Tình hình KT-XH có chuyển biến - Sức khỏe người dân được cải thiện

22-10-2014 06:00 | Thời sự
google news

Tình hình kinh tế - xã hội, một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm lớn không chỉ trong nghị trường, mà cả đông đảo đồng bào, cử tri cả nước...

Tình hình kinh tế - xã hội, một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm lớn không chỉ trong nghị trường, mà cả đông đảo đồng bào, cử tri cả nước đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Theo báo cáo, giữa bối cảnh chung còn muôn vàn khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế xã hội nước ta đang có những chuyển biến tích cực, trong đó có lĩnh vực y tế.

Sức khỏe người dân Việt Nam có những cải thiện rõ rệt

Liên quan đến công tác y tế, báo cáo của Chính phủ khẳng định công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, sức khỏe của người dân Việt Nam có những cải thiện rõ rệt. Cụ thể: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 15% (chỉ tiêu Quốc hội là 15,5%); số giường bệnh/10.000 dân đạt 23 giường (chỉ tiêu Quốc hội là 22,5 giường); tuổi thọ bình quân dự kiến năm 2014 đạt trên 73 tuổi;...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015.

Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng được đặc biệt quan tâm, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, dập dịch kịp thời, giảm thiểu việc lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm.

Đối với dịch bệnh Ebola: Bộ Y tế đã thường xuyên tổ chức họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, trong đó nhấn mạnh, chú trọng đến phòng, chống dịch Ebola; tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam;...

Ngoài ra, trong thời gian qua đã có nhiều bệnh viện được tiếp tục đầu tư xây mới và nâng cấp mở rộng, riêng tuyến Trung ương tăng thêm 1.200 giường bệnh. Tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện được cải thiện; giá dịch vụ y tế từng bước được điều chỉnh theo lộ trình. Tích cực cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi khám và chữa bệnh; xử lý kịp thời nhiều phản ánh của người bệnh thông qua đường dây nóng; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 72%. Bên cạnh đó, công tác phát triển y tế biển đảo được chú trọng; khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập. Công tác quản lý giá, chất lượng thuốc chữa bệnh và kiểm tra các cơ sở y tế được tăng cường...

Lo lắng việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên

Trình bày trước Quốc hội báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, nhất là diễn biến trên biển Đông hết sức căng thẳng. Khó khăn, thách thức rất lớn, song với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có bước phục hồi, chuyển biến tích cực nhất trong vòng 3 năm qua. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2014, lạm phát đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước: quý I đạt 5,09%, quý II đạt 5,25%, quý III đạt 6,19%, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; cả năm 2014 ước đạt 5,8%. Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước tăng 17,2% so với cùng kỳ, ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Các chương trình phát triển văn hóa xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm hơn.

Bên cạnh những dấu hiệu khởi sắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, việc tái cơ cấu kinh tế còn chậm; môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện chưa nhiều; nợ xấu còn cao trong khi việc xử lý chưa hiệu quả như kỳ vọng; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng nhiều nơi chưa hiệu quả... Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; bội chi ngân sách còn cao; nợ công tăng nhanh...

Những khó khăn, tồn tại này càng được chỉ ra rõ hơn trong Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, kế hoạch năm 2015 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phân tích: “Trong năm 2014, cân đối ngân sách Nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội năm nay mà sẽ không đủ vốn để đầu tư, bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo”.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ của năm 2014 đạt kết quả cao nhất. Năm 2015, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, Chính phủ mong muốn nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào cùng đoàn kết nhất trí, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra.

Ngày 21/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015. Cơ bản đồng tình và đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014, song qua thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về tính bền vững của nền kinh tế hiện tại. Trong đó, nóng nhất là vấn đề nợ công gia tăng, nợ xấu còn cao và chậm xử lý.

Theo chương trình, ngày 22/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình về Dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo;... thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Văn Hậu - Anh Tuấn

 

 


Ý kiến của bạn