Chính việc đẩy nhanh tốc độ đã khiến nhiều chủ thầu bị sức ép, họ lại ép xuống đội ngũ thợ trong khi nhiều công trình chưa đảm bảo về mặt an toàn lẫn chất lượng thợ xây dựng. Vụ việc sập giàn giáo nghiêm trọng vừa xảy ra tại một công trình trên phố Tố Hữu (Hà Nội) đang là báo động đỏ cho thực trạng này…
Đình chỉ thi công công trình vụ sập giàn giáo
Rạng sáng 17/2/2018, tại công trường xây dựng nằm trên phố Tố Hữu (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) do Công ty CP Phát triển đầu tư và dịch vụ Việt Nhật làm chủ đầu tư đã xảy ra vụ sập giàn giáo xây dựng. Hậu quả khiến 3 người chết và 3 người khác bị thương.
Đại diện UBND phường Đại Mỗ cho biết: “Công trình được UBND quận Nam Từ Liêm cấp phép xây dựng từ ngày 14/11/2017, thông báo khởi công là ngày 15/11, diện tích bị sập rộng khoảng 256m2. Đây là dự án xây dựng khu vực cây xanh kết hợp bãi đỗ xe và dịch vụ dành cho ôtô”.
Được biết, đơn vị thi công dự án là Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội. Thời điểm xảy ra sự cố, công trình đang thi công được 2 tầng, đơn vị thi công đang tiến hành đổ bê tông các dầm của tầng 1.
Hiện trường vụ sập giàn giáo trên phố Tố Hữu, Hà Nội ngày 17/1/2018.
Trao đổi với báo chí, ông Chu Văn Đức - Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết: “Sáng nay, đơn vị đã lập biên bản và tạm thời đình chỉ thi công công trình xây dựng trên để lực lượng chức năng kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn. Hiện tại, chúng tôi đang yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công cung cấp đầy đủ thông tin về dự án”.
Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn ở công trình xây dựng này.
Vẫn là yếu tố con người?
Tháng 12/2017, vụ sập sàn bê tông công trình thủy điện đã khiến 2 người chết tại Lai Châu; trước đó - tháng 10/2017 là vụ sập giàn giáo ở Phú Quốc khiến 5 người thương vong… Những sự việc đau lòng liệu có cùng căn nguyên hay không thì rất hiếm khi người ta được nghe các kết luận bởi vụ việc lại chìm vào quên lãng.
Một số chuyên gia xây dựng cho rằng sập giàn giáo khi đổ bê tông phần đa là tính toán sai khả năng chịu lực của cây chống. Các cây chống không được liên kết với nhau, chống thưa và bị di chuyển vị trí khi nước từ bê tông chảy xuống nền làm nền mềm ra. Việc đổ bê tông bằng bơm tự hành nếu giám sát và công nhân không để ý di chuyển vòi bơm để dàn đều bê tông cũng sẽ dễ làm tăng tải cục bộ dẫn tới lệch tải và phát sinh lực ngang làm mất ổn định của giáo chống. Bởi vậy, luôn cần người có kinh nghiệm dày dặn thường xuyên kiểm tra hệ thống cây chống bên dưới, xử lý ngay khi có bất thường.
Nhận định về mặt trách nhiệm trong vụ tai nạn trên đường Tố Hữu vừa xảy ra, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng trách nhiệm chính thuộc về đơn vị thi công, cụ thể là chỉ huy kỹ thuật của công trường. Giàn giáo công trường xây dựng cũng phải có thiết kế chứ không phải làm theo kinh nghiệm, phải được kỹ sư phụ trách kỹ thuật trên công trường ký vào bản thiết kế. Xây dựng xong phải có biên bản nghiệm thu giàn giáo xem có chắc chắn không. Đây là thi công nên bên đầu tư không giám sát mà bên thi công tự giám sát. Xảy ra sự cố gì thì chỉ huy phụ trách kỹ thuật trên công trường phải chịu trách nhiệm.
Qua nhiều vụ việc có thể thấy, yếu tố an toàn trên các công trường xây dựng thường bị bỏ qua một cách dễ dàng. Tại nhiều công trình, công nhân dù được cấp trang phục bảo hộ lao động nhưng ít sử dụng hoặc dùng tùy tiện vì không được đào tạo bài bản. Thêm vào đó, vì gấp rút tiến độ, nhiều chủ thầu đã “nhặt” các tốp thợ tự do, không đủ tay nghề và kỹ năng chuyên môn để đưa vào nhóm, miễn đạt tốc độ. Bài học này liên tục xảy ra trong thực tế, nhưng biết tránh được nó thì không phải chủ thầu nào cũng làm được.