Giá điện tăng 4,8%
Chiều 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được quyết định điều chỉnh tăng thêm 4,8% (là mức điều chỉnh tăng thuộc thẩm quyền của EVN). Như vậy, giá điện tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.
Theo số liệu từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, nhiều ngày nắng nóng, thủy điện phải tích nước, tại miền Bắc buộc phải huy động thêm nhiệt điện than, nhiệt điện dầu với chi phí cao để bảo đảm đáp ứng đủ điện. Hiện, giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.092,78 đồng/kWh, cao hơn giá bán hiện tại. Bên cạnh đó, nhiệt điện dầu huy động ước tính có giá lên tới xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, điện khí khoảng 2.800 đồng/kWh.
Theo quy định tại Quyết định số 5/2024 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 15/5/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải giảm giá điện khi chi phí bình quân đầu vào giảm 1%; điều chỉnh tăng ở mức tương ứng khi chi phí đầu vào tăng 3 - 5%.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Nói về vấn đề tăng giá điện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng việc tăng giá điện là điều "một sớm một chiều", không thể không thực hiện. Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8%, giá cả hàng hóa trong quý cuối năm không bị ảnh hưởng đáng kể.
"Dự báo lạm phát trong năm nay vẫn dao động từ 3,8 - 4,1%. Trong tháng 10, nhiều nhóm hàng hóa có dấu hiệu giảm giá, nên giá điện tăng trong thời điểm này không đáng lo ngại. Nhưng với mức lỗ của EVN đang gánh hiện nay, tăng giá điện 2 tháng cuối năm vẫn chưa thể nào bù lại được. Vấn đề là sau trận bão lũ vừa qua ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh phía bắc, dự báo GDP có thể bị giảm khoảng 0,18 - 0,2%. Tăng giá lúc này lại là một gánh nặng cho họ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh băn khoăn.
Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Nếu làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Thế nên, phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, với việc duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ tiếp tục lỗ về lâu dài và không có đủ nguồn lực để đầu tư các dự án lớn. Từ đó, kiến nghị cần phải cải cách cách tính giá điện càng sớm càng tốt.
Còn hạn chế trong cách tính giá điện bình quân
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng cho biết, giá điện của chúng ta đa mục tiêu quá, còn ở trên thế giới tách bạch tương đối rõ, mặc dù giá điện ở nước nào cũng có sự điều tiết của Chính phủ.
"Hiện nay cách tính của chúng ta theo giá bán lẻ điện bình quân, tôi cho rằng có hạn chế, nhưng không phải là cốt lõi của những khó khăn của ngành điện hiện nay. Mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá", PGS.TS Bùi Xuân Hồi nói.
Theo ông Hồi, nếu chúng ta cố gắng dần dần tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường, thì sẽ có cơ chế điều tiết giá phù hợp. Nếu không thể điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngay thì tất cả các khía cạnh điều tiết cũng phải dần dần hướng đến thị trường.
Ông Hồi cho rằng, chúng ta xây dựng cơ cấu biểu giá từ năm 2014, khi mong muốn phát triển sản xuất nên để giá điện sản xuất thấp. Chúng ta muốn cân bằng tài chính cho EVN thì buộc phải đẩy giá điện kinh doanh lên. Trong quá trình đấy, bắt buộc phải điều tiết dần, ưu tiên cho sản xuất dần giảm đi và trả đúng vai trò của hộ sản xuất.
"Nhưng chúng ta để lệch quá và không điều chỉnh, dẫn đến việc bây giờ nếu ngay lập tức xóa bù chéo thì chắc chắn không làm được vì sẽ gây sốc cho nền kinh tế. Nhưng rõ ràng phải hành động để từng bước điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường. Đây là điều rất cần thiết. Tôi cho rằng phải định vị đúng, không phải vướng mắc về cách tính giá thành, mà quan trọng nhất là công tác điều hành giá", PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nhận định.
Phân tích thêm những hệ lụy, hệ quả khi giá điện không được tính đúng, tính đủ, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng, cho biết năm 2023 rất điển hình cho câu chuyện bắt buộc phải giảm phụ tải hay nói cách khác, bắt buộc phải cắt điện khi nguồn điện không đủ.
Về chuyên môn trong kinh tế năng lượng, gọi là chi phí ngừng cung cấp điện, nó được định nghĩa là một thiệt hại nền kinh tế phải gánh chịu khi mà 1 kWh không thể cung cấp được. Thiệt hại cực kỳ lớn. Hệ lụy vô cùng nhiều.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 11/10: Đến phòng trọ người yêu, nam thanh niên “tiện tay” bẻ khóa trộm xe máy của bạn gái |SKĐS