Theo thống kê năm 2015, ở Việt Nam, vô sinh nam chiếm khoảng 30% các nguyên nhân gây vô sinh. trong đó, hơn 90% trường hợp là do bất thường tinh trùng. Để đánh giá tình trạng tinh trùng, bác sĩ dựa vào xét nghiệm tinh dịch đồ.
Tinh dịch đồ là gì?
Tinh dịch đồ là một xét nghiệm trên mẫu tinh dịch nhằm đánh giá chất lượng của tinh trùng, thông qua các chỉ số như số lượng, khả năng di động, hình dạng bình thường… Từ đó, đánh giá một cách khái quát về khả năng sinh sản của nam giới. Các chỉ số tinh dịch đồ chỉ có ý nghĩa tiên đoán khả năng sinh sản của nam giới là cao hay thấp, hoàn toàn không cho phép kết luận vô sinh hay không.
Những trường hợp không tìm thấy được tinh trùng trong tinh dịch của mẫu xuất tinh, bệnh nhân cần làm thêm các xét nghiệm khác về nội tiết cũng như có những thăm khám chuyên sâu về nam khoa để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thêm. Đối với các trường hợp này, bệnh nhân vẫn có 50 - 80% cơ hội tìm thấy tinh trùng từ phẫu thuật.
Kết quả tinh dịch đồ cùng với các dữ liệu từ phía người vợ sẽ giúp bác sĩ quyết định phương án điều trị cho một cặp vợ chồng hiếm muộn.
Cách lấy mẫu tinh dịch để có kết quả chính xác
Trong kết quả của một xét nghiệm tinh dịch đồ thì cách lấy mẫu của bệnh nhân cũng có ảnh hưởng đến kết quả. Vì vậy, trước khi lấy mẫu, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn lấy mẫu một cách cụ thể. Bệnh nhân sẽ kiêng xuất tinh từ 2 - 7 ngày trước khi lấy mẫu. Mẫu tinh dịch được lấy bằng phương pháp thủ dâm và được thu toàn bộ vào một lọ sạch vô trùng có miệng rộng. Mẫu cần phải được thu nhận đầy đủ vào lọ, tránh thất thoát hoặc rơi vãi. Đối với một số trường hợp đặc biệt khó lấy mẫu tại cơ sở y tế, bệnh nhân có thể lấy mẫu tại nhà và chuyển tới cơ sở y tế trong vòng 1 giờ kể từ khi xuất tinh. Mẫu tinh dịch trong quá trình thu nhận và vận chuyển nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng (từ 20 - 370C). Hiện nay, phần lớn tinh dịch đồ được đánh giá theo chuẩn WHO 2010, một số khác theo chuẩn WHO 1999.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng
Ngoài các khiếm khuyết cấu trúc trong hoạt động sinh tinh hay các rối loạn về nội tiết liên quan đến hoạt động của gen thì các nguyên nhân chủ yếu đến từ thói quen sinh hoạt như: chế độ ăn, việc tiếp xúc với hóa chất, từ trường, hay việc sử dụng quá mức các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, ma túy... và các bệnh lây truyền qua đường sinh dục gây nên sự giảm sút nghiêm trọng chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Chế độ ăn thiếu một số chất như: vitamin A, vitamin E, vitamin B, một số axít béo, axít amin và kẽm... có thể ảnh hưởng trực tiếp lên tinh hoàn và gây giảm sinh tinh. Gần đây có nhiều quan điểm cho rằng thức ăn hiện đại và hóa chất công nghiệp thường chứa nhiều gốc hóa học có tính estrogenic yếu, nếu tích tụ lâu ngày có thể ức chế sinh tinh, làm giảm chất lượng tinh trùng của nam giới một cách báo động.
Tinh dịch đồ là một xét nghiệm trên mẫu tinh dịch nhằm đánh giá chất lượng của tinh trùng
Khi tinh hoàn bị viêm do quai bị có thể dẫn đến teo tinh hoàn hoặc rối loạn sinh tinh. Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu và tinh hoàn như các bệnh lây qua đường tình dục làm tắc đường dẫn tinh dẫn tới vô sinh. Lao mào tinh trùng cũng dẫn đến hủy hoại mô, gây xơ hóa. Các rối loạn về tĩnh mạch hay động mạch tinh hoàn cũng gây ra các tổn thương và rối loạn sinh tinh.
Ở nước ta, các thuốc trừ sâu, diệt cỏ có thể gây ảnh hưởng lên quá trình sinh tinh. Đặc biệt, dioxin được ghi nhận có tác động lên quá trình sinh tinh và có thể gây vô sinh.
Ngoài ra, phóng xạ với cường độ cao có thể dẫn đến vô sinh không phục hồi. Gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng từ trường do điện thoại di động gây ra với tần số cao và cường độ trung bình cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình sinh tinh.
Các loại thuốc điều trị ung thư rất độc cho tế bào tinh hoàn, ức chế mạnh quá trình sinh tinh, làm ngừng sinh sản. Hầu hết các phác đồ hóa trị ung thư đều ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh tinh và gây tình trạng vô sinh tạm thời. Trong số đó, có khoảng 80% trường hợp có thể phục hồi sau 5 năm.
Quá trình sinh tinh ở nam giới diễn ra liên tục từ lúc dậy thì, tuy nhiên quá trình này khá nhạy cảm với các tác nhân từ bên ngoài. Để duy trì chất lượng sản xuất tinh trùng thì ngoài chế độ ăn uống đầy đủ chất, chế độ sinh hoạt và thể thao hợp lý, hạn chế các chất kích thích, tác nhân ô nhiễm... cũng cần được quan tâm.