được các cơ sở đào tạo sử dụng như: Xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT (49,45%); Xét học bạ (30,24%); các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) (14,10%); Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (2,57%); Xét tuyển thẳng theo đề án (2,32%), ngoài ra xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác.

Theo Bộ GD&ĐT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ là hai phương thức tuyển sinh chính của các trường đại học, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các phương thức xét tuyển.

Tỉnh nào có tỉ lệ thí sinh nhập học đại học nhiều và ít nhất?- Ảnh 3.

Bộ GD&ĐT đã tổng hợp và so sánh tổng điểm thi ba môn ở 5 khối xét tuyển đại học truyền thống (A00, A01, B00, C00, D00) năm 2023 với điểm trung bình học bạ của hai nhóm thí sinh này. Cụ thể, 60% thí sinh đỗ đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp ba môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có tổng điểm tổ hợp ba môn hơn 23 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa hai nhóm thí sinh này là 3 điểm. Nếu xét kết quả học bạ, 60% số thí sinh đỗ bằng điểm thi có điểm học bạ là 25, cao hơn nhóm đỗ bằng học bạ 1 điểm.

Bộ GD&ĐT đánh giá, về cơ bản điểm thi tốt nghiệp THPT có khả năng phân loại thí sinh tốt hơn khi xét tuyển vào các trường đại học. Do vậy, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường đặt thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho phương thức xét tuyển học bạ để đảm bảo sự công bằng cho hai nhóm thí sinh.

Năm 2023, trong khoảng một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, hơn 546.000 em vào đại học, đạt tỷ lệ 53,1%, tăng gần 2% so với năm trước. Như vậy, trung bình cứ 100 em dự thi thì có 53 em vào đại học. So với tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng mầm non là hơn 660.000, tỷ lệ thí sinh nhập học đạt hơn 82%.

"Nở rộ" các kỳ thi riêng, thí sinh gia tăng áp lực'Nở rộ' các kỳ thi riêng, thí sinh gia tăng áp lực

SKĐS - Việc tổ chức các kỳ thi riêng sẽ giúp thí sinh có thêm phương thức xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, với nhiều kỳ thi có mục tiêu giống nhau đang tạo áp lực lên thí sinh và gia đình.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn