Tình đảo

15-12-2016 20:59 | Y tế
google news

SKĐS - Chiếc ghe nhỏ bập bềnh đè sóng mùa gió chướng ngót chừng một giờ đồng hồ đã giúp chúng tôi gặp được người “quan trọng” của hơn 5.000 người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh

Ở nơi mênh mông biển trời, làm nhiệm vụ trong điều kiện tối thiểu..., nếu quy chiếu theo những thang bậc thi đua, anh không hẳn đã là “điển hình tiên tiến” của ngành y. Song những trải nghiệm với đời, với nghề của BS. Luân Thanh Trường - Trạm trưởng Trạm Y tế nơi khuất tít mù xa này đã đọng lại trong tôi một chữ tâm giản dị và trong sáng đến rưng rưng...

Vững tâm nơi tuyến đầu

Trạm Y tế xã đảo Thạnh An mới được xây dựng lại khá khang trang nằm bên con lộ chính. Mùa này hoa điệp vàng rực rải khắp sân khiến không gian vốn đã tràn ngập nắng gió thêm tươi mới. Nhân viên của trạm có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 2 điều dưỡng viên, 2 nữ hộ sinh, 1 dược tá và 12 cộng tác viên y tế ấp..., đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe miễn phí cho gần 1.200 hộ dân trên đảo. Nếu các trạm y tế đất liền chỉ khám một số bệnh thông thường thì anh chị em ở đây phải đảm trách đủ loại bệnh, bao gồm cả đỡ đẻ hay cấp cứu ngoại khoa... vớisự tận tụy và mẫn cán đáng trân trọng. Còn bệnh nhân của họ, dẫu sóng gió và sự thiếu trước hụt sau của cuộc sống tùy vào “lộc biển” khiến ai nấy đều già hơn tuổi, da sạm nắng, nhưng ánh mắt và nụ cười hồn hậu đủ làm ấm lòng khách phương xa. Tôi tự hỏi, liệu có phải tình người đằm thắm nơi cam khó này mới là chính sách thu hút bền vững nhất, để nhân vật của tôi tình nguyện “thưa thốt chuyện trăm năm” với đảo.

Không ngoa khi nói rằng, từ trẻ nhỏ đến người già của ba ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng đều biết tiếng BS. Trường. Nhà nào trong xã cũng lưu số điện thoại, coi anh như bác sĩ riêng của gia đình mình, có thể gọi bất cứ khi nào... nên bác sĩ cũng luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” với bệnh tật. Bé Bin láu táu kể chuyện bị chú Trường luồn chổi lông gà qua háng cho khỏi kéo quần lên để chích; Chị Hường hẻm chùa kể chuyện con trai làm bài văn tả người trí thức theo đề cô giáo cho như sau: BS. Trường hay giúp đỡ bệnh nhân nghèo, ai không có tiền bác sĩ cho thiếu, ai có tiền thì trả, ai không trả thì thôi chứ bác sĩ không có... đi đòi; Dì Mười nhớ vị ngọt của ống thuốc bổ được bác sĩ biếu thêm bởi cảm thương tuổi già bóng xế; Còn anh Tuấn sẽ không quên lần vợ mình “vượt cạn” nhờ đôi tay lần đầu đỡ đẻ của người trạm xá trưởng... Những câu chuyện của đảo, của những con người thậm chí chưa từng đặt chân vào đất liền đã gieo vào chúng tôi nhiều thương mến.

BS. Trường

BS. Trường thường xuyên đến thăm, tặng thuốc cho những người già neo đơn, bệnh nặng không thể đi xa.

Hỏi BS. Trường về điều đó, chúng tôi nhận lại nụ cười theo kiểu “chuyện nhỏ xíu à” bởi lý do: “Tui ở đây khám chữa bệnh cho bà con đã gần tròn 12 năm rồi còn gì. Mà lại khám chữa bệnh theo kiểu “cơ động, dã chiến” nên tui và bà con biết nhau nhiều. Với lại tui cũng cần nắm hoàn cảnh, tâm lý của từng người bệnh để theo đó mà có phương cách điều trị sao cho hiệu quả. Tuy vất vả nhưng đó cũng là niềm tự hào của những người làm công tác y tế ở tuyến đầu.”

BS. Luân Thanh Trường bén duyên với đảo nhỏ không phải là một sự tình cờ mà đó là cả một câu chuyện dài của tinh thần tình nguyện và sự kiên trì, bền bỉ. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại TP. Hồ Chí Minh, cậu bé Trường mang trong mình giấc mơ trở thành bác sĩ. Nhưng do không có điều kiện ôn thi nên thi 3 lần đều trượt cả ba. Không nản chí, Trường đăng ký nhập ngũ và trở thành chiến sĩ thuộc Sư đoàn 9 đóng tại huyện Củ Chi. Sau 3 năm, anh xuất ngũ và tiếp tục đăng ký dự thi và tiếp tục... trượt 2 lần nữa. Ngày đó, Trường làm đủ nghề từ phụ hồ, bảo vệ trường học, dạy thêm để có tiền ôn luyện.

Năm 1993, lần thi thứ 6 đã mở ra chân trời mới cho Luân Thanh Trường  khi anh đỗ liền 3 trường đại học. Chọn theo học y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngoài khoản học bổng được cấp, suốt 6 năm anh vẫn làm bảo vệ tại Trường mầm non Bình Thạnh để có thêm tiền ăn học. Ai cũng thương mến và hỗ trợ cho “bần sĩ” tương lai. Các bác cấp dưỡng để dành chút cháo dinh dưỡng để lót dạ khi học khuya. Các cô giáo tặng anh tiền thưởng trong dịp lễ tết... Bạn bè cho vay tiền để đi thực tập, làm luận văn. Các giáo sư hướng dẫn tận tình chỉ bảo, sửa luận văn còn bạn học thì thức trắng nhiều đêm đánh máy luận văn, trang trí hội trường bảo vệ... Sau khi tốt nghiệp, anh nắm được thông tin mình có thể được phân công về hai huyện Củ Chi hoặc Gò Vấp công tác. Vừa lúc đó, huyện Cần Giờ cũng đang cần gấp 4 bác sĩ tăng cường cho tuyến xã nên anh xung phong xin đi!

Khoác hành trang về xã cù lao Lý Nhơn công tác giữa bộn bề thiếu thốn, nhưng không làm nao núng tinh thần người thanh niên từng được tôi luyện trong quân ngũ đang tràn đầy khát vọng được mang trên mình màu áo trắng và hoài bão phục vụ cộng đồng. Sau 4 năm công tác tại Lý Nhơn, anh được bổ nhiệm làm Quyền Đội trưởng Đội Y tế Dự phòng của Trung tâm Y tế huyện. Năm 2005, khi có cơ hội được về nội thành thì cũng là lúc anh biết chuyện có một bác sĩ do quá buồn chán và không chịu nổi thiếu thốn đã từ bỏ trạm y tế Thạnh An về đất liền. Từng đến đảo nhiều lần, anh luôn nhói lòng khi chứng kiến những cơn đau hành hạ bà con chỉ vì không được khám chữa kịp thời. Vậy là một ngày nắng, đất và người Thạnh An đã đón anh bác sĩ trẻ có cái tên đẹp như người Luân Thanh Trường tình nguyện ra đảo công tác.

1001 lần “cơ động” khám chữa bệnh

Đầu những năm 2000, vùng cù lao Cần Giờ là nơi “thiếu đủ thứ”! Xa nội đô 70km, đường toàn rừng đước rậm rạp, lại cách trở cầu phà, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, dân trí thấp, các trạm y tế được xây dựng tạm bợ, nước sạch thiếu trầm trọng... Nhưng chính tại Cần Giờ, BS. Luân Thanh Trường đã trưởng thành trên đất khó với 1001 kiểu khám chữa bệnh “hổng giống ai”. Bởi lẽ các xóm ấp phân tán, nghề nghiệp của người dân là đánh cá, làm muối nên như lời BS. Trường thì công tác ở đây phải luôn luôn cơ động: “Người bị tai biến, người bị trúng gió hay đau dạ dày cấp thì làm sao đi. Bác sĩ phải chạy tới, trên xe sẵn hai giỏ cứu thương để đảm bảo điều trị trong mọi tình huống. Rồi những ca nặng phải chuyển viện giữa mùa gió bão, bác sĩ phải lênh đênh theo kèm bệnh nhân. Rồi gặp hoàn cảnh khó khăn, bác sĩ phải lựa lời xin bà con hỗ trợ... Làm nghề này để vơi sự vất vả, cách tốt nhất là tự đặt mình vào vị trí của người bệnh.Lắm khi biết bản thân mình cũng có thể bị nguy hiểm nhưng phải xác định tính mạng của bệnh nhân lên trên hết”.

Tỷ dụ như khi còn ở Lý Nhơn, trong một đêm mưa bão, BS. Trường nhận được tin báo cấp cứu cho một bệnh nhân bị bí tiểu do chứng u xơ tiền liệt tuyến đã cấp tốc có mặt. Nhưng đến nơi mới chưng hửng vì nhà bệnh nhân nằm sát đìa sông, nước lũ dâng cao lấp hết cả lối vào, đành phải bám theo cành đước mà đi để không bị nước cuốn trôi. Dò dẫm vào đến nhà thì mới biết nhà mất điện. Dưới ánh sáng mờ tỏ của ngọn đèn cầy, anh đặt xong ống thông tiểu trong tiếng khóc xúc động của bệnh nhân.

Rồi trường hợp khác mà người dân Lý Nhơn vẫn thường nhắc là một sản phụ sau khi sinh con tại bệnh viện huyện Cần Giờ đã không may bị băng huyết. Bác sĩ chỉ định chuyển tuyến trên, nhưng do quá nghèo, chị “bấn” tới nỗi không dám lên thành phố, cứ nằng nặc đòi về Bệnh viện huyện Gò Công (Tiền Giang) vì ở đó có mẹ ruột, còn chồng thì làm muối trên rừng chưa về kịp. Muốn về Gò Công chỉ có cách đi ghe, vậy là BS. Trường sáp tới vận động chủ ghe cho đi nhờ. Cánh tài công thường kiêng cữ máu đàn bà nên không chịu giúp, anh vào tận nhà riêng thuyết phục bà chủ ghe. Lời thiện mang lại điều lành, bà khoát tay bảo chồng con “Không làm được thì dẹp ghe, chứ người thì phải cứu”. Sau gần nửa tiếng băng qua sông Soài Rạp, anh tiếp tục năn nỉ cánh xe ôm. Ngồi đằng sau một tay kềm bệnh nhân, một tay giơ cao chai nước biển đến khớp cả cánh tay, đi đường ai cũng nhìn ái ngại. Hơn một giờ chạy trong rẫy và gần nửa giờ trên đường lộ mới đến Bệnh viện Gò Công tỉnh Tiền Giang. Tất cả chỉ bởi tâm niệm “Cứu giúp người thì vất vả cỡ nào cũng làm”.

Về Thạnh An công tác, đương nhiên BS. Trường phải đảm nhiệm đủ chuyên ngành: nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, lão khoa và cả... đỡ đẻ khi nữ hộ sinh đi vắng. Anh bảo áp lực công việc lớn, nhiều ca chưa từng được học trong trường, chưa từng thực nghiệm... Nhưng cứ nghĩ bà con tin tưởng, giao tính mạng cho mình thì lại phấn chấn hơn. Vừa làm, vừa mày mò nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước... chả mấy mà dần thành thạo. Có trường hợp bé gái khoảng 6 tuổi sau khi được đoàn khám từ thiện nhổ răng hàm vào lúc trưa, nhưng đến chiều vẫn chưa cầm máu, người nhà vội chở đến trạm. Trời đã tối, biển sắp nổi giông nên không thể chuyển viện. Vậy là BS. Trường xắn tay cầm kim khâu lợi. Vừa khâu vừa động viên cháu bé ngồi im không được cử động. Kể lại tình huống đó, anh cười bảo, mình động viên bé đừng sợ còn mình thì run muốn chết vì sợ bé giãy sẽ móc kim khâu vào lưỡi vì mình đã được thực hành nha khoa ngày nào đâu!

Bác sĩ vì thương dân mà tận tụy. Dân tin bác sĩ mà trăm sự cậy nhờ. Thế nên nhiều ca bệnh “oái oăm” song bác sĩ Trường vẫn chữa trị thành công. Năm 2008, Trạm xá Thạnh An tiếp nhận một bệnh nhân bị xơ gan cổ chướng bị suy hô hấp cấp do dịch ổ bụng ép cơ hoành làm cho tim không giãn nở được. Nhưng nhằm mùa gió, nếu di chuyển lên tuyến trên e bệnh nhân không chịu nổi cơn đau do kích thích phúc mạc bụng, mà để lại thì chắc chắn cũng không qua khỏi. Vậy là BS. Trường đành gọi điện tham khảo chỉ dẫn của BS. Hạnh là Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ về kỹ thuật và tự chế bộ dụng cụ dẫn lưu lấy dây, kim và chai truyền nước biển thành công cụ hút dịch. Vừa nghe hướng dẫn qua điện thoại, vừa cẩn thận xác định vị trí cắm ống tiêm, lần lần rút dịch... anh đã cứu sống bệnh nhân giữa lằn ranh sinh tử.

Xã đảo này mãi tới đầu năm 2015 mới có điện lưới quốc gia, nên có lần đỡ đẻ ban đêm, bác sĩ Trường phải huy động tất cả đèn pin trong trạm và người dân lân cận vì máy phát điện hỏng. Em bé được sinh ra an toàn, anh loay hoay cắt rốn, khâu tầng sinh môn, hút đờm nhớt cho bé như một ông... đỡ thực thụ. Sản phụ vượt cạn thành công, anh mới nhận ra người mình đầy máu. Rọi đèn pin một hồi mới biết đó là máu của chính mình vì ánh đèn pin, mùi nước ối đã dụ muỗi bu đến hút máu nặng cành hông. Lần khác vào lúc khuya có bệnh nhân bị hen cần khí dung, anh phải đưa bệnh nhân tới nhà một tiệm cà phê có máy phát điện phục vụ dân ghiền Wolrd Cup để cắm nhờ máy. Bệnh nhân sau khi cắt được cơn còn nán lại coi bóng đá.

Chị Oanh, nhà ở ấp Thạnh Hòa rơm rớm nước mắt kể cho chúng tôi nghe lần ba chị suýt chết khi lên cơn khó thở vì bệnh hen suyễn và bệnh tim cách đây 3 năm. Khi tới được trạm y tế thì ông đã ngừng thở, các con ông sẵn sàng đưa ba về lo hậu sự. Vậy mà BS. Trường vẫn cố công giành lại mạng sống cho ông cụ đã 75 tuổi. Khi thấy ông cụ ngừng tim, ngừng thở, anh vội hô hấp nhân tạo. Đờm dãi và cả thức ăn trong dạ dày cụ trào ra, bác sĩ vừa lau, vừa hô hấp và vừa ói mửa... Sau gần 15 phút, ông cụ bất ngờ thở lại được và dần tỉnh lại. “Tui biết ơn bác sĩ lắm. Nhìn bác sĩ làm mà xấu hổ vì chúng tôi là con cái mà chắc gì đã dám hút đờm dãi cho cha mình” - chị Oanh xúc động.

Làm việc thiện trả ơn đời

Xem qua sổ thống kê của trạm xá, mới thấy hết tầm quan trọng của “bệnh viện đảo” này với tần suất khám chữa bệnh dày đặc. Xã có quá nửa số hộ dân là hộ nghèo và cận nghèo. Trong 6 tháng đầu năm 2016,

Trạm Y tế xã tiếp nhận 6.604 lượt người đến khám chữa bệnh với 23 loại bệnh tật khác nhau. “Việc vào đất liền chăm lo sức khỏe là điều xa xỉ đối với bà con nghèo. Vì vậy anh chị em ở trạm y tế không chỉ làm hết chuyên môn mà còn làm hết tâm sức. Trước đây tui khó khăn, nhờ tình thầy, nghĩa bạn mới có được ngày hôm nay. Nhưng tui không có cơ hội gặp lại họ để đáp đền, nên mang ơn nghĩa đó trả cho bà con nghèo ở đây” - anh Trường tâm sự.

Vậy là, suốt 18 năm công tác nơi biển trời này, bất cứ khi nào bệnh nhân cần là anh đến, không tính công khám, kê thuốc hợp lý, trúng bệnh trong khoản tiền thuốc cũng chỉ “gọi là”, từ 15.000-20.000 đồng. Có người nghèo quá phải nợ tiền thì anh tặng lại luôn. Tình cảm của người thầy thuốc được bà con đền đáp bằng nắm cá khô, bịch chè đậu đỏ, hũ mắm cá, chục trứng gà... Đơn cử như mới đây, anh đã cứu mạng bà Trà Thị Hoa khi tim đã ngưng đập. Hoàn cảnh bà Hoa neo đơn, đã 60 tuổi nhưng vẫn phải đi bán chè, bán bánh bao dạo quanh vùng nên bác sĩ Trường không lấy tiền thuốc, chỉ dặn bà cố gắng nghỉ ngơi dưỡng sức. Vậy mà chưa được một tuần đã thấy bà đi bán lại, ngang trạm xá chỉ len lén nhờ người mang biếu bác sĩ bịch chè chứ không dám vào vì sợ anh rầy.

Các cán bộ khác của trạm xá xã Thạnh An cũng đã học theo người trạm trưởng của mình mà đối đãi với bà con. Bà Nguyễn Thị Lệ, một bệnh nhân của BS. Trường thao thao: “Các y bác sĩ ở đây không chỉ chữa bệnh hay mà còn sống tốt lắm. Người nghèo đến khám phải nằm lại điều trị, BS. Trường còn cho tiền ăn cơm hoặc đặt bà Nở nấu cho họ ăn. Mấy năm trước tui bị u xơ tử cung, không có tiền để mổ, BS. Trường đã cho tôi 1 triệu đồng để về thành phố mổ. Giờ tui đã khỏe hơn nhiều”. Còn bà chủ quán cơm thì góp thêm câu chuyện rằng, suốt 5 năm qua, BS. Trường đặt cơm hàng tháng hỗ trợ cho cụ Nguyễn Thị Kính, 77 tuổi, làm nghề lượm ve chai, ngụ tại tổ 3, ấp Thạnh Hòa. Cụ chẳng may bị tai biến mạch máu não, BS. Trường cảm thương nên thường đến nhà khám bệnh miễn phí, thỉnh thoảng còn biếu bà dăm ba chục ngàn tiêu vặt. Mỗi khi nhắc đến ân tình ấy cụ Kính đều rưng rưng lệ trên gò má nhăn nheo tuổi tác.

Hỏi BS. Luân Thanh Trường, anh cười hiền khô: “Có chi đâu chị ơi. Trước giờ tui cũng có giúp một số người nghèo không có tiền chữa bệnh. Nhưng mỗi người chừng vài trăm ngàn chứ có nhiều nhặn chi mà kể!”. Rồi anh chuyển đề tài, nhắc năm 2006, anh tính đi thi chuyên khoa nội để nâng cao trình độ: “Khi biết tui đi thi, một bà cụ đến tận trạm xá hỏi, bác sĩ thi đậu rồi có về đây làm nữa không?.  Tui thật thà thưa rằng, nếu được học lên cao nữa thì con cũng muốn có cơ hội để phát triển. Nào ngờ bà cụ buông một câu buốt lòng “Tôi vái bác sĩ đi thi thì... rớt cho bà con nhờ!”.

Lần thi đó nhằm trúng đợt cha anh bị ung thư, nên anh lấn bấn việc nhà và... thi rớt, ứng với lời nguyền... chân chất của bà cụ. Rồi anh nghĩ, chắc gì thành phố phồn hoa đã cần một bác sĩ như anh bằng 5.000 người dân ở xã đảo xa xôi này. Vậy là anh dẹp suy nghĩ đi học nâng cao sang một bên để chuyên tâm làm “bác sĩ của người nghèo”. Song, khi Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở lớp bác sĩ gia đình anh xung phong đi học ngay bởi anh xác định đã theo ngành y không chỉ là học nữa học mãi mà còn phải học bài bản, có hệ thống và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

“Đặc sản” cù lao xanh

“Đậm tình “bạn cũ lái xưa”/Chung lưng sóng gió nắng mưa chẳng sờn...”, câu ca dao Cần Giờ BS. Trường thuộc nằm lòng. Anh bảo sống lâu trên đảo mới thấy tình người nơi đây rất đáng quý. Biết được sức mạnh của lòng người thì cộng đồng dù neo khó vẫn có thể làm được chuyện lớn. “Bác sĩ làm việc ở đây nếu biết kêu gọi cộng đồng sẽ giúp cho người bệnh qua cơn nguy khốn. Bà con nghèo tiền bạc nhưng giàu tình cảm, có lần đoàn bác sĩ ra công tác bị nhỡ tàu về đất liền, tui chạy qua nói với chủ nhà gần bến coi có gì cho các bác sĩ ăn tạm. Chẳng ngờ chủ nhà bưng mâm cơm của gia đình vừa mới nấu cho bác sĩ. Tiễn đoàn xuống tàu rồi, tôi đi ngang qua thấy anh chị đang ăn lại thức ăn thừa” - anh xúc động kể.

Còn tôi thì lại trộm nghĩ rằng, có lẽ tấm lòng của anh đã có sức cộng cảm lớn đối với mọi người xung quanh, để tất cả cùng đồng tâm làm việc nghĩa. Thấy bác sĩ Trường dành trọn 10 triệu đồng tiền thưởng của mình tặng anh Trần Văn Tèo đi mổ sắp lại xương cẳng chân, năm 2014, bà Mai Thị Em, một tiểu thương ở Thạnh An đã đi vận động mọi người trong ấp cùng lập quỹ từ thiện. Bà bảo: “BS. Trường bỏ công đủ quý rồi, để ổng bỏ của nữa coi sao được. Với lại ổng cũng đâu có giàu có gì, hai vợ chồng còn đang ở nhà mướn mấy năm nay. Bà con mình phải chung tay cùng chính quyền và bác sĩ chứ”. Vậy là quỹ từ thiện cứ vơi rồi lại đầy. Tính đến nay số tiền hỗ trợ bệnh nhân nghèo đã lên tới hơn 100 triệu đồng và cũng đã có gần 100 người bệnh nghèo được giúp. Cũng từ nguồn quỹ này mà trạm đã có thêm 10 máy ôxy di động, có thể mang theo khi di chuyển bệnh nhân vượt biển hoặc cho bệnh nhân mạn tính mượn về điều trị tại nhà. BS. Trường là đầu mối cung cấp thông tin về bệnh nhân cần hỗ trợ nên bà con nơi đây còn đặt thêm cho anh biệt danh “cò từ thiện”.

Chính quyền địa phương cũng hết lòng vì người bệnh nghèo. Khi đã xác định đây là trường hợp cần giúp thì Chủ tịch xã cho phép các cán bộ trong Ban vận động vì người nghèo úy lạo nhân dân trong xã quyên tiền trợ giúp. Ghe của Ủy ban chở người bệnh đi cấp cứu miễn phí dù là người có thẻ bảo hiểm hay không có thẻ, dù là người địa phương hay là người nơi khác. Thậm chí một quỹ từ thiện khác từ xã đảo nghèo khó này mà anh Trường cũng là thành viên còn “vươn tay” giúp đỡ một số đồng bào dân tộc nghèo của tỉnh Bình Phước có thêm lương thực, thực phẩm mùa giáp hạt.

Ông bà nói “Của một đồng, công một lượng”. Giờ thì BS.Trường có quyền tự hào về một “đội ngũ” tình nguyện hỗ trợ cho trạm. Cộng sự của BS. Trường trong mỗi hành trình đưa, đón bệnh nhân có thể là bất cứ ai trên đảo, từ cánh xe ôm trên bờ, đội tài công dưới biển, các chiến sĩ biên phòng đứng chân trên đảo tiền tiêu. Dẫu đêm hay ngày, mưa hay nắng, chỉ cần trạm xá chuyển bệnh nhân ra rất liền hoặc đưa bác sĩ ra các ấp đảo liền kề cấp cứu thì thế nào cũng có người đến giúp. Xe đẩy cứu thương không đẩy được trên lộ gồ ghề thì phải huy động người dân khiêng cả xe lẫn người bệnh suốt 2km từ trạm xuống bến. Rồi chuyền vai nhau di chuyển trên độ dốc gần 300 của đường xuống bến đò rồi đưa bệnh nhân vào khoang, sau đó mới khiêng trang thiết bị về trạm. Có người theo ghe phụ giúp nhưng không dám vào khoang sợ thiếu dưỡng khí cho bệnh nhân liền ra đầu mũi ngồi, mặc cho mưa gió tạt lạnh buốt. Có người chuyển bệnh nhân xong là vội vã ra biển đi giã cào xa.

Trong số các cộng sự của mình, BS. Trường nhắc nhiều đến anh Bùi Văn Hoan, thường gọi là Sáu Hoan, 60 tuổi, làm nghề chạy xe ôm trong xã. Gia cảnh anh Sáu Hoan cũng tội vì vợ bị bệnh tim và phụ con trai nuôi 3 đứa cháu nội. Tất cả chỉ trông vào giọt mồ hôi chạy xe xà quần cả ngày của anh. Nghèo mà tự trọng, mà đầy nhân nghĩa, anh Sáu tình nguyện chở người bệnh đến trạm xá hoặc ngược lại mà không lấy tiền bất kể đêm hôm, sớm tối. “Chú Sáu ráng làm phước, kiếp sau trời thương không bắt chú chạy xe ôm nữa mà cho chú chạy taxi cho sang hen!” - người cộng sự da cháy nắng cười sang sảng mỗi khi BS. Trường động viên theo cách có một không hai ấy.

Giờ thì anh Trường đã “bén duyên” với đảo theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một thiếu nữ xứ đảo đã làm chủ trái tim ở tuổi 43 của người bác sĩ và sinh cho anh cô con gái nay đã học lớp 1. Có lần bạn học trên thành phố hỏi: “Bộ đất lành chim đậu hay sao không chịu về”. Người Trạm xá trưởng của đảo đáp: “Chim đậu đất lành thì chim còn bay. Chứ  tui đậu đất bùn, chim lún làm sao bay?”. Anh bảo, lún trong tình thương yêu của một cộng đồng biết sẻ chia thì âu cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời.

Đang vui chuyện thì điện thoại reo, một ca cấp cứu đang chờ anh. Chiếc xe Wave có hai túi cứu thương cột sẵn dựng ở sân trạm y tế bỗng tòn ten thêm một bịch tôm khô. “Quà của bà con lén cho đó! - BS. Trường cười giải thích. Anh tất tả lên xe chạy vội, chở theo tấm lòng thương mến của người dân Thạnh An cùng 2 túi đồ nghề đã sờn mép vải nhưng vẫn trắng sạch, nổi bật chữ thập đỏ tươi. Tôi thu vào tầm mắt cái dáng đi tất bật và gương mặt hồn hậu của anh giữa nắng gió biển khơi, tai dịu nghe tiếng anh trầm ấm: “Người dân ở đây bày tỏ lòng biết ơn tui vì tui chữa bệnh cho họ. Còn tui thì biết ơn họ vì tình nghĩa họ dành cho tui. Nhờ có bà con nơi đây, tui mới có cơ hội được làm một bác sĩ tốt!”.


Bài và ảnh: Phạm Vân Anh
Ý kiến của bạn