Hà Nội

Tinh gọn bộ máy cán bộ y tế từ tuyến cơ sở: Giảm “lượng” để nâng “chất”

18-01-2019 07:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian qua, Bộ Y tế là một trong những bộ, ngành đi đầu trong thực hiện sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều đơn vị cả tuyến trung ương và địa phương đều đã, đang được sắp xếp hoặc sáp nhập theo hướng tinh gọn phát triển, hiệu quả, hội nhập quốc tế tạo thuận lợi để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tiết kiệm chi

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngành nội vụ năm 2019, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho biết, đối với y tế tuyến tỉnh, Bộ Y tế hình thành mô hình Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng (mỗi tỉnh trung bình có từ 5-7 trung tâm, sáp nhập lại thành 1 trung tâm). Như vậy, mỗi tỉnh trung bình giảm 5 đầu mối, tổng số cả nước sẽ giảm 315 đơn vị tuyến tỉnh. Đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện mô hình Trung tâm CDC.

Theo tính toán của Bộ Y tế, khi sáp nhập các trung tâm này thành một trung tâm, số lượng lãnh đạo sẽ giảm 1.260 vị trí (315 đơn vị x 4 người gồm 1 cấp trưởng, 3 cấp phó), và với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng thì số lương phải trả sẽ giảm đi tương ứng 90,7 tỷ đồng/năm.

Theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV, mô hình trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) được thành lập trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng, các trung tâm chuyên khoa, trung tâm có giường bệnh chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc thành lập bệnh viện chuyên khoa khi có nhu cầu và có đủ điều kiện về nguồn lực. Hiện, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 6 đơn vị trung tâm, khi sáp nhập thành một sẽ giảm tới 315 đầu mối; đồng thời, nhân lực của các trung tâm này cũng sẽ giảm khoảng 1.260 vị trí lãnh đạo (một cấp trưởng, ba cấp phó/đơn vị).

Tinh gọn bộ máy cán bộ y tế từ tuyến cơ sở: Giảm “lượng” để nâng “chất”Sắp xếp tinh giản bộ máy nhằm nâng cao chất lượng hoạt động y tế.

Ðối với tuyến huyện, cũng sẽ thực hiện thống nhất mô hình trung tâm y tế hai chức năng (dự phòng và khám, chữa bệnh). Ðến cuối tháng 12/2017, cả nước có 413 trong tổng số 713 huyện, quận tại 44 tỉnh, thành phố tổ chức hợp nhất Trung tâm y tế huyện và Bệnh viện đa khoa huyện thành Trung tâm y tế huyện, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông Phạm Văn Tác cho biết, đến hết năm 2018, đã có 437/713 đơn vị cấp huyện tổ chức hợp nhất Trung tâm y tế huyện với bệnh viện huyện, số lượng lãnh đạo quản lý sẽ giảm tương ứng là 1.748 vị trí và nhà nước sẽ không phải chi trả ngân sách thường xuyên 126 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn giảm khoảng 784,728 tỷ đồng/năm từ tiền ngân sách trả lương cho 10.899 biên chế gián tiếp là hành chính, lái xe, thủ quỹ, văn thư...

Như vậy, nếu thực hiện hợp nhất ở tuyến huyện sẽ giúp ngân sách tiết kiệm khoảng 910 tỷ đồng mỗi năm. Khi thực hiện trung tâm y tế đa chức năng, có thể ghép từ 4 đầu mối còn 1 đầu mối (hiện đang ghép 2 đầu mối thành 1 đầu mối) thì số lượng người làm lãnh đạo quản lý và biên chế gián tiếp còn tiếp tục giảm.

Tập trung được nguồn lực

Tại Hà Tĩnh, theo lộ trình, giai đoạn 2018 - 2021, ngành y tế Hà Tĩnh giảm tối thiểu 57% đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong toàn tỉnh; đạt tối thiểu 18% đơn vị sự nghiệp có nguồn thu tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên (tự chủ nhóm II); giảm tối thiểu 45% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với biên chế được giao năm 2015. Giai đoạn 2021 - 2025, đạt tối thiểu 27% đơn vị sự nghiệp y tế trong toàn tỉnh có nguồn thu sự nghiệp tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên (tự chủ nhóm II); giảm tối thiểu 50% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với biên chế được giao. Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, sắp xếp bộ máy ngành y tế sẽ đáp ứng được 2 yêu cầu: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành y tế hiện nay và thời gian tới. Ngành y tế đang phát triển theo mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân và bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe.

Còn tại tỉnh Kon Tum, việc tổ chức lại một số đơn vị trực thuộc phần nào đã giải quyết được những khó khăn về trang thiết bị y tế giữa các đơn vị; tiết kiệm được nhiều quỹ đất cùng tài sản công của các đơn vị, qua đó bố trí lại nơi làm việc cho các cơ quan khác đang có nhu cầu.

BS. Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết: Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy ngành y tế bước đầu tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị mới hoạt động hiệu quả hơn vì đã tập trung nguồn lực về một đầu mối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.


Minh Phong
Ý kiến của bạn