Hà Nội

Tính giáo dục của phim truyền hình Việt đang ở đâu?

26-05-2017 19:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau một thời gian lên sóng, bộ phim “hot” nhất truyền hình Việt Nam hiện nay Sống chung với mẹ chồng (đạo diễn Vũ Trường Khoa) vấp phải sự phản ứng khá gay gắt từ không ít khán giả.

Sau một thời gian lên sóng, bộ phim “hot” nhất truyền hình Việt Nam hiện nay Sống chung với mẹ chồng (đạo diễn Vũ Trường Khoa) vấp phải sự phản ứng khá gay gắt từ không ít khán giả. Họ cho rằng, bộ phim đã hư cấu thái quá mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, thiếu tính giáo dục cần thiết của một tác phẩm nghệ thuật... Nhận định này không phải là không có lý.

Những phản ứng trái chiều với Sống chung với mẹ chồng

Phải nói rằng, trong vài năm trở lại đây, hiếm có bộ phim thuần Việt nào tạo được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả truyền như Sống chung với mẹ chồng. Khi lên sóng, bộ phim đã thu hút lượng người xem cao kỷ lục, trở thành chủ đề được bàn tán rôm rả trên khắp các diễn đàn. Những video clip “chế” lời thoại của các nhân vật trong phim cũng thu hút hàng ngàn lượt like, share, comment khi được đưa lên mạng internet. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh phim truyền hình Việt bị đánh giá là “thiếu điểm sáng”, thậm chí là “tụt dốc không phanh”.

Phim Sống chung với mẹ chồng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả.

Phim Sống chung với mẹ chồng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả.

Lý giải về sự thành công của Sống chung với mẹ chồng, nhiều khán giả cho rằng, phim có đề tài gần gũi (đề tài về gia đình), xoay quanh mối quan hệ, xung đột mang tính “truyền kiếp” trong cuộc sống gia đình giữa mẹ chồng - nàng dâu nên khiến khán giả tò mò, hứng thú khi xem phim. Sống chung với mẹ chồng kể câu chuyện xung đột bắt đầu nảy sinh giữa mẹ chồng và nàng dâu từ khi cô gái mới chỉ là người yêu đến khi kết hôn và chung sống với gia đình chồng. Trong quá trình đó, hàng loạt mâu thuẫn đã xảy ra. Những tình huống hài hước, dở khóc, dở cười cũng lần lượt xuất hiện trong các tập phim.

Ngay từ đầu, Sống chung với mẹ chồng đã gây nên những luồng dư luận trái chiều. Khán giả ủng hộ phim cho rằng, Sống chung với mẹ chồng đã mang đến món ăn tinh thần mới cho khán giả và tạo được cú “hích” cho phim truyền hình Việt. Tuy nhiên, không ít khán giả cho rằng, phim đã hư cấu “thái quá” mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu. Thực tế, hiếm có mẹ chồng nào “xấu tính xấu nết” như bà Phương (NSND Lan Hương thủ vai).

Khán giả đã “điểm danh” nhiều tình tiết vô lý xuất hiện trong phim như việc bà Phương can thiệp quá sâu vào mối quan hệ giữa con trai và vợ, xông cả vào phòng tân hôn của các con, theo dõi sinh hoạt mang tính cá nhân của con dâu xem con dâu đã mang thai hay chưa... Hành vi, thái độ của bà Phương trong nhiều phân cảnh bị khán giả lên án kịch liệt như: cãi tay đôi với mẹ chồng với giọng điệu gay gắt, coi mình là người thành phố nên coi khinh mẹ chồng, gia đình nhà chồng;về thăm mẹ chồng với thái độ hằn học, mặt mũi xưng xỉa, bỏ ra xe ngồi trước trong khi chồng con vẫn quyến luyến chia tay mẹ chồng...

Gần đây, trên các diễn đàn mạng còn xuất hiện làn sóng đòi tẩy chay Sống chung với mẹ chồng. Có facebooker phân tích khá kỹ về bộ phim và đưa ra kết luận: trong phim không có đàn bà đẹp, không có đàn ông ngoan. Đồng thời đặt câu hỏi, không hiểu bộ phim được trình chiếu với mục đích gì khi mang đến hình ảnh mẫu mẹ chồng “quái dị”, những cô con dâu với nhiều chiêu trò đối phó với chồng. Có khán giả yêu cầu nhà đài cho dừng phát sóng bộ phim vì quá nhiều tình tiết không thể chấp nhận.

Tôi cũng đồng tình cho rằng, phim đã khai thác “quá đà” mối quan hệ giữa hai người phụ nữ “quan trọng nhất” trong cuộc đời người đàn ông mà đáng lẽ ra, việc khai thác mối quan hệ đó chỉ nên là một “cái cớ” để bộ phim truyền tải những thông điệp nhân văn, có ý nghĩa hơn về gia đình. Gia đình, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là đề tài được tái hiện trong khá nhiều phim của các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... Tuy nhiên, cách nêu vấn đề, giải quyết các mâu thuẫn của phim nước ngoài nhẹ nhàng, thuyết phục hơn so với phim Việt. Trong Sống chung với mẹ chồng, xung đột giữa mẹ chồng - nàng dâu bị đẩy kịch tính lên quá cao khiến phim thiếu tính chân thực và mang đến hình ảnh “méo mó” về mối quan hệ này.

Phim truyền hình không đơn thuần là giải trí

Từ những phản ứng trái chiều của khán giả, có người đặt câu hỏi rằng, xem Sống chung với mẹ chồng khán giả được gì, tính giáo dục của phim ở đâu khi cố tình xoáy sâu vào mối quan hệ không tốt đẹp giữa mẹ chồng - nàng dâu ở nhiều thế hệ như vậy. Dẫu biết rằng, phim truyền hình là sự phản ánh hiện thực xã hội, các nhân vật trong phim có thể được hư cấu nhưng mục đích cuối của phim, thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm đến xã hội là gì vẫn rất khó cắt nghĩa. Việc cường điệu hóa, đẩy mâu thuẫn lên cao trào gây phản cảm, làm mất đi tính giáo dục của phim truyền hình.

Phim truyền hình Việt ngày càng đa dạng về đề tài. Số lượng phim, nhà sản xuất phim truyền hình ngày càng đông đảo nhưng điều đó không đồng nghĩa với chất lượng phim truyền hình được nâng cao. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Có thể là do “cung không đủ cầu” nên đội ngũ biên kịch phim phải sản xuất kịch bản theo kiểu “ăn xổi” nên thiếu chiều sâu. Áp lực từ nhà tài trợ buộc phim phải gây được sự chú ý, thu hút nhiều nhãn hàng quảng cáo khi phim lên sóng... Chính vì vậy, nhiều phim Việt lên sóng nhạt nhòa, thiên về tính giải trí là chính. Có những bộ phim dành cho tuổi teen nhưng sử dụng nhiều ngôn ngữ đường phố, cổ súy cho lối sống thực dụng, cá nhân, nhân vật chính thiếu khát vọng, ước mơ, hoài bão trong cuộc sống...  Có thời điểm, khán giả Việt “bội thực” khi phim về đề tài đồng tính, ngoại tình... ồ ạt lên sóng.Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng, ngoại tình - một hành động trái với đạo đức, lương tâm, thuần phong mỹ tục của dân tộc hình như là mốt nơi công công cộng và đang được “ủng hộ ngầm”.

Thiết nghĩ, truyền hình cũng như các loại hình nghệ thuật khác phải hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Ngoài chức năng giải trí, phim truyền hình còn phải làm tốt chức năng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cho khán giả. Mỗi bộ phim phải chứa đựng trong đó thông điệp có giá trị về cuộc sống, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Có như vậy, phim truyền hình mới thực sự tìm được chỗ đứng lâu bền trong lòng khán giả.


Tường Phạm
Ý kiến của bạn