Phải làm rõ đối tượng nào thì nghỉ sớm, đối tượng nào sẽ cho nghỉ luôn, tránh úp mở sẽ dẫn đến chạy chức, chạy quyền, luân chuyển để được ở lại...
Về đề án tinh giản 100.000 biên chế của Bộ Nội vụ, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh “cần phải chỉ rõ địa chỉ chịu trách nhiệm, thậm chí phải xem xét sắp xếp, tinh giản với cả người có chức vụ...”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá.
Theo ĐB Khá, đề án phải công khai, minh bạch để cán bộ, công chức và toàn dân giám sát. Cách làm phải đề cao dân chủ. Cụ thể cần chỉ rõ tiêu chí, chế độ đối với người thuộc đối tượng sẽ tinh giản. Phải làm rõ đối tượng nào thì nghỉ sớm, đối tượng nào sẽ cho nghỉ luôn, tránh úp mở sẽ dẫn đến chạy chức, chạy quyền, luân chuyển để được ở lại...
Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể phải vào cuộc để giám sát, tổ chức việc thực hiện. Đặc biệt, cần tính đến việc tinh giản đối tượng có chức vụ. Ví dụ đối tượng thuộc ban giám đốc, lãnh đạo mà thuộc diện tinh giản thì quy trình ra sao, có hình thức lấy phiếu ở đâu hay đối tượng thuộc đoàn viên Công đoàn thì lấy phiếu ra sao, đều phải công khai, minh bạch.
Để đề án thực sự có hiệu quả như mong muốn, các cấp, các cơ quan đơn vị phải quyết tâm thực hiện. Nếu không chúng ta giảm được một mà tăng thêm hai, bộ máy càng tăng thêm nhưng không có hiệu quả.
“Trong đề án, nên ghi rõ cơ chế xử lý đối với những cơ quan đơn vị không thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế, phải có chế tài cụ thể. Qua đây, cũng cần rà soát cả đội ngũ cán bộ, chuyên viên và cấp lãnh đạo nếu không làm được việc, dư thừa cũng phải có phương án sắp xếp, tinh giản lại. Cấp trên của người đó sẽ là người xem xét đối tượng này, vì cấp trên mới đánh giá được họ.
Có thể thông qua hình thức như bỏ phiếu kín thăm dò, công khai minh bạch các tiêu chí. Cuối cùng là nguồn ngân sách 8.000 tỷ đồng đó sử dụng ra sao, có tác dụng giải quyết chế độ chính như thế nào. Tất cả đều phải rõ ràng, không nên để dư luận nghĩ rằng chúng ta vắt chanh bỏ vỏ...” - bà Khá lưu ý.