Tỉnh miền núi Sơn La bất ngờ đề xuất xây thêm sân bay Mộc Châu 6.500 tỷ đồng

11-09-2022 15:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong bối cảnh nhiều địa phương chưa được đầu tư sân bay, việc tỉnh miền núi Sơn La đề xuất đưa 2 sân bay Nà Sản và Mộc Châu vào quy hoạch khiến nhiều người bất ngờ.

Hà Nội xây thêm sân bay có lãng phí?Hà Nội xây thêm sân bay có lãng phí?

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, việc xây thêm một sân bay nữa cho vùng Thủ đô Hà Nội là không cần thiết, lãng phí.

UBND tỉnh Sơn La vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho bổ sung sân bay Mộc Châu vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Dù đặt tên sân bay là Mộc Châu, đề xuất của tỉnh Sơn La chưa cho biết vị trí dự kiến đặt sân bay nằm tại huyện, xã nào trên địa bàn tỉnh. Văn bản chỉ nêu: "Vị trí cảng hàng không Mộc Châu được lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ".

Văn bản cũng cho biết dự án sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khách du lịch và phát huy giá trị Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Theo đề xuất của tỉnh, Cảng hàng không Mộc Châu sẽ là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030) là cảng hàng không dân dụng khai thác tuyến bay nội địa và một số tuyến quốc tế với công suất 1 triệu khách/năm. Giai đoạn 2 (sau năm 2030) dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm.

Dự kiến tổng mức đầu tư sân bay Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tỉnh Sơn La định hướng sân bay này kết nối đường bay đến TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc...; các đường bay quốc tế đi Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong) và khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn, Bangkok, KualaLumpur, Jakarta...).

Tỉnh miền núi Sơn La bất ngờ đề xuất xây thêm sân bay Mộc Châu 6.500 tỷ đồng - Ảnh 2.

Sân bay Nà Sản trên địa bàn tỉnh Sơn La nhiều lần đóng cửa vì ít khách.

Trước đó, khoảng giữa tháng 8, UBND tỉnh Sơn La đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản.

Tờ trình do Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh ký đề xuất xây Cảng hàng không Nà Sản tại huyện Mai Sơn, trên nền sân bay cũ với diện tích khoảng 249 ha (mở rộng thêm khoảng 78,5 ha).

Việc đầu tư sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng Cảng hàng không Nà Sản đạt cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp I đạt công suất 1 triệu hành khách/năm.

Trong giai đoạn 2, sẽ mở rộng các hạng mục để đạt công suất 2 triệu hành khách/năm, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sau năm 2030.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án theo lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La lên tới 3.028 tỷ đồng, giai đoạn 1 cần 2.560 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, việc một tỉnh, thành phố có 2 sân bay là hãn hữu. Cả nước hiện chỉ có Kiên Giang là địa phương duy nhất khai thác cùng lúc 2 sân bay dân dụng gồm Rạch Giá và Phú Quốc. Việc đầu tư 2 sân bay cho địa phương này cũng có tính chất đặc thù do đảo Phú Quốc được ưu tiên phát triển du lịch quốc tế.

Trong tương lai, Đồng Nai có thể trở thành địa phương khai thác 2 sân bay dân dụng nếu sân bay Long Thành đi vào hoạt động và sân bay Biên Hòa được chuyển sang khai thác lưỡng dụng. Thủ đô Hà Nội cũng có thể có 2 sân bay nếu sân bay thứ 2 vùng thủ đô được xác định đặt trong địa giới thủ đô.

Hội chứng xây dựng sân bay lại 'tái xuất'?

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ, hội chứng sân bay lại tái xuất và tiếp tục phát triển, gia tăng trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy lên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

"Điều đáng buồn là những đề xuất xây dựng sân bay được đưa ra ngày càng vô lý khi khoảng cách giữa địa phương đề xuất với sân bay của "hàng xóm" chỉ chừng 100km, đi cao tốc còn nhanh hơn so với thời gian làm thủ tục lên, xuống máy bay", GS.TS Đặng Đình Đào nói.

Mặt khác, việc xây dựng các cảng hàng không, không phải địa phương muốn là được. Ngoài một số lý do nêu trên, có một lý do rất đáng lưu tâm đó là: Các hãng hàng không, đặc biệt là hãng tư nhân, không dại gì mở đường bay tới các sân bay ít khách. Nếu mỗi sân bay chỉ phục vụ 2 – 3 chuyến bay mỗi ngày thì không đủ chi phí để duy trì cơ sở hạ tầng, chưa nói đến có hiệu quả tài chính.

Điều này cũng có nghĩa, các địa phương phải cân nhắc khi mong muốn xây sân bay, đặc biệt cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT cần thận trọng trong xem xét đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch, tránh tình trạng chịu "sức ép" hay nể nang mà bổ sung quy hoạch.

Xem thêm video được quan tâm:

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đưa đón


Thảo Phượng
Ý kiến của bạn