Hà Nội

Tình mẹ xuyên biên giới

02-09-2018 15:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Có một người phụ nữ Nhật Bản bén duyên với Huế trong một chuyến du lịch cách đây hơn 20 năm, để rồi khi biết đến bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Huế còn gặp nhiều khó khăn: tỷ lệ bỏ điều trị cao, tỉ lệ lành bệnh còn thấp, bà đã từ bỏ tất cả các dự án mình đang theo đuổi để giúp bệnh nhi. Bà chính là Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn chăm sóc trẻ em châu Á. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với bà.

PV: Một năm bà dành bao nhiêu thời gian đi lại giữa Nhật Bản - Huế để hỗ trợ cho các bệnh nhi ung thư?

Một năm tôi thu xếp về Huế 4-5 lần, mỗi lần như vậy tôi ở lại với các cháu tầm 2 tuần. Tất cả thời gian lưu lại Huế hầu như tôi ở trong bệnh viện để hỏi thăm từng cháu, tư vấn cho các phụ huynh cách chăm sóc các cháu, chế độ ăn uống, vệ sinh, nghĩ dưỡng và một vài công việc liên quan. Mục đích chính tôi đang theo đuổi là giúp giảm thiểu tỷ lệ bỏ điều trị, góp phần nâng cao tỷ lệ sống sót, giúp điều trị thành công cho trẻ em mắc căn bệnh hiểm nghèo tại Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chúng. Ngoài ra, tôi dành một phần thời gian cho “Ngôi nhà hy vọng” - một dự án nằm trong hành trình hỗ trợ cho bệnh nhi ung thư.

PV: Bà có thể chia sẻ một chút về “Ngôi nhà hy vọng”?

“Ngôi nhà hy vọng” ra đời vào tháng 1/2016 được áp dụng theo mô hình của Nhật Bản để giúp đỡ quá trình điều trị cho các bệnh nhi ung thư. Ở Huế, chúng tôi đã thuê một ngôi nhà với không gian rộng rãi gần bệnh viện  làm nơi nghỉ ngơi cho những phụ huynh ở xa đưa con đến điều trị, vừa là nơi để người nhà bệnh nhi có thể nấu nướng cung cấp bửa ăn an toàn và đầy đủ dinh dưỡng hợp khẩu vị cho các cháu, vệ sinh riêng, giúp giải quyết được vấn đề quá tải ở bệnh viện. “Ngôi nhà hy vọng” hiện đang nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Huế với nhiều phòng nghỉ dưỡng được trang bị tivi, máy lạnh, máy giặt, khu nấu nướng... có thể đón hàng chục phụ huynh đến nghĩ mỗi đêm và nấu nướng các bữa ăn cho các cháu.

Đây cũng là chính ngôi nhà thứ hai cho các bệnh nhi ung thư và phụ huynh. Ngôi nhà đúng nghĩa là một mái ấm thật sự, tạo ra cảm giác gần gũi, thân thiện và tràn ngập tình yêu thương như chính ngôi nhà của họ. Tôi tin rằng, xa hơn nữa nó có thể vượt qua tên gọi “Ngôi nhà hy vọng”...

PV: Để duy trì ngôi nhà này có khó khăn không, thưa bà?

Để duy trì được ngôi nhà này tôi đã vận động nhiều tổ chức, kêu gọi quỹ, kể những câu chuyện về mảnh đời, hoàn cảnh các em đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo cho những mạnh thường quân ở Nhật Bản lẫn Việt Nam. Qua đây tôi cũng cảm ơn Bệnh viện Trung ương Huế tạo điều kiện để ngôi nhà được hoạt động. Cảm ơn các cơ quan truyền thông đã chung tay, chia sẻ những câu chuyện đến với cộng đồng. Từ đó, luôn nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ của các mạnh thường quân trong lẫn người nước với những đóng góp từ gạo, mắm muối, ga, tiền bạc...

PV: Trước tấm lòng của bà, nhiều phụ huynh trìu mến gọi bà với cái tên như “mẹ Nhật”, “người mẹ xuyên biên giới” hay “người mẹ thứ hai của bệnh nhi ung thư”, bà nghĩ sao?

Thật cảm ơn tình cảm mà mọi người đã dành cho tôi. Tôi đến đây với ước nguyện dành tất cả tâm huyết của mình trao cho các cháu bệnh nhi ung thư. Tôi muốn chia sẻ cảm xúc, đồng cảm với những người mẹ, người cha có con đang điều trị vượt qua những khó khăn. Tôi không muốn họ cảm thấy đơn  độc, mà muốn tất cả phụ huynh và các bệnh nhi đang điều trị ở đây như một gia đình, luôn yêu thương, đoàn kết, sẻ chia.

PV: Vậy có câu chuyện nào khiến bà nhớ mãi trong hành trình giúp đỡ bệnh nhi ung thư ở Huế?

Rất, rất nhiều. Tất cả hình ảnh về các em đều nằm trong đầu tôi. Rất nhiều cháu được điều trị khỏi hẳn bệnh, về nhà đi học bình thường rồi trưởng thành vào học đại học, có cháu lập gia đình và sinh con. Tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi luôn giữ liên lạc với các em. Đồng thời, tôi cũng không bao giờ quên những đứa trẻ kém may mắn. Những đứa trẻ ấy rất thông minh, chăm chỉ. Mỗi khi có một đứa trẻ qua đời tôi day dứt vô cùng. Nhưng rồi phải mạnh mẽ để rút ra một bài học phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn để giúp đỡ những đứa trẻ đang tiếp tục điều trị.

Bà Kazuyo Watanabe bên các cháu bé

PV: Nhìn ánh mắt của bà như có điều gì đó khiến bà vẫn còn băn khoăn?

Đến thời điểm này, tỷ lệ sống sót đối với các cháu mắc bệnh ung thư đang tăng lên theo từng ngày. Nhưng tôi không tự hào về điều đó, mà luôn thúc giục bản thân phải cố gắng hơn nhiều. Từ khi tôi đến Huế, tỷ lệ bỏ trị của các cháu đã giảm, tỷ lệ sống sót đã gia tăng, nhưng vẫn còn nhiều ca bệnh tái phát hoặc tiên lượng xấu, tôi đã phải nói lời vĩnh biệt với các cháu. Tôi rất đau đớn mỗi khi sự việc đó xảy ra, tôi luôn ước mong những phương pháp điều trị mới sẽ được áp dụng tại Huế. Ước mong Huế trở thành trung tâm điểu trị tốt cho các cháu ở toàn miền Trung. Chính vì thế, lúc Ban Giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế nói với tôi về kế hoạch xây dựng tầng 5 cho các cháu ung thư và triển khai ghép tủy. Tôi cảm thấy rất vui và nỗ lực cố gắng để gây quỹ giúp đỡ các cháu.

Bệnh viện xin hỗ trợ 8 tỷ cho tầng 5, tôi đã tiến hành gây quỹ. Trong quá trình gây quỹ, tôi vẫn gặp khó khăn, nhưng tình thương dành cho các cháu đã là động lực thúc đẩy tôi. Và tôi vui mừng vì công việc gây quỹ của tôi đã đạt được. Sau khi đã hỗ trợ xong việc xây dựng tầng 5, tôi vẫn tiếp tục gắn bó với Huế, để mời các chuyên gia hỗ trợ cho công việc ghép tủy ban đầu, tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ cán bộ để trở thành những bs giỏi giúp cho bệnh nhân. Đồng thời, hỗ trợ tiếp tục cho các cháu bệnh nhân.

PV: Nếu một ngày già đi, và không thể quay lại Huế, điều gì khiến bà trăn trở?

(Trầm ngâm)... Tôi nghĩ rằng khi tôi không thể quay lại Huế thì mọi chuyện vẫn sẽ bình thường thôi mà. Hoạt động vẫn sẽ được duy trì và diễn ra bình thường. Bởi vì, nền tảng của chúng tôi đó là đã xây dựng được một gia đình cho bệnh nhi ung thư ngay tại bệnh viện. Truyền thống ấy giúp họ luôn bao bọc, yêu thương, san sẻ dù ở hoàn cảnh nào. Tôi không hề băn khoăn nhiều. Có một câu chuyện khiến tôi hạnh phúc đó là có một đứa trẻ đã được cứu sống đang theo học y tá đã nói với tôi rằng: “Cô yên tâm, khi cô già, cháu sẽ chăm sóc cô”. Tôi  rất cảm động, vui mừng và yên tâm.

Qua đây, tôi cũng tin rằng nhiều người sẽ biết đến các bệnh nhi ung thư, biết đến đơn vị ghép tủy, biết đến ngôi nhà hy vọng. Và chúng ta phải làm sao đó thay đổi cách nhìn về căn bệnh ung thư trẻ em, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể chữa lành nếu được điều trị đầy đủ, phải đối mặt với nó để chữa trị và đi tìm hành trình cho sự sống.


Nguyễn Thanh ( thực hiện)
Ý kiến của bạn