Tinh hoa văn chương làm nên khác biệt...

03-09-2013 09:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Kinh nghiệm trong nước và thế giới từ cổ chí kim cho hay, phim chuyển thể từ những tinh hoa văn chương thường có khả năng tạo nên sự khác biệt và sức hút đối với công chúng.

Kinh nghiệm trong nước và thế giới từ cổ chí kim cho hay, phim chuyển thể từ những tinh hoa văn chương thường có khả năng tạo nên sự khác biệt và sức hút đối với công chúng. Hướng đi này của phim truyền hình Việt Nam không phải là mới, nhưng mà đúng, vì trước đấy có không ít những bộ phim điện ảnh từng làm và thực sự đã gặt hái được không ít thành công về mảng đề tài này.

Từ kinh nghiệm của những người đi trước

Từ hơn 20 năm trước, các bộ phim nhựa như: Đêm hội Long Trì (đạo diễn: NSND Hải Ninh) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; Chị Dậu (đạo diễn: NSND Phạm Văn Khoa) chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn và Lều chõng (đạo diễn: NSND Nguyễn Thanh Vân và Ngô Huy Hoàng) chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố; Làng Vũ Đại ngày ấy (đạo diễn: NSND Phạm Văn Khoa) chuyển thể từ truyện vừa Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, Số đỏ (đạo diễn: NSƯT Hà Trọng) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng...

Tinh hoa văn chương làm nên khác biệt... 1Xuân tóc đỏ và cô Tuyết của phim Trò đời.

Những phim này phần lớn đều là phim điện ảnh (trừ phim Lều chõng), sản xuất chủ yếu nhằm mục đích chiếu ở rạp. Vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, những phim này bao giờ cũng cháy vé. Tôi còn nhớ dạo ấy, nhiều người muốn xem, nhưng vì hết suất chiếu, đã viết thư đề nghị với Công ty Phát hành phim Hà Nội chiếu thêm một vài buổi nữa. Đấy là một ưu thế rất rõ của các phim nói về/có liên quan đến thân phận người nông dân dưới chế độ phong kiến, một xã hội Việt Nam thuộc địa, chưa kịp bắt nhập với văn minh phương Tây và cũng chưa thể “cắt rốn” được cái gốc nông dân thuộc địa. Đúng là một xã hội nhập nhoạng dở tây, dở ta những năm đầu thế kỷ XX. Ngay cả Xuân tóc đỏ, đi lên từ một anh nông dân nhà quê chuyên đi bán thuê thuốc dạo trên tàu điện lang thang khắp phố thị cho một ông lang ở Hà thành, nhưng vẫn có gốc gác ở quê. Rồi vợ chồng chị Dậu, Chí Phèo - Thị Nở, vợ chồng anh khóa Vân Hạc, Bảo Kim và Quỳnh Hoa, những nhân vật chính của các phim trên cũng đều là nông dân “xịn”. Ngay cả Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì cũng xuất phát từ nông dân. Họ là những người gắn chặt với nông thôn và công việc đồng áng, nên từ tâm lý, thói quen đến những cảnh trong phim đều vừa rất gần gũi, thân quen, vừa gợi nhớ đối với đại bộ phận khán giả, nhất là những người thuộc lứa tuổi trung niên trở lên. Điều ấy đã tạo nên một lợi thế để hút khán giả đến với rạp chiếu. 

Nhưng sự thành công của mảng phim này còn có thể lý giải ngắn gọn bởi hai lẽ sau đây: thứ nhất, cách đây khoảng 20 - 30  năm, thời kỳ bao cấp, khán giả rất “đói” phim nói riêng và các phương tiện giải trí khác, không như bây giờ. Quan trọng hơn là các phim ấy đều được những đạo diễn có tài năng, tâm huyết với nghề, mà mình đã theo đuổi từ lâu, hay đúng hơn là với nghiệp đã “ám” vào tâm hồn những nghệ sĩ như NSND Hải Ninh, NSND Phạm Văn Khoa, NSƯT Hà Trọng, NSND Nguyễn Thanh Vân... Phim đã quy tụ được một dàn diễn viên gạo cội như NSND Thế Anh, NSND Như Quỳnh, NSƯT Anh Thái..., lại được dàn dựng công phu, tuy đầu tư không lớn, nhưng chẳng phải chạy đua với thời gian như gần đây nên có thể làm kỹ ở tất cả các khâu. Đấy là những yếu tố tạo nên giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Đến những thành công mới không thể phủ nhận

Phim Trò đời (đạo diễn: NSƯT Phạm Nhuệ Giang) dài 32 tập, được khởi chiếu từ ngày 9/8/2013 vào lúc 8h30 phút các ngày thứ 5 và 6 hàng tuần trên khung giờ vàng của sóng truyền hình VTV1. Đây là bộ phim được Trịnh Thanh Nhã - người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm và được coi là một cây biên kịch kỳ cựu của Hãng phim Truyện Việt Nam chuyển thể từ bộ ba tác phẩm Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Trước hết, nói về việc lựa chọn tác phẩm văn chương để chuyển thể, phải thừa nhận rằng Trịnh Thanh Nhã là người có “con mắt xanh” trong việc lựa chọn tác phẩm văn chương để chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình. Đây là ba tác phẩm văn chương, nhưng cũng có thể coi đây là ba thiên phóng sự xã hội mang đậm tính báo chí rất nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng từ cách đây hơn 70 năm, nhưng đến hôm nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự của nó. Nạn nghiện hút, chủ chứa, cô đầu, mại dâm, trộm cắp vặt hay những tên lưu manh gặp thời như Xuân tóc đỏ vẫn đắc chí với danh hiệu “giáo sư quần vợt”. Những kẻ học đòi Tây nhưng vẫn thò cái đuôi quê kiểng như Văn Minh ở đâu mà chẳng có. Những con nhà vốn gia giáo, nhưng khi sa cơ lỡ vận, gặp thời là sẵn sàng trở thành kẻ láu cá tức thời, có thể làm bất cứ điều gì như Đũi, nhoằng một cái trở thành tiểu thư Mộng Đài, nhan nhản trên mặt báo...

Chuyển thể các phóng sự báo chí lại đậm chất văn chương như ba tác phẩm trên thành kịch bản phim truyền hình là một sự tính toán khôn ngoan vì đã tạo cho đạo diễn nhiều “đất diễn” hơn so với những tác phẩm văn chương thuần túy, thứ chủ yếu dành cho phim điện ảnh. Có thể coi đây là chất “bột” quan trọng đầu tiên góp phần tạo nên sự thành công của bộ phim.

Còn đạo diễn Phạm Nhuệ Giang là con gái NSND Phạm Văn Khoa, lại làm dâu trong một nhà có truyền thống say mê môn nghệ thuật thứ bảy là gia đình NSND Hải Ninh. Như vậy, có thể nói, NSƯT Nhuệ Giang ngay từ khi lọt lòng cho đến khi lấy chồng đều được tắm mình trong môi trường điện ảnh thực thụ. Và quan trọng là gia đình cả hai bên nội ngoại đều đã có những thành công đáng nể về mảng phim này. Đây vừa là lợi thế, vừa là áp lực đối với đạo diễn Nhuệ Giang trước khi chị nhận lời mời làm phim Trò đời. Còn như chị thẳng thắn thừa nhận rằng mình “cũng đã bị áp lực khá lớn khi làm phim Trò đời, vì đọc đi đọc lại tác phẩm Vũ Trọng Phụng càng thấy ông có tầm vóc quá lớn, tính dự báo trong tác phẩm của ông rất cao và dù ông mất đã hơn 70 năm thì những Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm thầy cơm cô..., tất cả đều rất hiện đại, nhiều hiện thực xã hội trong đó còn mới mẻ như bây giờ, như chuyện Cơm thầy cơm cô và Ô sin ngày nay, cũng có nhiều điểm tương đồng. Nhưng du nhập của văn hóa mới vào một xã hội đang có sự thay đổi giữa cái bảo thủ, phong kiến có hai mặt, đem cái mới đến đồng thời cũng phá hoại những giá trị truyền thống nếu như đón nhận cái mới đó một cách thiếu tri thức”.

Tinh hoa văn chương làm nên khác biệt... 2Cảnh trong phim Trò đời.

Tuy nhiên, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã khéo xây dựng cho mình một ê-kíp làm việc mà theo chị là đủ để yên tâm. Đó là nhà sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân (chồng chị); họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức; đạo diễn hình ảnh, quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn; phục trang Nguyễn Thu Hà..., bên cạnh là dàn diễn viên giàu kinh nghiệm như: NSƯT Quốc Anh (cụ cố Hồng), Chiến Thắng (Văn Minh), NSƯT Minh Hằng (me Kiểm - bà Phó Đoan), Quang Thắng (Tyfn)... cùng một số gương mặt trẻ mới lần đầu tham gia đóng phim, nhưng diễn khá tròn vai, ăn hình là: Việt Bắc (Xuân tóc đỏ), Bảo Thanh (Đũi - tiểu thư Mộng Đài), Mai Chi (Tuyết), Hoàng Yến (Hoàng Hôn)... Tất cả là một sức mạnh tổng hợp góp phần tạo nên sự hấp dẫn của bộ phim.

Giám đốc Hãng phim Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam, NSƯT Đỗ Thanh Hải chia sẻ với báo chí rằng, đây là bộ phim được đầu tư công phu cả về kinh phí, tổ chức sản xuất đến kịch bản, đạo diễn, quay phim, diễn viên... Nội dung phim đã được ấp ủ đến 4 năm, còn kinh phí được đầu tư lớn nhất đối với một bộ phim sản xuất trong nước. Ông Giám đốc coi đây là điểm nhấn quan trọng của phim truyền hình 2013.

Hy vọng rằng tất cả những điều đó sẽ mang lại cho khán giả màn ảnh nhỏ những phút giây thú vị vừa xem vừa ngẫm lại cảnh đời, phận người bi hài trong xã hội nước ta trước Cách mạng Tháng Tám 1945. 

Đỗ Ngọc Yên



Ý kiến của bạn