Hà Nội

Tình huống pháp lý vụ "cô dâu bị tố lừa 17 tỷ đồng"

15-09-2022 16:02 | Pháp luật
google news

SKĐS - Theo luật sư Đặng Văn Cường, thông tin tố cáo vụ siêu lừa xuất hiện trên mạng xã hội là một chiều, chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan chức năng xác minh. Do đó, chưa thể rõ thực hư đến đâu và nếu các nạn nhân không tố cáo sẽ không có căn cứ để các cơ quan chức năng vào cuộc.

Liên quan đến vụ cô gái tên N.T.V.A. (27 tuổi, quê huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) bị bóc phốt là siêu lừa đảo hiện có hàng trăm người đã và đang có đơn tố cáo gửi đến Bộ Công an và công an các tỉnh, thành. Những người tố cáo đã cho biết, V.A có nhiều kịch bản không tưởng.

Tình huống pháp lý vụ "cô dâu bị tố lừa 17 tỷ đồng" - Ảnh 1.

Bài "bóc phốt" về "cú lừa xuyên thế kỷ" của cô gái này thu hút sự quan tâm lớn của netizen. (Ảnh: Nhã Lê Analee)

Ngoài chị N.L (Tổng giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ) tố gia đình nhà chồng bị V.A lừa hơn 17 tỷ đồng thì còn rất nhiều người khác cũng lên tiếng khẳng định bị V.A "lừa tiền" lên hàng trăm tỷ.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dưới góc độ pháp lý, lừa đảo là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi lừa đảo khác với hành vi "lừa dối".

Tình huống pháp lý vụ "cô dâu bị tố lừa 17 tỷ đồng" - Ảnh 2.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.

Trong quan hệ dân sự là hành vi lừa dối làm cho giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không có yếu tố chiếm đoạt mà có thể chỉ là gây thiệt hại. Hành vi lừa đảo là đưa ra thủ đoạn gian dối khiến người khác trao tài sản rồi chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên, người thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, người bị hại, nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch dân sự, kinh tế phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng, đưa ra các tài liệu chứng cứ và phối hợp với các cơ quan chức năng để chứng minh mình là nạn nhân của vụ việc lừa đảo thì mới có căn cứ để xử lý.

Còn trường hợp trở thành nạn nhân bị lừa dối, bị chiếm đoạt tài sản nhưng không trình báo, không yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết cũng không có căn cứ để giải quyết. Như trong sự việc trên, thông tin "bóc phốt" đưa lên mạng xã hội chưa được xác thực, cơ quan chức năng cũng chưa vào cuộc xác minh nên chưa thể kết luận được sự việc này là đúng hay không.

Nếu trường hợp, người bị tố cáo đề nghị xem xét xử lý về hành vi đưa tin sai sự thật, cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc hoặc nếu người đưa thông tin lên mạng xã hội là nạn nhân, nội dung là tố cáo cụ thể và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xem xét xử lý, lúc đó cơ quan chức năng mới có căn cứ để xem xét xử lý.

Đối với nội dung chung chung, không có yêu cầu cụ thể nào, không chỉ rõ hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân nào sẽ không có căn cứ để cơ quan chức năng thụ lý tin báo để xác minh.

Theo nội dung đăng tải, chị L cho biết gia đình mình không tố cáo, đã bỏ qua và không đề nghị cơ quan chức năng xem xét, việc đưa thông tin lên chỉ là có tính chất cảnh báo. Do đó, cơ quan chức năng sẽ không vào cuộc để xác minh đối với vụ việc này.

Trường hợp các nạn nhân có đơn trình báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra sẽ xem xét phân loại đơn. Nếu nội dung đơn và các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo để tiến hành xác minh.

Trường hợp đơn thư trình bày về việc vay mượn tiền, vay mượn tài sản, chưa trả lại nhưng không có căn cứ cho thấy có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra cũng không thụ lý tin báo.

Trường hợp nhận tài sản thông qua giao dịch dân sự sau đó gian dối, bỏ trốn, sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc có điều kiện.

Xem thêm video được quan tâm:

Sáng 15/9: Công an làm việc với người đăng clip chơi team building “lộ hàng” Ở Hạ Long


Đức Sơn
Ý kiến của bạn