Sông Hương và sông Seine là hai kiều nữ tuyệt tác của nhân loại, khó tìm thấy ở nơi đâu. Thiệt là ái ngại khi mà đặt sông Seine - con sông của một kinh đô ánh sáng, hoa lệ như vậy bên cạnh con sông khiêm nhường, lặng lẽ, trầm mặc như Hương Giang. Tuy nhiên, những ai sống ở Huế và có dịp đến Paris, trầm tư bên bờ sông Seine trong một buổi chiều tà, đều không thể không suy ngẫm về sự gặp gỡ kỳ diệu của hai “kiều nữ” này.
Trầm mặc và kiêu sa
Cả hai đều là kiệt tác kỳ diệu của thiên nhiên. Sông Seine rực rỡ, hoa lệ; sông Hương trầm mặc, u buồn nhưng đều huyền bí, quyến rũ và kiêu sa. Và đặc biệt, cả hai đều mang cảm thức soi bóng về những huyền tích văn hóa của bao triều đại hưng vong...
Sông Seine mang một cái tên nữ tính của nàng tiên Sequana, khởi nguyên từ Hoàng đế La Mã - Jules César (vào thế kỷ XVI, mới trở thành tên La Seine). Bắt nguồn từ thượng nguồn Bourgogne, xuyên qua cánh rừng già với những đồi thông, những miền nho trù phú, uốn lượn quanh Paris cổ kính, hoa lệ, rồi bình thản đổ ra biển Manche, sông Seine đã không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên bởi dáng vẻ mềm mại, tĩnh lặng và kiêu sa của nó. “Sôi nổi trong quá khứ, điềm đạm lúc về già”, sông Seine đã tạo nên một huyền thoại kỳ diệu, trở thành một trong những con sông quyến rũ nhất thế giới.
Sông Hương - Niềm kiêu hãnh của Huế |
Sông Hương cũng là một cái tên nữ tính, dịu ngọt. Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua khu vườn Bạch Mã, hợp lưu ở vùng Hữu Trạch, uốn lượn ở Điện Hòn Chén, rồi bình thản chảy qua kinh thành Huế, mang theo mùi thơm cỏ cây, thảo mộc của miền Hương Trà… Sông Hương cùng với cầu Tràng Tiền là linh hồn và niềm kiêu hãnh của cố đô Huế.
Kín đáo và huyền bí
Sông Seine và sông Hương nhìn từ trên cao tựa những tấm lụa uốn lượn mềm mại, xanh mềm như thảm nhung. Nét đẹp nhất của hai con sông là sự kín đáo và “biết giấu mình”. Cả hai đều có lưu lượng nước hiền hòa: mấp mé lưng chừng, không tràn khỏi bờ khiến cho lòng sông lúc nào cũng giữ một vẻ kín đáo, e lệ. Phần lớn những con sông khác đều bị thay đổi theo triều cường, khi nước rút, thường “phô” ra lòng sông một cách lộ liễu, thô thiển… Bởi vậy, cả hai đều bí ẩn và thanh khiết như những trinh nữ: đẹp, quyến rũ và gợi một niềm khao khát được khám phá. Câu thơ của Thu Bồn: Con sông dùng dằng, con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu cũng là nét trầm tư, sâu lắng của sông Seine trong thơ của Jacques Prevert:
Êm ái, không tiếng động
Nước sông không tràn khỏi lòng
Lặng lẽ không gợn sóng
Sông trôi về biển cả
Chảy qua kinh thành Paris
(Ca khúc sông Seine - Huyền Sâm dịch) (1)
Soi bóng hoàng thành
Chảy qua trung tâm của kinh đô, sông Seine cũng như sông Hương đều chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử. Mỗi con sông đều hằn sâu những vết thương cũng như niềm kiêu hãnh của bao triều đại đã qua. Sự hưng thịnh, trầm uất của lịch sử cũng là sự hưng thịnh, trầm mặc của dòng sông.
Sông Seine đẹp rực rỡ. |
Cả hai đều mang cảm thức soi bóng hoàng thành. Bao nhiêu đền đài, lăng tẩm, những công trình nghệ thuật tuyệt tác hầu như đều nằm dọc bờ của sông Seine và sông Hương. Sông Seine với Nhà thờ Đức bà Paris huyền bí, thâm nghiêm; bảo tàng Musee D’orsay mơ mộng, quyến rũ; cung điện Louvre vừa cổ kính, vừa hiện đại và bao nhiêu chiếc cầu vương bóng của những vị hoàng đế nổi tiếng như cầu Alexandre-III, Napoléon, Saint-Louis, Henri IV... Còn sông Hương, từ bao đời nay, dường như ẩn chứa tâm thức, nỗi niềm của vương triều Nguyễn. Từ thượng nguồn với Điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ đến hạ nguồn với cung Đại Nội, bến Phu Văn Lâu, cầu Tràng Tiền đều là những cung thăng trầm ai oán, phản chiếu sự thịnh suy của chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn.
Có phải vì lẽ này, những người con của Huế sống ở Paris, chiều chiều ngồi bên bờ sông Seine mà lòng đau đáu nhớ về sông Hương cùng kinh thành xưa đổ nát?
Một điều hiếm thấy, cả hai công trình kiến trúc tuyệt tác: cầu Tràng Tiền và tháp Eiffel đều do một kiến trúc sư nổi tiếng Gustave-Eiffel (1832-1923) thiết kế. Tháp Eiffel được xây năm 1887 và hoàn thành vào năm 1889 - là biểu tượng nổi tiếng của Paris và thế giới. Cầu Tràng Tiền thuộc triều đại vua Thành Thái, được xây dựng vào năm 1897 và hoàn thành năm 1899, với kiến trúc vòm mái theo kiểu gothique, gồm sáu vài, mười hai nhịp, mềm mại như chiếc lược ngà soi bóng giữa dòng Hương (2).
Còn nữa, cả hai con sông đều có chiếc cầu cùng mang một tên. Sông Seine với Le Pont-neuf (tiếng Việt là Cầu Mới). Le Pont Neuf được xây dựng vào năm 1578, dưới triều đại của vua Henri III. Đây là chiếc cầu đầu tiên được xây bằng đá, vì vậy, dù mang tên là Cầu Mới nhưng lại là chiếc cầu rất cổ xưa. Còn Cầu Mới của Hương Giang? Khởi đầu là những chiếc phao bập bềnh giữa dòng sông vào Mậu Thân đẫm máu 1968, lúc mà Tràng Tiền bị gãy nát, rồi được hoàn thành vào năm 1971 và mang tên là cầu Phú Xuân. Cả Cầu Mới của Huế và Cầu Mới của Paris đều bắc qua vị trí trung tâm của kinh thành, nối hai bờ tả ngạn và hữu ngạn.
Những điều trên là sự trùng hợp ngẫu nhiên của tạo hóa hay là sự gặp gỡ hữu ý của tâm thức lịch sử?
Tất nhiên, cả hai đều có nét khác biệt. Sông Hương vẫn giữ được vẻ tự nhiên, hoang dã, còn sông Seine đã bị “nhân tạo hóa”. 37 chiếc cầu bắc qua sông Seine tạo một sự sôi động, hoa lệ nhưng đã khiến cho dòng sông mất đi vẻ trầm mặc, u buồn vốn có từ khởi nguyên. Hơn nữa, lòng sông Seine lại hẹp nên không có sự mờ ảo như hai bờ sông Hương. Sông Hương, ở bờ bên ni, cách bên nớ không quá xa, quá rợn ngập và cũng không quá gần, quá lồ lộ, mà chỉ thấy áo trắng mờ ảo, phủ một màu sương khói bảng lảng... Hình như phần đa du khách đều thích vẻ hoang dã của dòng Hương hơn là sự sôi động của sông Seine?
Mỗi kiều nữ một vẻ nhưng đều trầm mặc, huyền bí và kiêu sa. Một ai đó, dù chỉ là khoảnh khắc, đi qua sông Hương và sông Seine để rồi luyến tiếc khôn nguôi trọn một đời người...
Trần Huyền Sâm