Tinh hoàn ẩn ở trẻ - Điều trị thế nào?

21-11-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Tôi mới sinh bé trai 1 tháng nhưng tinh hoàn bên trái của con vẫn chưa xuất hiện.

Tôi mới sinh bé trai 1 tháng nhưng tinh hoàn bên trái của con vẫn chưa xuất hiện. Đưa con đi khám, bác sĩ tư vấn gia đình tiếp tục theo dõi. Vậy xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này. 

Lê Thị Hoài (Hải Phòng)

Tinh hoàn ẩn là sự bất thường khi tinh hoàn không nằm trong bìu mà còn nằm lại trên đường di chuyển như trong thời kỳ phôi thai. Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và dưới 6 tuổi. Khoảng 30% các bé sinh non bị tinh hoàn ẩn, ở trẻ sinh đủ tháng tỷ lệ là 3%. Khoảng 70% trường hợp tinh hoàn ẩn sẽ xuống bìu trong những tháng đầu. Sau 1 tuổi, tỷ lệ này còn rất ít. Có thể gặp tinh hoàn ẩn cả hai bên nhưng có khi chỉ một bên và thường gặp ở bên phải.

Cách phát hiện tinh hoàn ẩn ở trẻ là trong quá trình tắm cho trẻ, cha mẹ hãy massage nhẹ ở cơ quan sinh dục của trẻ để khảo sát, nếu thấy được hai tinh hoàn nằm ở hai bên và da quy đầu có thể tụt ra ngoài, lỗ tiểu luôn luôn nằm ở đỉnh của dương vật là bình thường. Xét riêng trường hợp tinh hoàn ẩn, cách nhận biết đơn giản nhất là sờ bìu của bé khi đứng mà không thấy tinh hoàn. Khi bé nằm, sờ lên vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động. Song việc chẩn đoán cần phải xác định được tinh hoàn ẩn ở một bên hay hai bên, có còn sờ thấy không thì phải nhờ các nhà chuyên môn.

Với tinh hoàn ẩn, thể ở trong bìu có thể mổ hở, nếu nằm trong bụng thì tiến hành phẫu thuật nội soi. Nếu phát hiện con bị tinh hoàn ẩn, bố mẹ có thể đưa con đến khám tại khoa ngoại các bệnh viện nhi hoặc các khoa nam học. Sau khi phẫu thuật, gia đình cần theo dõi kích thước tinh hoàn bên mổ đưa xuống bìu teo nhỏ hay to lên dần.

Trường hợp con chị, cần theo dõi kiểm tra tinh hoàn của cháu, nếu qua 6 tháng tuổi, tinh hoàn vẫn chưa xuống, chị nên cho bé đi tái khám để bác sĩ chuyên khoa đánh giá lại. 

BS. Tiến Dũng

 


Ý kiến của bạn