Ngày 26/7/2018, Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé Nguyễn Quang T. (10 tuổi), thường trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Trẻ nhập viện trong tình trạng bị bệnh từ lâu, tinh hoàn bên trái không sờ thấy trong bìu, chưa điều trị gì, được gia đình cho nhập viện điều trị.
Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn bên trái không có trong bìu, mà nằm sâu trong ống bẹn, kích thước 15x8 mm, nhu mô đều, không có khối khu trú, xung quanh không có dịch... Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị tinh hoàn lạc chỗ và chỉ định phẫu thuật hạ tinh hoàn lạc chỗ cho trẻ.
Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 40 phút, các bác sĩ phát hiện tinh hoàn nằm trong ống bẹn trái, cách lỗ bẹn 2cm, kích thước 1,5x0,5 cm. Tiến hành phẫu tích giải phóng tinh hoàn khỏi tổ chức xung quanh, tạo đường hầm đưa tinh hoàn trái xuống bìu và tạo ổ lưu tinh hoàn dưới da bìu cho trẻ.
Kíp mổ do BS. Nguyễn Quốc Hùng; BS. Nguyễn Kim Hiếu và các kỹ thuật viên tiến hành.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật đưa tinh hoàn về đúng vị trí.
Cũng trong sáng nay 27/7, các bác sĩ Khoa Ngoại & Chuyên khoa cũng tiến hành mổ cho hàng chục cháu bé bị ẩn tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ, thoát vị bẹn. Đa số các trẻ bị bệnh từ lâu, gia đình phát hiện sớm nhưng chưa điều trị và xử trí gì... Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 30 phút/ca. Sau mổ khoảng 4-5 ngày các bé khỏi hoàn toàn và có thể xuất viện về với gia đình.
BS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tỷ lệ tinh hoàn ẩn chiếm 33% ở bé trai sinh non, 3,4% ở trẻ sinh đủ tháng. Đây là tình trạng tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bìu) khi trẻ đã được sinh ra mà nằm trong ổ bụng hoặc trên đường di chuyển từ bụng qua ống bẹn, xuống bìu.
Bác sĩ khuyến cáo, muốn phát hiện sớm phụ huynh cần lưu ý, khi sờ bìu của con mà không thấy 1 hay 2 tinh hoàn nên đi khám ngay. Không để lâu tinh hoàn sẽ bị teo, xoắn thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, ung thư hóa gây ảnh hưởng tới tính mạng hoặc vô sinh, yếu sinh lý khi tới tuổi trưởng thành.