Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin, lúc 17h13 ngày 21/6, tại Km 10+600, QL1A, đoạn qua xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, Lạng Sơn xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 3 phương tiện đi cùng chiều hướng Hà Nội - Hữu Nghị khiến 1 người tử vong.
Vào thời điểm nêu trên, ô tô bán tải BKS 12C-096.11 do tài xế Hoàng Thị Lan (SN 1988, trú tại Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn) điều khiển, đang lưu thông trên đường bất ngờ va chạm vào phía sau xe ô tô con BKS 12A-063.87 do tài xế Hà Thái Sơn (SN 1985, trú tại Nà Pài, Thụy Hùng, Cao Lộc) điều khiển.
Sau cú va chạm, chiếc xe do chị Lan điều khiển chồm lên va chạm với xe máy điện đi phía trước có 2 người trên xe gồm: Hoàng Phi Y. (SN 2010, trú tại khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc) và Chu Hà M. (SN 2010, trú tại Cốc Nam, Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn).
Hậu quả, vụ va chạm khiến 2 người điều khiển xe máy điện bị thương được đưa đi cấp cứu, 2 ô tô và xe máy điện bị hư hỏng.
Tại hiện trường, nạn nhân Hoàng Phi Y. bị thương nặng vì mắc kẹt trong hốc bánh xe phía trước của xe bán tải. Đến sáng 22/6, nạn nhân Y. đã tử vong.
Qua kiểm tra, nữ tài xế điều khiển xe bán tải không vi phạm nồng độ cồn, không có ma túy. Người này khai trong lúc xe đang lưu thông thì bị nổ lốp dẫn đến mất lái, gây ra vụ việc đáng tiếc.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) đánh giá, theo những thông tin hiện có, có thể loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tài xế Hoàng Thị Lan. Còn dưới góc độ dân sự, cần xem xét đây có phải tình huống bất khả kháng hay không.
Theo Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tình huống này, thứ nhất, cần làm rõ việc chiếc xe bất ngờ nổ lốp có phải sự việc khách quan, không thể lường trước được hay không?.
Thứ hai, cần làm rõ chị Lan đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép đã khắc phục tối đa hậu quả, tránh để tai nạn xảy ra hay chưa. Nếu đủ căn cứ xác định đây là sự kiện khách quan, không thể lường trước còn chị Lan đã áp dụng mọi biện pháp an toàn trong khả năng nhưng tai nạn vẫn xảy ra, đây có thể coi là trường hợp bất khả kháng.
"Khi đó, theo khoản 3, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, nữ tài xế có thể được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại", luật sư Lực phân tích.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) nêu quan điểm: Theo quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, lái xe gây tai nạn giao thông dẫn tới hậu quả làm chết người có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, yếu tố lỗi sẽ là căn cứ quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của người phạm tội.
Trong trường hợp này, theo thông tin hiện có, khi chiếc xe chạy theo hướng Hà Nội - Hữu Nghị thì bất ngờ nổ lốp phải dẫn đến mất lái, va chạm với một ô tô và một xe máy điện. Với kết quả kiểm tra cho thấy chị Lan không vi phạm nồng độ cồn, không sử dụng chất cấm khi điều khiển phương tiện, đã đảm bảo đúng các quy định về an toàn giao thông đường bộ và việc bị mất lái bất ngờ do xe nổ lốp nằm ngoài tầm kiểm soát thì nữ tài xế sẽ được xem xét miễn trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Về trách nhiệm dân sự, vị chuyên gia trích dẫn quy định tại các Điều 584 và 601 Bộ luật Dân sự 2015 và cho biết: Các phương tiện giao thông vận tải cơ giới (ô tô, xe máy…) được liệt kê trong nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại hoặc tình huống dẫn đến thiệt hại thuộc trường hợp bất khả kháng.
Xem thêm video:
Hiện trường vụ ô tô bán tải nổ lốp khiến bé gái bị cuốn vào bánh xe tử vong tại chỗ