Tinh hoàn ẩn ở bé trai: Theo dõi hay cần can thiệp y tế ngay?

05-09-2023 11:35 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tinh hoàn ẩn là một hiện tượng bất thường đối với các bé trai, đặc biệt là những bé vừa chào đời có một hoặc cả hai bên tinh hoàn không nằm trong bìu. Trường hợp này có cần phải can thiệp y tế ngay hay chỉ theo dõi?

1. Nguyên nhân gây ra tinh hoàn ẩn?

Khi một bào thai nam đang hình thành về mặt di truyền, tinh hoàn sẽ bắt đầu phát triển ở bụng. Vào cuối thai kỳ, tinh hoàn di chuyển xuống bụng rồi vào bìu. Trong trường hợp tinh hoàn chưa nằm trong bìu ở thời điểm trẻ được sinh ra được gọi là tinh hoàn ẩn.

Nguyên nhân gây ra tinh hoàn ẩn có thể là bất thường về hormone, sự kết hợp giữa gene và yếu tố nào đó trong môi trường.

Một số yếu tố nguy cơ có thể khiến bé trai sinh ra bị tinh hoàn ẩn:

  • Sinh non, sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
  • Cân nặng khi sinh thấp.
  • Người mẹ hút thuốc lá hoặc bị ảnh hưởng thụ động bởi khói thuốc lá khi mang thai.
  • Tiền sử gia đình có người bị tinh hoàn ẩn.
  • Tiếp xúc với thuốc trừ sâu, kim loại nặng hoặc phthalates khi mang thai (một nhóm hóa chất được tìm thấy trong các sản phẩm nhựa, chăm sóc cá nhân đến đồ điện tử…).

2. Chẩn đoán tinh hoàn ẩn?

Điều gì xảy ra khi trẻ trai có tinh hoàn ẩn? - Ảnh 2.

Vị trí tinh hoàn ẩn ở bé trai không nằm trong bìu.

Trẻ nên được khám sơ sinh định kỳ để bác sĩ kiểm tra sức khỏe và đánh giá sự phát triển của trẻ. Với bé trai, khi không thể cảm nhận được tinh hoàn ở bìu thì có nguy cơ trẻ bị tinh hoàn ẩn. Tuy nhiên, đôi khi bé trai có tinh hoàn co rút (tình trạng tinh hoàn di chuyển qua lại giữa vùng bìu – bẹn) chứ không phải tinh hoàn ẩn. Đây là khi tinh hoàn của bé trai bị kéo vào cơ thể do lạnh hoặc căng thẳng. Vì vậy, nên kiểm tra bìu khi cơ thể trẻ ấm và thoải mái.

Nếu không thể sờ thấy tinh hoàn ở bìu thì có thể sờ thấy tinh hoàn ở phía trên bìu. Một số tinh hoàn ẩn vẫn còn ở vị trí cao trong bụng. Một số trẻ khác có thể tinh hoàn đang di chuyển xuống và cảm nhận được ở háng.

Lưu ý, khi trẻ trai được vài tháng tuổi mà vẫn không sờ thấy tinh hoàn, bé cần được bác sĩ tiết niệu nhi khoa khám trước 6 tháng tuổi.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ chẩn đoán được vị trí của tinh hoàn mà không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm như siêu âm, chụp MRI hoặc CT. Nếu vị trí của tinh hoàn không rõ ràng thì phẫu thuật là cách duy nhất để biết chắc chắn.

3. Điều trị tinh hoàn ẩn

Hầu hết, trong khoảng 3 tháng đầu đời, tinh hoàn ẩn đều tự di chuyển vào vị trí và chỉ có 1 hoặc 2 trong số 100 trẻ sơ sinh bị tinh hoàn ẩn cần được điều trị.

Nếu tinh hoàn của trẻ không thể tự di chuyển về đúng vị trí trong vài tháng đầu sau sinh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống cho trẻ. Đây là phương pháp điều trị tinh hoàn ẩn phổ biến và hiệu quả nhất với tỷ lệ thành công cao đến 90%.

Trẻ mắc bệnh nên được phẫu thuật trước 2 tuổi và có thể phẫu thuật sớm trước 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, phẫu thuật tốt nhất trong giai đoạn bé trai từ 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi.

Ở phương pháp phẫu thuật hạ tinh hoàn, trẻ sẽ được đưa tinh hoàn về đúng vị trí. Trong một số trường hợp, tinh hoàn teo nhỏ, không phát triển, bác sĩ có thể phải cắt bỏ tinh hoàn.

Mặc dù phẫu thuật hạ tinh hoàn mang lại hiệu quả điều trị cao nhưng một số ít trẻ sau khi phẫu thuật gặp tình trạng tinh hoàn bị kéo ngược lại bìu (tinh hoàn ẩn tái phát). Tình trạng này thường sẽ xuất hiện ở vài tuần sau mổ, lúc này, trẻ cần phải phẫu thuật lại.

Ngoài phẫu thuật, trẻ bị ẩn tinh hoàn có thể được hỗ trợ điều trị bằng hormone, tiêm bắp HCG nhằm kích thích cơ thể trẻ sản xuất hormone sinh dục nam, kéo tinh hoàn xuống bìu. Phương pháp này có nhiều tác dụng phụ, phải có sự theo dõi của các chuyên gia nội tiết và bác sĩ chuyên khoa. Do đó, nếu thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ để bố mẹ cân nhắc lựa chọn.

4. Tinh hoàn ẩn nghiêm trọng đến mức nào?

Điều gì xảy ra khi trẻ trai có tinh hoàn ẩn? - Ảnh 4.

Cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám sớm.

Nhiều người thắc mắc tại sao cần phải đưa tinh hoàn vào vị trí bình thường trong bìu. Bởi vì, bên cạnh những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với mối quan hệ của trẻ khi trưởng thành, có một số tình trạng sức khỏe quan trọng khác cần lưu ý như:

Nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn: Nguy cơ này có thể cao hơn từ hai đến tám lần ở những người có tinh hoàn ẩn hoặc đã từng có trước đây.

Gây vô sinh: Khoảng 10% số người sinh ra là nam bị vô sinh có tiền sử tinh hoàn ẩn. Tỷ lệ này cao hơn nếu cả hai tinh hoàn đều không được hạ xuống hoặc nếu phẫu thuật ở độ tuổi muộn hơn.

Nguy cơ xoắn tinh hoàn: Đây là tình trạng tinh hoàn bị xoắn, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho tinh hoàn.

Nguy cơ thoát vị bẹn: Loại thoát vị này gây đau hoặc sưng khi ruột đẩy vào háng. Các bác sĩ phẫu thuật thường điều trị cùng lúc với phẫu thuật cắt tinh hoàn.

Phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn là cần thiết khi tinh hoàn không tự di chuyển theo thời gian cũng như khi áp dụng điều trị nội khoa không cải thiện. Vì vậy, cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu nghi ngờ tinh hoàn ẩn và đưa trẻ đi khám sớm. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ chuyên khoa nếu lo lắng về biến chứng hoặc khả năng sinh sản sau phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn.

Mẹ bầu nên biết 6 yếu tố gây dị tật bẩm sinh và cách hạn chế nguy cơMẹ bầu nên biết 6 yếu tố gây dị tật bẩm sinh và cách hạn chế nguy cơ

SKĐS - Dị tật bẩm sinh xảy ra khi thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ có thể ảnh hưởng đến ngoại hình, chức năng các cơ quan, sự phát triển về thể chất và tinh thần. Dị tật bẩm sinh nghiêm trọng là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phụ nữ trên 35 tuổi số lượng trứng giảm, tỷ lệ mang thai thấp.


ThS. BS Lê Quang Dương
Gián đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững
Ý kiến của bạn